Đại học Hoa Sen – HSU

Văn hóa thần tượng vào đề thi

Đề thi đại học môn văn khối C và D năm nay được giới chuyên môn đánh giá hay hơn năm trước. Đặc biệt là câu nghị luận xã hội đều là những câu hỏi thú vị, đề cập đến vấn đề đang “nóng” trong giới trẻ.

Thí sinh trước giờ làm bài thi môn ngữ văn khối D tại hội đồng thi Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) của Trường ĐH Tài chính – marketing – Ảnh: Thuận Thắng

 

Theo cô Cao Thị Đan Thanh – nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), đề văn khối D năm nay có nhiều đổi mới sáng tạo, khối lượng kiến thức của lớp 11 và 12 ngang nhau. Nếu thí sinh không ôn chương trình lớp 11 sẽ rất khó đạt được điểm trên trung bình. Câu 3a về nghị luận văn học năm nay cũng rất sáng tạo chứ không rập khuôn theo kiểu cũ.

Thiệt thòi cho thí sinh nông thôn?

Trong khi đó, câu hỏi được các thí sinh và giáo viên chờ đợi nhất vẫn là câu nghị luận xã hội. Cô Phùng Thị Thanh Lài – giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết: “Câu 2 đề văn khối D năm nay đã “chạm” đến căn bệnh thần tượng đang phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Vấn đề này đối với học sinh ở các thành phố thì không mới bởi báo chí cũng nói nhiều. Tuy nhiên, nó vẫn là hồi chuông báo động thí sinh hãy xem lại hành động, suy nghĩ của mình và nếu thấy có hướng tiêu cực thì phải điều chỉnh ngay”.

Bởi “sự thiên lệch trong việc chỉ chọn thần tượng trong thế giới giải trí là một xu thế chung của giới trẻ hiện nay. Thay vào việc chọn một thần tượng có lý tưởng sống, học tập, làm việc, nhiều bạn trẻ đang chạy theo mốt quần áo, mốt tóc, phong cách sành điệu của những nhân vật trong giới nghệ sĩ, thiếu sự quan tâm đến những người thân, những người trong cộng đồng sống, buông mình theo lối sống không lành mạnh… Một đề văn để thi tuyển sinh nhưng cũng là điều để nhiều người, trong đó có các thí sinh suy ngẫm”- cô giáo Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, chia sẻ.

Đối với câu hỏi nghị luận “Kẻ cơ hội thì nôn nóng có thành tích, còn người chân chính thì kiên nhẫn để có thành tựu” (đề khối C), cô Ngô Lan Anh, giáo viên Trường THPT Trần Phú, Hà Nội, cho rằng: “Đề thi yêu cầu rất cao ở sự lập luận sắc sảo của thí sinh, phù hợp với một đề thi cho khối C”. Trong câu này, thí sinh phải phân tích được “thành tích” có được từ sự nôn nóng, cơ hội thì chỉ là mục tiêu ngắn, trước mắt, đôi khi không thực chất. Còn thành tựu có được từ sự nỗ lực, kiên nhẫn là kết quả của cả một quá trình. Từ đây, thí sinh có thể liên tưởng đến việc vượt qua kỳ thi chỉ là một bước trong hành trình học tập, ở đó các em cần sự kiên nhẫn, nỗ lực không ngừng – cô Lan Anh phân tích.

Mặc dù vậy, một giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai lại cho rằng: vấn đề thần tượng hay và thời sự thật nhưng không gần gũi với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Có thể các em sẽ làm được nhưng chắc sẽ không hào hứng bằng học sinh thành thị. Cùng quan điểm, cô Hoàng Thị Thu Hiền – Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) – đề xuất: “Phần nghị luận xã hội nên có hai câu cho thí sinh chọn lựa. Như năm nay, câu về thần tượng sẽ rất có ý nghĩa với học sinh ở các thành phố lớn, nhưng với học sinh nông thôn thì chưa chắc”.

