Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Ngành nào dễ đậu?
Không ít ngành học được đánh giá là “thời thượng”, thu hút một lượng lớn thí sinh đăng ký dự thi, tỉ lệ “chọi” cao ngất ngưởng. Thế nhưng điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức vừa phải.
Ngược lại, một số ngành có tổng số thí sinh dự thi không nhiều nhưng điểm chuẩn trúng tuyển luôn khiến người ta phải “ngước nhìn”.
Thí sinh xem điểm thi tuyển sinh năm 2011 trên phụ trương tặng bạn đọc của báo Tuổi Trẻ – Ảnh: Như Hùng
Nói về những ngành này không thể không nhắc đến nhóm ngành y, dược mà tiêu biểu là bác sĩ đa khoa. Cho dù một thời thí sinh đổ xô thi vào các ngành công nghệ, rồi sau đó ồ ạt đăng ký vào kinh tế và cả khi đã có những thay đổi xung quanh cách lựa chọn vào các ngành khối kinh tế, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa vẫn chẳng dao động là bao.
Khó khăn y dược
Đối với nhiều ngành, thí sinh đạt được khoảng 8 điểm cho mỗi môn thi gần như cầm chắc khả năng trúng tuyển thì nhóm ngành y dược không như thế. Điểm chuẩn trúng tuyển tại các trường hàng đầu có khi lên đến 26-27 điểm. Trong những năm vừa qua, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành y đa khoa thường nằm ở mức 23-26 điểm. Năm 2011, điểm chuẩn trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM là 24,5 điểm, cao hơn năm 2010 một điểm. Trong khi đó điểm chuẩn ngành dược học cũng tăng hơn năm trước một điểm, lên 25 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành y, dược của một số trường y dược nằm ở các khu vực như ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược (ĐH Huế), ĐH Tây nguyên… đều có điểm chuẩn từ 22-23 điểm.
Riêng Trường ĐH Y Hà Nội, điểm chuẩn năm 2011 tăng cao so với năm 2010, tăng cao nhất là ngành răng hàm mặt, y học cổ truyền, điểm chuẩn tăng 3,5 điểm. Cử nhân kỹ thuật y học tăng 3 điểm; ngành y đa khoa cũng tăng 2,5 điểm. Mức tăng này khiến điểm chuẩn ngành y đa khoa lên đến 26,5 điểm và ngành bác sĩ răng hàm mặt lên 25,5 điểm.
Không chỉ điểm chuẩn, mặt bằng điểm thi của các ngành y, dược cho thấy phần lớn thí sinh thi vào hai ngành này có kết quả khá khả quan, nếu không muốn nói là vượt trội hẳn so với các ngành khác. Trong đó, thí sinh dự thi vào ngành y đa khoa đạt trung bình hơn 14 điểm cho ba môn thi. Nếu tính riêng số thí sinh đạt trên điểm sàn, điểm trung bình của những thí sinh này là 18,75 điểm. Ngành dược còn cao hơn ở số thí sinh đạt điểm trên sàn, điểm trung bình đạt đến 19,39 điểm. Chính vì vậy, nếu thật sự yêu thích các ngành khối y dược, thí sinh cần một sự đầu tư nghiêm túc cho quá trình học tập của mình.
Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cũng chứng kiến sự “khắt khe” của các ngành công nghệ sinh học và tiếng Anh (ngôn ngữ Anh). Đối với ngành công nghệ sinh học, có người cho rằng nhiều thí sinh khá giỏi “né” khối ngành y dược đã chọn dự thi ngành này; số khác cho rằng thí sinh chọn công nghệ sinh học vì đây là ngành khoa học rất có tương lai, được nhiều bạn trẻ ưa thích. Chưa biết giải thích nào đúng nhưng những năm qua lượng thí sinh đăng ký vào ngành này khá lớn và đặc biệt là chất lượng làm bài thi của thí sinh khá cao. Điểm chuẩn trúng tuyển ngành công nghệ sinh học ở các trường phần lớn từ 17-20 điểm, nhất là ở khối B. Điển hình như điểm chuẩn khối B của ngành này tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 20 điểm, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM 19 điểm…
Ở phía Bắc, điểm chuẩn ngành này của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) lên đến 22,5 điểm. Ở các trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Khoa học (ĐH Huế), ĐH Nông lâm TP.HCM… điểm chuẩn ngành này đều nhỉnh hơn so với nhiều ngành khác của trường. Điều này dễ hiểu bởi điểm trung bình của thí sinh dự thi ngành này xấp xỉ mức 13 điểm cho ba môn. Và riêng những thí sinh đạt điểm trên sàn, điểm trung bình lên gần 17 điểm.
Ngành tiếng Anh với khối thi D1 cũng không kém là bao. Thí sinh dự thi ngành này đạt được mức điểm trung bình 12,65 điểm. Điểm trung bình này đã đưa điểm chuẩn trúng tuyển ngành tiếng Anh ở nhiều trường lên mức trên 20 điểm. Trong đó, cả ngành tiếng Anh sư phạm lẫn ngoài sư phạm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã lên mức 23-24,5 điểm. Ở các trường có truyền thống đào tạo ngành này như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Sài Gòn… điểm chuẩn cũng ở mức 17-19 điểm. Các trường như ĐH Ngoại thương hay ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), sau khi nhân hệ số 2 môn tiếng Anh, điểm chuẩn ngành này lên đến 27-29 điểm.
Những ngành nhiều lựa chọn
Cũng ở nhóm ngành công nghệ nhưng riêng ngành công nghệ thông tin trong những năm gần đây lại không còn quá căng thẳng. Ngoại trừ mức 21,5 điểm ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những trường có mức 18,5 điểm như: ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) đã được coi là điểm chuẩn khá cao đối với ngành công nghệ thông tin trong tuyển sinh 2011. Thấp hơn một chút, từ 15-17 điểm là điểm chuẩn ngành này ở một số ít trường có thế mạnh đào tạo công nghệ thông tin như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)… Ở hầu hết các trường còn lại điểm chuẩn ngành này chỉ 13-14 điểm. Điều này giải thích cho việc điểm trung bình của thí sinh dự thi ngành này chỉ đạt 8,83 điểm. So với năm 2010, điểm số này đã giảm gần 2 điểm.
Đáng chú ý nhất có lẽ vẫn là nhóm ngành kinh tế như: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán… Nói về số lượng thí sinh, rõ ràng không có nhóm ngành nào có thể so sánh được với nhóm ngành này. Nhưng về điểm chuẩn, đây lại là nhóm ngành có sự phân hóa khá lớn. Do số lượng thí sinh dự thi đông nên điểm trung bình thí sinh đạt được không cao, chỉ khoảng 10 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành này ở những trường tốp đầu đã lên đến 25-26 điểm. Dẫn đầu vẫn là các ngành của Trường ĐH Ngoại thương với điểm chuẩn 22-26 điểm. Với mức điểm chuẩn này, chỉ một số ngành của Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) có thể “đuổi” kịp.
Ở phía Nam, nhóm các trường có điểm chuẩn xấp xỉ thấp hơn một chút là ĐH Kinh tế TP.HCM (19 điểm) và ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Ngân hàng (17-21 điểm). Một số trường khác có một hoặc một số ngành có điểm chuẩn rơi vào mức tương tự như ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tài chính – marketing… Còn lại có thể thấy rất nhiều trường có điểm chuẩn các ngành này ở mức trên điểm sàn một vài điểm, thậm chí là bằng điểm sàn. Thực tế cho thấy điểm chuẩn các ngành thuộc khối kinh tế phụ thuộc vào tên tuổi, vị thế của trường dự thi hơn là ngành mà thí sinh chọn.
Nguồn: Tuổi trẻ)