Đừng tắt những giấc mơ
Suy cho cùng, đại học chỉ là chặng đường ngắn cho sinh viên môi trường học tập mới, khả năng độc lập suy nghĩ, bản lĩnh, phương pháp để nghiên cứu và cơ hội trở thành trí thức trẻ, hoặc – dù nhận một cái bằng chính quy hay tại chức – không thành gì cả.
Sinh viên cần những chính sách hỗ trợ thấu đáo, ổn định và cụ thể. Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên năm 2 khoa công nghệ sinh học Trường đại học Nông lâm TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Kiến thức ở bậc đại học đành rằng rất quan trọng, nhưng vẫn chỉ là một vụ thu hoạch thóc giống. Quan trọng hơn chính là một loạt mùa màng tích lũy kiến thức về sau. Kiến thức chuyên ngành của một sinh viên mới ra trường – dù từ một trường nổi tiếng – cũng chưa có ý nghĩa gì nhiều, có chăng chỉ đủ để phỏng vấn tìm việc.
Anh ta còn bỏ ngỏ khả năng nghiên cứu độc lập, tự học không ngừng và biến kiến thức mênh mông của nhân loại thành của mình được chừng nào hay chừng nấy. Nếu chỉ vừa lòng với tấm bằng cử nhân và không tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, anh sinh viên ấy chẳng khác gì một con dao thiếu chất thép sẽ chóng cùn sau thời gian ngắn.
Hoài bão dẫn đường
Chỉ có con đường duy nhất để săn tìm kiến thức là nỗ lực, nhưng có ngàn lẻ một cách học chỉ để lấy bằng. Cái thiếu tai hại ấy biến nhiều sinh viên thành những học sinh 12+4. Đó cũng là nguyên nhân tại sao dù đã có ngàn năm đại học với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có dư nửa thế kỷ xây dựng đại học hiện đại với những dự án hàng tỉ đôla mà chúng ta chưa có một trường đại học nào nằm trong top 1.000, thậm chí 1.500 của thế giới (thứ hạng cao nhất là Đại học Bách khoa TP.HCM hạng 1.522, thấp nhất là Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM hạng 4.986).
Sinh viên tốt nghiệp của ta được xã hội tạm công nhận là “trí thức” nhưng rất nhiều người thiếu hẳn tố chất của người trí thức ở chỗ quá coi trọng mảnh bằng, coi nhẹ kiến thức vốn là bản chất của trí thức mọi thời. Trong khi đó, xã hội phát triển, khoa học tiến bộ từng ngày và như cuộc sống đã chứng minh, tấm bằng cũng mất giá từng ngày. Khi học chỉ để lấy bằng (cấp) là tự đặt ra những mục đích rất thực dụng nhằm tìm việc làm, bất quá chỉ để kiếm sống tốt hơn người bằng cấp ít hơn, thấp hơn…
Thái độ – không hiếm – ấy giải thích vì sao hiện nay số người có trình độ đại học rất nhiều, số tiến sĩ cũng không ít nhưng chúng ta vẫn chưa nhận diện được một lớp trí thức mà xã hội mong đợi. Càng chưa thấy lấp lánh một chùm sao, thậm chí một ngôi sao. Người trí thức trẻ bước từ trường đại học ra bị ngay bức tường của nhu cầu kiếm sống chặn lại và nếu hanh thông, họ có thể giàu lên, là công chức, tư chức thành đạt nhưng lại đóng cánh cửa trở thành trí thức thật sự.
Chúng ta còn ký ức đậm đà về thế hệ cha anh, không phải vì bằng cấp của họ mà chính vì sự thông tuệ và những gì họ làm được cho đời.
Trong bối cảnh đất nước bị đô hộ và sống dưới chính sách ngu dân của thực dân, vẫn có những Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Viện… những thần tượng của giới trí thức nước nhà, tiêu biểu cho tinh hoa nước Việt không những trong thời họ sống mà còn đến tận ngày nay. Một số người trong họ thậm chí chưa có bằng đại học như Đào Duy Anh, còn Nguyễn Hiến Lê chỉ tốt nghiệp Trường cao đẳng Công chánh Hà Nội (thời Pháp) năm 1934.
Điểm nổi bật của lớp trí thức lớn ấy chính là kho kiến thức, hoài bão sống chứ không phải bằng cấp. Tạ Quang Bửu (bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp) không có tấm bằng chính thức nào trong thời gian du học nhưng được coi là một nhà khoa học thông kim bác cổ nhờ tự săn tìm kiến thức cả khoa học tự nhiên lẫn xã hội không mệt mỏi trong và cả ngoài những trường đại học ông “ghé qua”. Dấu ấn của ông như một trí thức thông tuệ cũng như trong cương vị bộ trưởng đại học nước nhà là không thể phai mờ.
Giữ những giấc mơ
Lỗ hổng lớn nhất và nguy hại nhất cho sinh viên đại học nước ta là thiếu hoài bão và những dự án chiến lược cho cá nhân. Chất lượng đại học thấp không thể không do một phần từ phẩm chất của sinh viên, do mục tiêu mà nhiều người trong số họ chăm chắm: kiếm bằng, kiếm việc. Nhưng không chỉ do sinh viên. Sinh viên là sản phẩm của một thời đại. Đó là tình trạng thiếu “cảm hứng tạo dựng sự nghiệp” trong các thế hệ 8X, 9X và cả nhiều trí thức đứng tuổi có tài năng nữa.
Người ta đang chăm chú vào cái gì, đang quan tâm đến gì ngoài những chuyện “buôn dưa lê” và hình sự mà nhiều tờ báo kiên trì đưa tin hằng ngày? Một bộ phận tuổi trẻ khác thì đắc chí khi săn lùng được một suất học bổng của nước ngoài, yên tâm mình đã vượt qua được nhiều bạn bè cùng trang lứa và coi thế là quá đủ. Quá ít người chịu nghĩ hay chịu làm tiếp một điều gì nghiêm túc mà người ta thường gọi là sự nghiệp!
Một sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp có thể đi giao báo kiếm sống nhưng trong đầu vẫn nuôi hoài bão trở thành nhà văn hóa lớn, bác học hay tổng thống tương lai. Đó không là ảo vọng viễn vông mà là điều thiết yếu để sống tiếp một cuộc đời đáng sống. Thời xưa, có bao nhiêu người “khoa bảng cùng mình” rồi thành công chức nhưng chỉ có một vài Nguyễn Hiến Lê, Tạ Quang Bửu.
Tinh hoa trong sinh viên thời nay chẳng lẽ không nhiều bằng? Vậy sao không nung nấu hoài bão “trở thành một ai đó, làm một cái gì đó” hơn là tắt hết những giấc mơ lớn ngay khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học?
(Nguồn: Tuổi trẻ)