Thí sinh hào hứng

Riêng với thí sinh, nhiều bạn sau khi ra khỏi phòng thi tỏ ra hào hứng với đề nghị luận xã hội của môn văn. Thí sinh Nguyễn Trương Bình Nguyên – dự thi vào Trường ĐH Tài chính marketing – chia sẻ: “Câu nghị luận xã hội đã được báo chí nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Một số fan chầu chực ngoài nắng, ngất xỉu khi đứng chờ hay xem ca sĩ thần tượng của mình biểu diễn. Trên mạng còn có bạn mắng ba mẹ mình vì không cho đi xem thần tượng biểu diễn. Em chỉ thích xem đá banh, cũng có thích một số cầu thủ vì họ đá hay thôi chứ không thần tượng họ như thế”.

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Phương Thảo (dự thi vào ĐH Hoa Sen) cho rằng đề văn đưa ra một vấn đề “hot”. Thảo cho biết bạn hoàn thành bài thi khi thời gian làm bài vẫn còn khoảng 20 phút và “đọc đề xong rất an tâm và hào hứng làm bài”. Phương Thảo nói: “Tôi đã đưa ra khá nhiều dẫn chứng như đổ xô chạy theo thần tượng trong chương trình nhạc hội Soundfest với sự tham gia của nhóm nhạc Big Bang (Hàn Quốc) vừa diễn ra cách đây không lâu. Nhiều bạn thì bắt chước cách ăn mặc, đầu tóc của thần tượng trong khi nó hoàn toàn không phù hợp với văn hóa chúng ta. Trong bài làm, tôi cho rằng có thần tượng là để học hỏi cái hay cái tốt của họ, cách họ đi lên và thành công, chứ không phải mù quáng chạy theo và cuồng nhiệt quá mức. Đến lúc đó rồi thì không còn văn hóa nữa”.

“Chạm” đến ý là có điểm

Trước băn khoăn về việc chấm thi thế nào với những câu hỏi mở, một lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết trong hướng dẫn chấm thi cũng đặt ra nhiều tình huống, trong đó tình huống thí sinh bày tỏ quan điểm phản biện, nếu thuyết phục vẫn có điểm. Vì thế không lo ngại việc phải “gò” theo một khuôn mẫu thì mới có điểm. Câu hỏi mở là để thí sinh thoải mái bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình.

Năm nay, tuy ở cả đề khối C và D, đề tài “thần tượng” và “kẻ cơ hội” có thể sẽ không xảy ra những tình huống suy nghĩ của thí sinh quá trái ngược, nhưng vì là câu hỏi mở nên hướng dẫn chấm cũng sẽ không bó buộc. “Thí sinh chạm được đến những ý trong hướng dẫn chấm thì có thể có điểm, nhưng mức điểm thế nào tùy thuộc cách diễn đạt, thể hiện suy nghĩ của thí sinh” – một giáo viên từng là giám khảo chấm thi đại học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét về hướng chấm câu hỏi mở.

Cũng theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, “điểm sáng tạo có thể chấm cho những bài thi có tư duy độc đáo, lập luận sắc sảo”.

Vĩnh Hà

Tranh cãi “nảy lửa” về đề văn

Sau giờ thi, nhiều sĩ tử tranh thủ cập nhật bình luận về đề văn nghị luận khối D trên các diễn đàn, Facebook và blog, “châm lửa” tranh luận trong cộng đồng mạng. Đa số cho rằng với cách ra đề như năm nay, Bộ GD-ĐT đã bắt kịp nhịp sống của giới trẻ, tạo điều kiện cho sĩ tử thể hiện quan điểm cá nhân. Ngược lại, một bộ phận khác nhận xét đề văn “thiên vị cho giới trẻ thành phố” bởi văn hóa thần tượng khá xa lạ với các sĩ tử nông thôn, đặc biệt là thí sinh từ các vùng sâu, vùng xa vốn không có nhiều điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm truyền thông. “Nhiều học sinh ở quê không có báo để đọc, không có tivi để xem, mấy em chỉ có vài quyển sách để học đợi đến ngày thi. Đề ra như vậy có khó quá không?” – bạn nữ có biệt danh Phucmilan Nguyen đặt câu hỏi.

