Quản trị kinh doanh thi khối nào? Học tổ hợp môn gì?
Là một trong những ngành học hot hiện nay, quản trị kinh doanh đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. Vậy quản trị kinh doanh xét khối nào, có những lưu ý gì khi lựa chọn khối thi ngành quản trị kinh doanh? Cùng Đại học Hoa Sen tìm hiểu tất tần tật thông tin liên quan tới khối thi ngành quản trị kinh doanh qua bài viết dưới đây!
Giới thiệu ngành quản trị kinh doanh
Ngành quản trị kinh doanh (Business Administration) là một ngành học đa dạng và phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý cho tương lai.
Không chỉ cung cấp các kiến thức về cách quản lý và điều hành doanh nghiệp, ngành quản trị kinh doanh còn đòi hỏi người học phải trau dồi, rèn luyện các kỹ năng cần thiết như phân tích tình hình kinh doanh, quyết định chiến lược, giải quyết vấn đề giao tiếp, lập kế hoạch,…
Các khối thi ngành Quản trị Kinh doanh hiện nay
Hiện nay để xét tuyển vào ngành Quản trị Kinh doanh, học sinh cuối cấp có rất nhiều lựa chọn khác nhau về khối thi. Trong đó các khối thi ngành quản trị kinh doanh phổ biến nhất hiện nay bao gồm: A00, A01, C00, D01, D07. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu xét tuyển của mỗi trường Đại học mà tổ hợp môn xét tuyển cũng sẽ khác nhau.
Chi tiết về tổ hợp môn xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại Học Hoa Sen
Tổ hợp môn xét tuyển ngành quản trị kinh doanh trường Đại học Hoa Sen gồm có:
- Ngành quản trị kinh doanh khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
- Ngành quản trị kinh doanh khối A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh)
- Ngành quản trị kinh doanh khối D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh)
- Ngành quản trị kinh doanh khối D03 (Toán, Ngữ văn, tiếng Pháp)
- Ngành quản trị kinh doanh khối D09 (Toán, tiếng Anh, Lịch sử)
Các môn học ngành quản trị kinh doanh
Tùy thuộc vào chương trình đào tạo của từng trường đại học mà sinh viên theo học ngành quản trị kinh doanh sẽ học các môn khác nhau. Tuy nhiên thông thường chương trình học ngành quản trị kinh doanh sẽ gồm có các môn như:
- Các môn học đại cương: Lý luận chính trị Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, pháp luật đại cương, tư tưởng Hồ Chí Minh;
- Kinh tế học: Kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, nguyên lý thống kê, kinh tế lượng,…
- Tài chính – Kế toán: Học các cơ bản nhất về lĩnh vực tài chính, kế toán
- Marketing: Quản trị Marketing, hành vi khách hàng, nghiên cứu thị trường…
- Quản trị nhân lực: Quản trị nhân lực, tuyển dụng nhân sự, hành vi tổ chức…
- Quản trị sản xuất: Quản trị sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng,…
- Quản trị chiến lược: Lập kế hoạch chiến lược, triển khai chiến lược, đánh giá chiến lược,…
- Quản trị dự án: Quản trị dự án, triển khai dự án, kiểm soát dự án,…
- Quản trị chất lượng: Quản trị chất lượng, kiểm soát chất lượng,…
Trong quá trình học, sinh viên sẽ được trau dồi, rèn luyện các kỹ năng quan trọng để phục vụ cho việc làm sau này như: Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo, lập kế hoạch,…
Lưu ý khi lựa chọn khối thi ngành quản trị kinh doanh
Để tăng tỷ lệ trúng tuyển vào ngành học, trường học mà bạn yêu thích, hãy đảm bảo lựa chọn khối thi phù hợp với năng lực của bản thân. Theo đó, để lựa chọn được khối thi phù hợp nhất, hãy đánh giá tình hình kết quả học tập ở thời điểm hiện tại, ví dụ:
- Tìm hiểu mình đang học tốt môn học nào nhất;
- Bạn có khả năng học ngoại ngữ không? Nếu có thì việc lựa chọn các khối thi như D09, D03, D01 hay A01 là sự lựa chọn nên cân nhắc;
- Bạn thích những môn học có liên quan tới logic tính toán hay nhóm môn học xã hội hơn?
Học ngành quản trị kinh doanh ra trường có thể làm ở những vị trí nào?
Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại trường đại học, bạn có thể đảm nhận một trong các vị trí sau tại tổ chức, doanh nghiệp:
Chuyên viên xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh
Đây là một trong những vị trí cấp cao thuộc phòng kinh doanh của một tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, công việc chính của một chuyên viên xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh gồm có:
- Phân tích mục tiêu kinh doanh, thị trường, khách hàng,…để từ đó đánh giá khả năng tăng trưởng và đưa ra chiến lược phù hợp cho công ty, doanh nghiệp.
- Lập báo cáo theo dõi định kỳ, giám sát tiến độ, hiệu quả thực hiện theo chiến lược của công ty.
- Quản lý dữ liệu của các chương trình, dự án để từ đó xây dựng các báo cáo định kỳ hoặc khi có yêu cầu.
- Phối hợp với các phòng ban khác trong công ty để xây dựng đồng bộ các kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình của doanh nghiệp.
Nhân viên kinh doanh
Nhân viên kinh doanh là một trong những vị trí phổ biến mà bạn có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Cụ thể, nhân viên kinh doanh chính là người thực hiện các hoạt động liên quan tới việc bán sản phẩm/dịch vụ của công ty tới khách hàng. Và mục đích chính của nhân viên kinh doanh là thúc đẩy doanh số bán hàng, duy trì mối quan hệ với khách hàng, mở rộng thị trường để từ đó đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Chuyên viên phát triển thị trường
Chuyên viên phát triển thị trường là người có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích thị trường và đề xuất các chiến lược phát triển thị trường để thúc đẩy hiệu quả hoạt động tiếp thị và bán hàng.
Giám sát kinh doanh
Giám sát kinh doanh là một vị trí quản lý trong tổ chức hoặc doanh nghiệp, có trách nhiệm giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của tổ chức để đảm bảo đạt mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Để đảm nhận được vị trí này, bạn phải là người có kinh nghiệm và có kỹ năng lãnh đạo tốt để quản lý và hỗ trợ nhóm kinh doanh trong công việc.
Quản lý kinh doanh khu vực
Thông thường đối với những tổ chức, doanh nghiệp có quy mô lớn, gồm nhiều chi nhánh khác nhau thì sẽ có nhu cầu tuyển dụng vị trí quản lý kinh doanh khu vực. Quản lý kinh doanh khu vực là người chịu trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh của một khu vực cụ thể, đảm bảo đáp ứng mục tiêu bán hàng trong khu vực đó.
Giám đốc vận hành
Giám đốc vận hành (COO – Chief Operating Officer ) là một vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, thông thường chỉ đứng sau Giám đốc điều hành (CEO). Theo đó COO là người đứng đầu bộ phận kinh doanh hoặc quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh của một tổ chức hoặc doanh nghiệp. COO cũng tham gia vào việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực của tổ chức, đảm bảo rằng việc sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Các phương thức xét tuyển đầu vào ngành quản trị Kinh doanh
Hiện nay, các trường đại học đã tự chủ tuyển sinh với đa dạng các phương thức xét tuyển khác nhau dựa theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo. Với nhiều phương thức xét tuyển đầu vào này đã tạo nhiều cơ hội để thí sinh bước vào giảng đường đại học. Đối với Đại học Hoa Sen, năm 2024 triển khai 4 phương thức tuyển sinh bao gồm:
- Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT năm 2024;
- Xét tuyển trên học bạ Trung học phổ thông: Gồm có 3 hình thức là xét tuyển trên Kết quả học tập (Học bạ) 3 năm Trung học phổ thông, không tính học kỳ 2 của lớp 12; Xét tuyển trên Kết quả học tập (Học bạ) 3 năm Trung học phổ thông và Xét tuyển trên Kết quả học tập (Học bạ) THPT theo tổ hợp 3 môn;
- Xét tuyển thẳng nếu đáp ứng các tiêu chí riêng mà Đại học Hoa Sen đưa ra;
- Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh năm 2024.
Top 5 các trường đào tạo ngành Quản trị kinh doanh uy tín nhất hiện nay
Bên cạnh thi quản trị kinh doanh khối nào thì quản trị kinh doanh học trường nào cũng là băn khoăn, thắc mắc của rất nhiều bạn trẻ. Nếu bạn đang tìm hiểu và có ý định theo học ngành quản trị kinh doanh thì không nên bỏ lỡ 5 trường đào tạo uy tín hàng đầu hiện nay như:
Trường Đại học Hoa Sen
Với mục tiêu đào tạo các nhà quản lý tiềm năng trong tương lai, ngành quản trị kinh doanh tại HSU trang bị cho sinh viên khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng và lý thuyết quản trị để quản lý công ty, doanh nghiệp toàn diện, có khả năng định hướng phát triển doanh nghiệp ở từng thời điểm và giai đoạn phù hợp.
Ưu điểm chương trình học ngành quản trị kinh doanh tại trường đại học Hoa Sen:
- Chương trình được thiết kế tinh gọn, sát với thực tiễn và sinh viên có thể lựa chọn lộ trình học tập linh hoạt, phù hợp với thời gian cá nhân. Ngoài ra, chương trình cũng được tổ chức ACBSP (Mỹ) công nhận đạt chuẩn chất lượng,
- Chương trình đào tạo và các tài liệu giảng dạy được chọn lọc kỹ càng để đáp ứng nhu cầu thực tế về chất lượng lao động của các doanh nghiệp hiện nay.
- Đội ngũ giảng viên đều là những người vừa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, vừa đã và đang đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao ở doanh nghiệp. Điều đó giúp sinh viên có thể học được các kiến thức thực tiễn ở doanh nghiệp, giúp sau khi ra trường không còn cảm thấy bỡ ngỡ.
- Chú trọng phát huy tối đa năng lực của người học và rèn luyện các kỹ năng chuyên môn.
Trường Đại học Kinh Tế – Luật – ĐH Quốc Gia TPHCM
Khoa Quản trị kinh doanh được xem là khoa chủ lực của trường đại học Kinh tế-Luật, có chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, được xếp hạng cao, có uy tín trong khu vực châu Á, người học có năng lực làm việc trong môi trường toàn cầu. Chương trình Quản trị kinh doanh cũng hoàn toàn tiếp cận được với nội dung đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh của một số trường đại học có uy tín trên thế giới. Do vậy, người học có thể tiếp tục học bậc học cao hơn ở các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài nước.
Trường Đại học Quốc tế – ĐH Quốc Gia TPHCM
Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TPHCM có 3 cấp đào tạo từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sỹ. Chương trình đào tạo cấp đại học khoa quản trị kinh doanh gồm có các chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh; Kinh doanh Quốc tế, Marketing, Quản trị Khách sạn.
Trường Đại học Ngoại Thương
Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương (FTU) được thành lập tháng 4/1999 trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra vô cùng sôi động tại thị trường Việt Nam.
Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh
Nội dung chương trình học chuyên ngành quản trị tại trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH) gồm có 125 tín chỉ. Chương trình đào tạo nhà quản trị các cấp: Có phẩm chất chính trị, có kiến thức cơ bản về kinh tế – xã hội, quản trị doanh nghiệp; kỹ năng phân tích, giải quyết các vấn đề trong kinh doanh; khả năng điều hành hiệu quả.
Như vậy, bài viết đã giải đáp tất tần tật thông tin liên quan tới quản trị kinh doanh khối nào, các phương thức xét tuyển đầu vào ngành quản trị kinh doanh và top 5 trường đào tạo ngành quản trị kinh doanh uy tín hiện nay. Hy vọng qua những thông tin được Đại học Hoa Sen chia sẻ ở bài viết giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về ngành học cũng như có được định hướng riêng cho bản thân!