Khi người trẻ chọn nghề
Ngày nay, việc chọn lựa một nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực chính là một trong những bước đi quan trọng của giới trẻ trong việc định hình tương lai. Tuy nhiên sự chủ động trong cách chọn nghề đã và đang đem đến một thách thức cho cán cân lao động tại nước ta, khi khối ngành Kinh tế đang trở thành sự ưu tiên trong quá trình đăng ký chọn trường đào tạo đồng thời đẩy lùi khối Công nghệ, Kỹ thuật rơi vào “làn sóng khủng hoảng”.
Hướng đi đó liệu có đem về một giải pháp an toàn cho cơ sở tiền đề phát triển đất nước theo mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ cho các chuyên gia nghiên cứu thị trường lao động…
Nhìn về xứ sở “mặt trời mọc”
Nhật Bản được cả thế giới biết đến với tên gọi “xứ sở mặt trời mọc” và với vô vàn những kiến thiết quan trọng về công nghệ thông tin (CNTT) và kỹ thuật. Có thể nói, CNTT ở Nhật rất phát triển, nó hiện diện trong cuộc sống của người Nhật từ những việc nhỏ nhặt nhất đến phức tạp. Tại đây, chúng ta có thể thấy các trang bán hàng trực tuyến tại Nhật rất phát triển, CNTT ứng dụng vào dịch vụ e-commerce khiến việc mua bán của người Nhật hết sức đơn giản và thuận tiện. Bên cạnh đó, CNTT ứng dụng vào thủ tục hành chính, mã hoá dữ liệu khiến thông tin công dân được sắp xếp khoa học, chính xác, giản tiện hoá thời gian khi làm thủ tục. Đặc biệt CNTT ứng dụng vào việc thiết kế chip cho các máy móc công nghiệp nặng (ô tô, dây chuyền sản xuất, máy dệt v.v…) nhằm tối ưu hoá hoạt động của máy, đem lại năng suất cao và sự hài lòng của khách hàng. Trên đây là những chia sẻ rất thật từ bạn Đặng Việt Hùng (Thạc sĩ Công nghệ thông tin, Viện Khoa học Công nghệ và tiên tiến Nhật Bản – JAIST, hiện đang làm việc tại công ty Tsudakoma) về những tiện ích vô cùng giá trị mà khối ngành CNTT đã mang đến cho Nhật Bản nói riêng và cả thế giới nói chung bởi những ứng dụng tiên tiến và rất đặc trưng mà không một ngành nghề nào có thể thay thế được.
Sinh viên ngành CNTT của Đại học Hoa Sen trong một giờ học thực hành
Từ bài học phát triển của xứ người, cùng nhìn về hạ tầng và hệ thống ngành nghề tại nước ta với những con số đáng kinh ngạc khi trong 8 nhóm ngành đào tạo chính quy tại các trường ĐH, CĐ ở TPHCM, số sinh viên theo học nhóm ngành tài chính, ngân hàng, pháp luật chiếm tới 40,58% trong khi các ngành kỹ thuật công nghệ chỉ chiếm 32,75%. Điều này dẫn đến hệ quả là thị trường lao động nước ta đang thừa đội ngũ chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng và khan hiếm nguồn lực thuộc khối công nghệ, kỹ thuật phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển chung của đất nước.
Bài toán đầu tư
Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật từ lâu đã là nền tảng cơ bản trong suốt quá trình phát triển của nhân loại và được vinh danh là chìa khóa mở cửa thế giới số hóa trong thời kỳ hiện đại ngày nay. Với nhiều ngành hấp dẫn dưới các tên gọi như Công nghệ thông tin, Mạng máy tính, Hệ thống thông tin quản lý, Kỹ thuật phần mềm… nhưng thực tại cho thấy tại các trường ĐH, CĐ, Học viện đào tạo về lĩnh vực này thì lượng người đăng ký theo học đang giảm dần theo chiều hướng đi xuống của biểu đồ hình sin. Để lý giải điều này, nhiều chuyên gia hàng đầu về công nghệ, kỹ thuật cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc chương trình đào tạo khá khó và cần nhiều sự đầu tư nên khiến cho người học dễ chán nản. Tuy nhiên, bài toán đầu tư cho tương lai của giới trẻ phải thực sự là một đoạn đường dài hơi, bao gồm sự nhẫn nại trong khâu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ… và cả sự tìm hiểu kỹ càng từ phía những người trẻ tuổi để có được cách thức nắm bắt con đường tương lai một cách cụ thể và chính xác. Đây cũng chính là lý do mà các trường ĐH lớn trên địa bàn cả nước luôn không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chất lượng… để tạo nên một nền tảng vững chắc thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Điểm qua vài môi trường giáo dục uy tín luôn đẩy mạnh và hoàn thiện nhóm ngành thiên về kỹ thuật, công nghệ như NIIT, ĐH Hoa Sen, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên… thì cái tên Công nghệ thông tin vẫn nằm trong số những ngành truyền thống chủ lực trong lĩnh vực đào tạo của các trường trên. Riêng tại ĐH Hoa Sen, với sự góp mặt của những cải tiến mới trong chương trình đào tạo, sinh viên ngành Công nghệ thông tin của nhà trường luôn tự tin thử thách bản thân với thị trường lao động chuyên biệt về IT (Information Technology) đầy hấp dẫn như hiện nay. Ngoài ra, ĐH Hoa Sen không ngừng tạo điều kiện để sinh viên ngành CNTT tiếp xúc với những kỳ thi sát hạch chuẩn quốc tế thông qua những hội thảo học thuật như “Mở rộng hệ thống sát hạch kỹ sư công nghệ thông tin trong khu vực Châu Á” và “Hệ thống sát hạch kỹ sư công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng tương đương Nhật Bản ở Việt Nam” (sẽ diễn ra vào ngày 18/09/2012 tại cơ sở số 2 Tản Viên, P2, Q.Tân Bình), hay các cuộc thi chuyên ngành như “Lập trình đua xe tự động” (do ĐH Bách Khoa TPHCM tổ chức hằng năm) hay “Imagine Cup” (do tập đoàn Microsoft tổ chức trên phạm vi toàn cầu nhằm thu hút những nhân tài hàng đầu về lĩnh vực IT)…
Phương Thảo