Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Toàn
Đại học Hoa Sen và Ban Tu thư Đại học Hoa Sen vô cùng thương tiếc báo tin buồn cho quí vị học giả, nhà nghiên cứu, các giảng viên, các bạn sinh viên trong và ngoài nước: Giáo sư, nhà nghiên cứu triết học Trần Văn Toàn sinh năm 1931 tại Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình, do tuổi già, bệnh nặng đã qua đời tại Pháp vào ngày thứ bảy, 13 tháng 9 năm 2014.
Đại học Hoa Sen mãi mãi mất đi một học giả đáng kính, một người thầy lớn, một tác gia quan trọng.
Giáo sư Trần Văn Toàn từng dạy triết học tại các đại học ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt trong thập niên 1960, ở Kinshasa (Congo) trong những thập niên 1960 và 1970 và ở Lille (Pháp) những thập niên 1970-1990. Ông là tác giả của Tìm hiểu triết học của Karl Marx (Sài Gòn, Nhà xuất bản Nam Sơn, 1965), Xã hội và con người (Sài Gòn, Nhà xuất bản Nam Sơn, 1965), Hành trình vào triết học (Hà Nội, Nhà xuất bản Tri Thức và Đại học Hoa Sen tái bản, 2009), Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật (Nhà xuất bản Tri Thức và Đại học Hoa Sen, 2011).
“Hành trình đi vào triết học” một tác phẩm do Hà Nội, Nhà xuất bản Tri Thức và Đại học Hoa Sen tái bản, 2009
Ông bảo vệ Cao học về Thần học Công giáo năm 1954 và Tiến sĩ Triết học năm 1960. Ông đã dành thời gian nghiên cứu Karl Marx và đã viết nên tác phẩm đặc sắc Tìm hiểu triết học Karl Marx, xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn. Ngoài ra, với lập trường phê bình ông cũng nghiên cứu chủ trương vô thần của Marx và của một số triết gia khác, như Feuerbach, Nietzsche, v.v… Ông cho rằng có một điều ít ai để ý là chính Marx cũng luôn giữ lập trường phê bình như thế, vì phần lớn các bài vở hay sách vở do Marx viết đều lấy đầu đề là “phê bình”.
Ông cũng nghiên cứu về triết lý và lịch sử khoa học. Trong thời gian dạy học tại Đại học Huế, ông viết Hành trình vào triết học như một hướng dẫn nhập môn triết học cho các lớp dự bị văn khoa mà ông phụ trách. Và mãi 44 năm sau, cuốn sách này mới được tái bản như là tựa sách đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Ban Tu thư Đại học Hoa Sen.
Trong tác phẩm này, dường như thấu hiểu nỗi e ngại của những người đang đứng trước ngưỡng cửa triết học, tác giả đã chọn cách viết giản dị, khúc chiết với nhiều dẫn chứng nôm na sinh động (khác hẳn với văn phong hàn lâm và hết sức tư biện trong cuốn Tìm hiểu triết học của Karl Marx) như để cầm tay chỉ cho người đọc thấy “ngôi đền triết học” nằm ngay trong tâm trí mình, và triết học không phải là cái gì diệu vợi cao siêu ngoài ý thức của con người nhìn thẳng vào thân phận mình.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nhận định: “Hành trình vào triết học, được viết cách đây hơn 40 năm, vẫn nguyên vẹn là một trong những cuốn sách nhập môn triết học hay nhất không chỉ cho người đọc Việt Nam. Có thể nói, cuốn sách cung cấp những tri thức văn hóa nền tảng, cần thiết cho mọi người”.
Năm 2010, ông đến thuyết trình tại Đại học Hoa Sen, gây một tiếng vang cho học giới lúc bấy giờ.
Ban Tu thư Đại học Hoa Sen sau đó vào năm 2011 đã xuất bản tác phẩm Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật của ông. Đây là thiên khảo luận được viết với một văn phong hết sức sáng sủa và dễ đọc, cung cấp cho độc giả một cái nhìn triết học mang tính phân tích và phê phán, không chỉ về “ý nghĩa của lao động và kỹ thuật”, mà còn khai mở một cách phong phú và bổ ích cho những ý tưởng khái quát về triết lý tổ chức đời sống xã hội. (Trần Hữu Quang)
Hồi tháng 7 năm 2014 giáo sư Trần Văn Toàn viết thư về cho biết, nguyện vọng của ông là được thấy tác phẩm Tìm hiểu triết học của Karl Marx của ông được tái bản, và một tuyển tập những bài tiểu luận về thần học căn bản được xuất bản tại Việt Nam. Ông còn tâm sự, “sau này được Chúa cho khỏe mạnh” thì sẽ viết tiếp về thần học và vô thần.
Tiếc thay, sức khỏe đã không cho phép ông chờ đợi để hi vọng nhìn thấy mơ ước của mình thành sự thực. Mặt khác, chúng ta, những độc giả, học trò của ông sẽ không còn cơ hội nào thưởng thức những trang sách triết khúc chiết, sâu xa mà trong sáng dí dỏm của ông nữa.
Ông sẽ yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
Vô cùng thương tiếc,
Ban Giám hiệu và Ban Tu thư Đại học Hoa Sen