Trong khi đó, trên trang Facebook cá nhân, một số bạn trẻ đã “nhảy dựng” lên khi cho rằng đề văn đụng chạm đến mình. “Chả khác gì chửi xéo SuJu, Big Bang, TVXQ, T-ara… và fan” – một người hâm mộ K-pop đăng bài viết trên Facebook. Bài viết trên nhanh chóng được trích dẫn trên các diễn đàn mạng, trở thành đề tài tranh cãi sôi nổi, hâm nóng lại đề tài “fan cuồng” được báo chí đề cập trước đây.

Hải Thi – Ngọc Hà

Môn sinh: đề thi nhẹ nhàng

Theo thầy Nguyễn Quang Minh – tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM, đề sinh năm nay tương đối dễ hơn năm ngoái. Cấu trúc đề thi bám sát chương trình lớp 12. Tuy vậy, đề thi vẫn có những câu phân loại thí sinh. Về lý thuyết, không những thí sinh phải thuộc bài mà phải hiểu bài, biết tư duy mới trả lời chính xác được. Riêng phần bài tập có nhiều câu đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tính toán nhanh nhạy, kỹ năng làm bài tập nhuần nhuyễn mới làm đủ thời gian vì nhiều câu lắt léo, lòng vòng. Mới nhìn vào đề thi năm nay nhiều thí sinh sẽ ngỡ đề dễ, nhưng nếu không cẩn thận rất dễ mất điểm vì nhầm lẫn.

Tóm lại, với đề thi này phổ điểm sẽ là 5, 6 (chiếm gần 60%), khoảng 18% điểm 7, 8… Học sinh giỏi có thể đạt 8, 9 điểm nhưng để đạt điểm 10 sẽ không dễ dàng.

Môn toán: điểm thi sẽ cao

ThS Phan Thiện Danh – khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – đánh giá độ khó đề thi toán khối B tương đương đề toán khối A. Mặc dù vậy, tính phân loại của đề thi không cao. So với đề năm 2011 thì đề năm nay dễ hơn. Tuy nhiên, trong đề thi có một số câu mà thí sinh chương trình chuẩn sẽ gặp khó khăn.

Chẳng hạn câu lượng giác, thí sinh chương trình chuẩn sẽ khó làm được câu này. Trong khi đó, câu về elip lại đánh lừa thí sinh. Để làm được câu này, thí sinh phải dùng kiến thức hình học lớp 9 để giải ra các dữ kiện, sau đó mới sử dụng kiến thức về elip để làm tiếp. Phần xác suất cũng là một phần rất khó mà có thể nhiều thí sinh sẽ khó làm được.

Với đề thi này, thí sinh trung bình khá có thể lấy 5 điểm ở các câu hàm số, tích phân, số phức, phương pháp tọa độ trong không gian. Thí sinh khá giỏi có thể lấy điểm 8. Với đề thi này, điểm chuẩn các trường tốp giữa có thể sẽ tăng. Đối với đề toán khối D, TS Nguyễn Phú Vinh – Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết đề thi toán khối D khá dễ so với đề khối B. Ngoài câu 7a phải tính toán tương đối nhiều và dễ sót nghiệm, các câu còn lại không khó. Ngay cả câu khó nhất đề là câu 6 cũng dễ hơn đề khối B. Với đề thi này, học sinh trung bình khá có thể lấy được 5, 6 điểm dễ dàng, điểm 10 sẽ nhiều.

Môn sử: có phần “gài” thí sinh

TS Nguyễn Đức Hòa – trưởng bộ môn sử Trường ĐH Sài Gòn – đánh giá đề thi khá hay và có phần “gài” thí sinh. Các câu 1, 3 đòi hỏi thí sinh phải nắm vững bài học, trình bày bằng cách xâu chuỗi sự kiện và các tác động của sự kiện đó. Riêng câu số 2 là một câu “gài” để phân loại thí sinh. Phần đầu câu hỏi không khó nhưng thí sinh nếu không biết khái quát lịch sử sẽ dễ viết lan man, không đi vào trọng tâm. Trong khi đó, phần hai câu hỏi nếu thí sinh không vững sẽ sa đà vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần này thí sinh phải khái quát cả chiến dịch đông xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

M.G. ghi

 

Theo H.HG. – V.Hà – M.Gỉang – L.Trang

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo