Xét tuyển ĐH năm nay có gì khác biệt?
Số liệu đăng ký dự thi theo các mục đích khác nhau: chỉ xét tốt nghiệp, vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH và chỉ dùng để xét tuyển ĐH năm nay có gì khác biệt so với năm trước?
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 – Ảnh: N.Hùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
– Sau ngày 20-5 Cục Khảo thí mới tổng hợp số liệu chính thức để chuyển cho các cụm thi. Đến nay theo thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 28% đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, 60% đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, số còn lại khoảng 12% chỉ thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ (những thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT).
Giảm lo lắng thay đổi thứ tự nguyện vọng
* Việc xét tuyển năm nay áp dụng cơ chế thí sinh khi đăng ký vào một trường dù có nhiều nguyện vọng, nhưng số thứ tự nguyện vọng lại có giá trị xét tuyển như nhau. Nhiều trường đồng tình, nhưng lại có trường chưa thuận. Thứ trưởng có thể giải thích lý do vì sao bộ lại quyết định chọn cách xét tuyển như năm nay?
– Trước đây, khi thí sinh đăng ký dự thi vào trường ở tình trạng chưa biết kết quả thi nên tính may rủi rất cao. Quy chế mới về xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia giúp thí sinh tránh được rủi ro điểm thi cao mà vẫn bị rớt khi đăng ký thi vào trường có yêu cầu điểm trúng tuyển cao.
Những thí sinh này về nguyên tắc có thể được xét tuyển vào các trường khác ở các đợt sau, nhưng nói chung rất ít trường hợp đạt được nguyện vọng mong muốn. Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập, nhiều em thi lại, nhiều em bỏ học giữa chừng…
Trong khi các năm trước, thí sinh nếu thi hai đợt sẽ có thể đăng ký xét tuyển ở đợt đầu tiên vào hai trường. Năm nay chỉ có một kỳ thi duy nhất, nên ở đợt 1 về bản chất thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào một trường.
Tuy nhiên đổi lại, thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng trong một trường và được phép rút hồ sơ chuyển sang xét tuyển trường khác ngay trong đợt 1 nếu thấy kết quả thi bất lợi trong quá trình xét tuyển.
Việc quy định thứ tự nguyện vọng trong một trường có giá trị xét tuyển như nhau, đảm bảo để thí sinh không phải lo lắng thay đổi thứ tự nguyện vọng chỉ vì so sánh nguyện vọng xếp thứ tự đăng ký trước có khả năng trúng tuyển cao hơn nguyện vọng đăng ký sau, và các trường cũng không phải vất vả khi thí sinh liên tục yêu cầu đổi trật tự nguyện vọng.
Một vài trường còn băn khoăn với quy định trên, vì sợ tỉ lệ nhập học không cao hoặc học một năm rồi thi lại đối với những thí sinh không trúng tuyển ngành có nguyện vọng 1.
Tuy nhiên, đặc điểm xét tuyển của năm nay khác với các năm trước. Mặc dù có quyền chọn nhiều ngành trong một trường, nhưng bộ quy định nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không được tham gia xét tuyển các nguyện vọng sau. Như vậy, thí sinh phải cân nhắc và chỉ chọn những ngành mà thí sinh chắc chắn muốn học.
Số liệu đăng ký thi 2015 – Đồ họa: V.Cường
Sở GD-ĐT nhận chỉnh sửa sai sót đến 20-5
* Nhiều thí sinh vẫn lo lắng về việc chịu trách nhiệm trong kê khai thông tin đăng ký dự thi. Sau khi đăng ký dự thi, thí sinh còn có cơ hội để chỉnh sửa thông tin hay không, thưa ông?
– Quy chế quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đăng ký. Cũng như mọi năm, thí sinh thường có sai sót khi kê khai mục ưu tiên về khu vực. Mục này sẽ tiếp tục được kiểm tra và đối chiếu với hồ sơ gốc của thí sinh khi nhập học.
Mặt khác một số lỗi, sai sót cũng có thể xảy ra trong quá trình nhập dữ liệu của các trường, các sở GD-ĐT. Năm nay, điểm khác biệt là sau khi đăng ký dự thi, thí sinh được cấp mật khẩu để tra cứu thông tin đăng ký dự thi của mình. Mặc dù thời gian chuyển dữ liệu về bộ đã kết thúc ngày 30-4, nhưng bộ vẫn để mở cho các sở GD-ĐT chỉnh sửa lại sai sót đến trước ngày 20-5.
Nếu thí sinh phát hiện sai sót nhỏ do quá trình nhập dữ liệu gây nên thì có thể điều chỉnh trong buổi làm thủ tục dự thi.
Với những sai sót quan trọng khác như môn thi, cụm thi thì báo với sở GD-ĐT để chỉnh sửa đến thời hạn ngày 20-5.
Sau ngày 20-5, dữ liệu được chuyển về các cụm thi để sắp xếp phòng thi, nên việc điều chỉnh về cụm thi, môn thi không khả thi, dễ làm xáo trộn công tác tổ chức các cụm thi.
Thí sinh cần nêu cao ý thức trách nhiệm với chính thông tin đăng ký dự thi của mình, kiểm tra và báo sửa lại thông tin theo đúng quy định.
……………
Theo Ngọc Hà
(Nguồn: Tuổi Trẻ, ngày 19/05/2015)