Xây dựng TP.Thủ Đức trở thành thành phố của công nghệ cao
Việc thành lập thành phố Thủ Đức đang được xúc tiến khẩn trương. Dự kiến, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các công tác cần thiết cho việc thiết lập bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức sẽ được nhanh chóng triển khai để sự vận hành của một thành phố mới diễn ra đúng lịch trình và suôn sẻ.
Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp trên dưới 30% giá trị tổng sản phẩm của thành phố Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó trong điều kiện các nguồn lực truyền thống như đất đai, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp,… chỉ có giới hạn và đã được khai thác đến mức gần như tối đa, cần tìm kiếm hoặc tạo ra các nguồn lực mới.
Phát triển công nghệ cao được cho là giải pháp chủ lực của bài toán tăng tỷ lệ đóng góp của thành phố Thủ Đức vào quy mô nền kinh tế của thành phố. Giải pháp này được đề ra trên cơ sở nhìn nhận các thế mạnh vốn có của Thủ Đức cũng như các khả năng thu hút các nhân tố từ bên ngoài.
Thành phố Thủ Đức bao trùm toàn bộ khu công nghệ cao vận hành từ nhiều năm nay. Trong khuôn viên khu này đang có các tên tuổi lớn trong các lĩnh vực điện tử và công nghệ số. Bên cạnh đó là các trường đại học lớn có thiên hướng nghiên cứu. Cần tạo điều kiện để thúc đẩy việc liên kết hoạt động của các doanh nghệ công nghệ cao với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học.
Hình thức liên kết đơn giản nhất là hợp tác đào tạo. Trên cơ sở xác định nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp, trường đại học xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo nhằm cung ứng lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Để bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề theo học, cần có thỏa thuận chặt chẽ giữa trường và doanh nghiệp. Chính quyền cũng cần xây dựng cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp cam kết ưu tiên sử dụng lao động là các sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học trên địa bàn.
Liên kết trong nghiên cứu khoa học giữa trường đại học và doanh nghiệp cho phép chuyển giao các kết quả hoạt động sáng tạo trong phòng thí nghiệm để ứng dụng trong thực tiễn. Để đạt được điều này, có thể xây dựng một trung tâm ươm tạo ý tưởng sáng tạo như là nơi gặp gỡ, giao tiếp giữa nhà khoa học của các trường đại học và các doanh nghiệp công nghệ để tìm hiểu và khai thác cả khả năng, cơ hội hợp tác.
Ở nơi đó, các doanh nghiệp đặt ra những vấn đề mà doanh nghiệp đương đầu trong quá trình kinh doanh và đang gặp khó khăn trong việc tìm cách giải quyết. Các nhà khoa học ghi nhận vấn đề và suy nghĩ tìm kiếm giải pháp tối ưu đế giới thiệu cho doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn kinh doanh.
Các nhà khoa học cũng có thể chủ động nghiên cứu đề ra những ý tưởng sáng tạo và tích hợp các sáng kiến thành những ứng dụng để giới thiệu cho các doanh nghiệp khai thác nhằm cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh hoặc tạo ra sản phẩm mới.
Những nhà khoa học có chí hướng dấn thân trong kinh doanh có thể lập doanh nghiệp để trực tiếp tổ chức việc khai thác thương mại các sáng kiến, phát minh do chính mình tạo ra. Cần lập các vườn ươm tạo doanh nghiệp để giúp nhà khoa học hiện thực hóa mục tiêu này. Vườn ươm được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong không gian đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp được giới thiệu cho các tổ chức nắm giữ nguồn vốn để có thể nhận các khoản đầu tư cần thiết giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển lớn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 30/11/2020. >>CHI TIẾT)