Đại học Hoa Sen – HSU

Vì sao người trẻ mê showbiz hơn làm nhà diễn thuyết như Obama?

Giới trẻ ngày càng tự tin nhưng họ dùng sự tự tin để ca hát, để bước vào thị trường giải trí trực tuyến hoặc sân khấu chứ hiếm người dùng vào việc trở thành nhà diễn thuyết.

Sáng 1-8, tại Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM) đã diễn ra buổi diễn thuyết của GS Chu Hảo về chí sĩ Phan Châu Trinh với chủ đề Tư tưởng triết học Phan Châu Trinh. Đây là buổi diễn thuyết đầu tiên trong chuỗi chương trình Diễn thuyết về danh nhân do ĐH Hoa Sen tổ chức.

Cùng với phần diễn thuyết của GS Chu Hảo về con đường phát triển của Việt Nam trong tư tưởng Phan Châu Trinh là phần tranh luận học thuật của các TS Bùi Trân Phượng, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Hồng Cúc… Một buổi trò chuyện đáng giá không chỉ ở góc độ học thuật mà cần thiết cho người trẻ hiện tại. Thế nhưng buổi diễn thuyết sáng qua hoàn toàn vắng bóng người trẻ dù tổ chức ngay trong hội trường Phan Châu Trinh của ĐH Hoa Sen.

Giao su Chu Hao dien thuyet ve Phan Chau Trinh
GS Chu Hảo trình bày về lý do Phan Châu Trinh đặt “khai dân trí” lên đầu tiên trong Phong trào Duy Tân. Ảnh: Đinh Lan

Quyết không “bưng” sinh viên cho kín hội trường

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, ngay sau khi buổi diễn thuyết kết thúc.

* PV: Một trong những vấn đề Phan Châu Trinh đặt ra cho nguyên nhân mất nước, nô lệ thời điểm đó là “sĩ phu ươn hèn”. Môi trường đại học một phần nào đó là nơi ươm mầm những “sĩ phu” tương lai. Nhưng những buổi nói chuyện như hôm nay vẫn thiếu vắng người trẻ. Bà nghĩ sao về câu chuyện hôm nay?

+ TS Bùi Trân Phượng: Thiếu vắng sinh viên là điều hết sức đau lòng, bởi những buổi diễn thuyết này hay những sinh hoạt học thuật khác của Trường Hoa Sen chủ yếu phục vụ sinh viên. Và xa hơn là để lấp những khoảng trống mông mênh mà giáo dục nhiều khi chưa đủ để thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử dân tộc mình. Hôm nay chúng tôi tiếp tục thiếu vắng sinh viên. Chúng tôi có lỗi chưa gửi thư mời đến sinh viên để các bạn sinh viên biết. Nhưng những buổi khác chúng tôi từng làm có mời sinh viên thì sinh viên đi dự cũng không nhiều.

Chúng tôi không bao giờ “bưng” sinh viên vào cho kín hội trường. Đây cũng là cách thử xem mức độ quan tâm của sinh viên tới đâu và mình phải làm gì để cải thiện ở chiều sâu. Chúng tôi sẵn sàng chờ đợi và vẫn mong ít sinh viên mà chất lượng.

* Tại sao bây giờ lại là lúc bà chọn tổ chức nói chuyện về danh nhân mà không phải là một thời điểm khác?

+ Từ khi mới hình thành trụ sở Trường Hoa Sen ở Nguyễn Văn Tráng, chúng tôi đặt tên cho các giảng đường là tên các danh nhân. Nếu giáo dục phổ thông làm tốt nhiệm vụ giáo dục thì với một tấm bảng nhỏ, sinh viên vẫn có thể biết Phan Châu Trinh, Marie Curie, Nguyễn Trường Tộ… là ai. Nhưng giáo dục lẫn nghiên cứu mình còn nhiều bất cập nên sinh viên không biết. Có những mảng trong nghiên cứu bị bỏ quên một thời gian dài trong chính sử; nói như cha tôi (nhà nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử Bùi Đức Tịnh) trong có quyển sách Văn học miền Nam: Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới, ông gọi đó là những giọt máu rơi của văn học sử Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi chọn những danh nhân thời cận hiện đại để họ vẫn còn có những con cháu gần của họ. Chúng tôi mong những người thân đó có mặt trong các buổi kỷ niệm danh nhân để tỏ lòng biết ơn như hôm nay có chị Lê Thị Sương là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh.

Và cùng đó là sự có mặt của các nhà nghiên cứu dành cả cuộc đời hoặc một phần đời nghiên cứu về nhân vật, như hôm nay với nhà tư tưởng Phan Châu Trinh chúng tôi mời GS Chu Hảo và nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc.

TS Bui Tran Phuong mong muon dem den mo hinh dai hoc la trung tam van hoa
Với chuỗi Diễn thuyết về danh nhân, TS. Bùi Trân Phượng mong muốn đem đến mô hình đại học là trung tâm văn hóa. Ảnh: QT

Gầy dựng không khí Đông Kinh Nghĩa Thục

*PV: Ngoài vì sinh viên, ước mong lớn nhất của bà cho những buổi diễn thuyết này là gì, bởi đâu chỉ sinh viên mà cũng hàng chục trí thức ngồi nghe?

+ Chúng tôi muốn gầy dựng lại không khí của trường Đông Kinh Nghĩa Thục mà với cá nhân tôi đó là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Tôi quan niệm trường đại học là nơi tạo ra tri thức mới, nơi người ta được phép thảo luận, tranh luận để ra những phát kiến, kiến giải mới bổ túc thêm hoặc phản biện những ý kiến cũ trong khoa học tự nhiên lẫn xã hội. Dù Đông Kinh Nghĩa Thục không cấp bằng nhưng ở đó dạy những điều cần thiết cho đất nước khi mà hệ thống trường của nhà cầm quyền thực dân không dạy đủ những điều cần dạy như: Lịch sử Việt Nam, tinh thần yêu nước, canh tân, khai hóa…

Đông Kinh Nghĩa Thục có cả những hoạt động, diễn thuyết dành cho cả công chúng. Đại học đúng sứ mạng hiện đại có nghĩa vụ phải đào tạo, nghiên cứu và chia sẻ với cộng đồng hoạt động của mình. Nên hoạt động diễn thuyết chính là chia sẻ tri thức cho người đang học lẫn cộng đồng học thuật. Mỗi trường đại học là một trung tâm văn hóa.

Tu tuong Phan Chau Trinh tung duoc TT Obama nhac den
Tư tưởng Phan Châu Trinh từng được Tổng thống Obama nhắc tới như đại diện của tri thức Việt Nam trong bài phát biểu tại Hà Nội – Ảnh: Quỳnh Trang

Trong những buổi diễn thuyết, ngoài nội dung tư tưởng của các danh nhân, điều quan trọng không kém là tạo cho sinh viên thói quen diễn thuyết, thói quen tranh luận học thuật. Thực tế, hiện nay sinh viên rất tự tin trong giao tiếp, họ có thể là ca sĩ, MC nhưng họ không chọn làm nhà diễn thuyết về tư tưởng…

+ Nó là bệnh chung của toàn xã hội khi nhiều thứ cùng được làm hời hợt, không sâu sắc, không chú trọng giá trị thật.

Xã hội cũng không tạo điều kiện để phát triển những năng lực tìm hiểu sâu vấn đề, phân tích, lý giải, biện luận, có kiến giải, quan điểm riêng; sẵn sàng trình bày trong tinh thần cởi mở,lắng nghe trao đổi, phản biện. Tinh thần học thuật như vậy đang rất thiếu vắng ở Việt Nam.

Trong chương trình diễn thuyết này, bà có mong muốn đem lại không khí như vậy?

+ Có. Tôi hoàn toàn không nghĩ đây là chỗ để học làm MC. Đây là chỗ các bạn làm quen với một sinh hoạt học thuật nghiêm túc. Diễn giả là những người có quá trình nghiên cứu trước khi nói và khi nói họ biết quan điểm đó còn có thể tranh luận, tranh cãi.

Xin cám ơn bà.

Nền tảng văn hóa lạc hậu là mất nước và nô lệ

Tư tưởng triết học Phan Châu Trinh ra đời trong sự bất lực, hoảng hốt của Triều Nguyễn trước nguy cơ mất nước sau khi Pháp chiếm Nam kỳ Lục tỉnh vào năm 1867; sự thất bại của cuộc khởi nghĩa vũ trang cuối cùng của Phan Đình Phùng và sự tan rã của phong trào Cần Vương; sự bế tắc, mất phương hướng của tầng lớp văn thân và sĩ phu yêu nước.

Vào thời đại của mình, tư tưởng triết học Phan Châu Trinh mang tính cách mạng và chưa hề có ở những sĩ phu đương thời. Phan Châu Trinh không chỉ mưu đồ một cuộc nổi dậy, một cuộc khởi nghĩa nhằm lật đổ một chính quyền bằng bạo lực. Ông là nhà cách mạng với ý nghĩa là người muốn thay đổi một xã hội, biến đổi số phận của một dân tộc từ cơ tầng văn hóa-giáo dục.

Trong khi những nhân vật yêu nước lớn nhất của thời đó chỉ thấy việc đánh đuổi Pháp, giành độc lập, hệt như tổ tiên ta suốt ngàn năm trước đã đánh ngoại xâm Trung Hoa, thì Phan Châu Trinh đã nhận ra một vấn đề phức tạp hơn, cơ bản hơn nhiều: Thua kẻ thù mới cả một thời đại văn minh. Nguyên nhân tối hậu của việc nước mất và nô lệ thảm khốc nằm ở nền tảng văn hóa lạc hậu: sĩ phu ươn hèn và dốt nát, dân chúng u mê và cơ cực, quan lại tham lam và  tàn ác.

(Lược ghi bài diễn thuyết của GS Chu Hảo về tư tưởng triết học Phan Châu Trinh)

 

Nguyễn Trường Tộ sẽ là nhân vật tiếp theo

Sau Phan Châu Trinh, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ sẽ là nhân vật tiếp theo của chuỗi Diễn thuyết về danh nhân. Dự kiến sẽ còn có các nhân vật: Nhà bác học Lê Quý Đôn, nhà hoạt động văn hoá Phan Thị Bạch Vân, nhà hoạt động văn hóa Đạm Phương (Đạm Phương nữ sử) và nhà khoa học Marie Cuire.

Trong dịp về Nguyễn Trường Tộ, ban tổ chức kỳ vọng đó là cơ hội để nói thêm, phản biện ý kiến của hôm nay bởi nhiều ý tưởng trong tư tưởng cách mạng Phan Châu Trinh đã có từ thời Nguyễn Trường Tộ.

Theo Quỳnh Trang
(Nguồn: Pháp luật Tp.HCM, ngày 01/08/2016)

Facebook Youtube Tiktok Zalo