Ý nghĩa của việc đặt tên danh nhân cho các giảng đường tại trường Đại học Hoa Sen
Trong quan niệm thiết kế xây dựng tòa nhà số 8 Nguyễn Văn Tráng, bên cạnh các phòng học và văn phòng, điểm nhấn làm nổi bật tính chất phục vụ hoạt động khoa học và nghệ thuật đa dạng của một trường đại học chính là các phòng có những chức năng chuyên biệt như thư viện, phòng chiếu phim, phòng hội thảo, phòng dành cho các sự kiện văn hóa và học thuật. Đặt tên các danh nhân cho các phòng nêu trên, Trường Đại học Hoa Sen mong muốn các phòng này được gắn liền với tên tuổi của các danh nhân trí thức tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, để tinh thần và trí tuệ của các bậc tiền bối tiếp tục hiện diện trong tâm trí của giảng viên và sinh viên khi họ đến làm việc và sinh hoạt tại những nơi này, tạo một mối dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa Việt Nam và thế giới, để các thế hệ trí thức của Hoa Sen tiếp tục thừa kế và phát huy tinh hoa trí thức của người xưa để lại.
Thư viện được đặt tên nhà bác học Lê Quý Đôn.
Thư viện, nơi tập hợp tài nguyên tri thức để phục vụ cho cộng đồng được mang tên Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn của Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học và các công trình khảo cứu có giá trị trong nhiều lãnh vực.
Tinh thần giáo dục khai phóng dành một vị trí trang trọng cho các hoạt động nghệ thuật đã thấm nhuần vào triết lý giáo dục của Hoa Sen. Dù diện tích cơ sở còn khiêm tốn, Hoa Sen đã thiết kế một phòng chiếu phim và biểu diễn văn nghệ. Phòng này được vinh hạnh mang tên của Charlie Chaplin, hay còn được gọi một cách thân tình là vua hề Charlot, một hiện tượng điện ảnh có một không hai trên thế giới.
Bình đẳng giới, một giá trị nhân văn thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại là một mối quan tâm của trường Hoa Sen khi tìm chọn tên danh nhân cho các phòng chuyên đề. Ba trong số sáu danh nhân là nữ giới: một nhà khoa học nổi tiếng là Marie Curie và hai gương mặt nữ quyền tiên phong trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX là Đạm Phương nữ sử và Phan Thị Bạch Vân. Nếu Marie Curie làm rạng danh nữ giới toàn cầu với những công trình khoa học có ý nghĩa to lớn vào đầu thế kỷ XX, thì trong phạm vi Việt Nam, Đạm Phương và Phan Thị Bạch Vân là nhà văn, nhà báo nữ đầu tiên đã gióng lên tiếng chuông kêu gọi cho nam nữ bình đẳng. Không chỉ viết văn, viết tiểu thuyết, hai nhà nữ quyền tiên phong này còn là những người hành động, đã lập nhà xuất bản, lập hội để tập hợp và nâng cao nhận thức của phụ nữ về năng lực và các quyền bình đẳng của nữ giới.
Phòng tự học dành cho sinh viên Hoa Sen được đặt tên nhà bác học Marie Curie
Theo đuổi tri thức và mong đem lại ánh sáng của tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới về cho Việt Nam đang chìm trong nô lệ và lạc hậu, Nguyễn Trường Tộ và Phan Châu Trinh, mỗi người theo một con đường riêng, nhưng các bậc trí thức này đều nung nấu một ý chí canh tân đất nước , đào tạo con người để xây dựng một nước Việt Nam mạnh hơn, văn minh hơn mới mong giành lại được độc lập từ tay Pháp. Hai phòng chuyên đề được vinh hạnh mang tên Phan Châu Trinh và Nguyễn Trường Tộ, biểu trưng cho tinh thần phát triển đất nước bằng cách đem lại cho dân chúng kiến thức và tư duy khoa học.
Tại buổi diễn thuyết về danh nhân Phan Châu Trinh vào ngày 1/08/2016, TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: “Từ khi mới hình thành trụ sở Trường Hoa Sen ở Nguyễn Văn Tráng, chúng tôi đặt tên cho các giảng đường là tên các danh nhân. Nếu giáo dục phổ thông làm tốt thì với một tấm bảng nhỏ, sinh viên vẫn có thể biết Phan Châu Trinh, Marie Curie, Nguyễn Trường Tộ… là ai. Nhưng giáo dục lẫn nghiên cứu mình còn nhiều bất cập nên sinh viên không biết. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn những danh nhân thời cận hiện đại để họ vẫn còn có những con cháu gần của họ. Chúng tôi mong những người thân đó có mặt trong các buổi kỷ niệm danh nhân để tỏ lòng biết ơn như hôm nay có chị Lê Thị Sương là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh…”
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức 6 buổi diễn thuyết về các danh nhân nói trên:
|
Trường Đại học Hoa Sen