Điểm sàn năm 2013 sẽ được tính theo cách mới
Sáng nay (31-7), đã có thêm gần 20 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi. Như vậy, đến nay đã có gần 260 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi tuyển sinh 2013. Hôm nay cũng là hạn cuối cùng các trường ĐH phải công bố điểm theo quy định.
Thí sinh dự thi kỳ thi cao đẳng 2013 sáng 16-7 – Ảnh: TTO |
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã có phương án điểm chuẩn dự kiến sau phiên họp hội đồng tuyển sinh chiều 30-7. Theo đó, điểm chuẩn dự kiến cao nhất là ngành sư phạm Hóa và sư phạm Toán với cùng mức 24 điểm. Thủ khoa khối A đạt 28 điểm của trường là thí sinh Nguyễn Công Việt Hưng, thủ khoa khối B cũng đạt 28 điểm là Hoàng Thị Ngọc Anh. Thủ khoa khối C đạt 27,25 điểm là Đinh Thị Lệ Thu.
Tại Trường ĐH Vinh, điểm thi cao ở khối A, nhưng có xu hướng thấp ở khối C. Ông Phạm Minh Hùng- phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh -cho biết khôi C điểm thấp đi, đặc biệt ở môn Văn. Tuy nhiên, nhà trường vẫn duy trì chủ trương lấy điểm chuẩn của các ngành sư phạm từ 15 điểm trở lên. Với mức điểm này, ngành nào không tuyển đủ chỉ tiêu nguyện vọng 1, trường sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Năm 2012, ngành giáo dục chính trị chỉ có 9 thí sinh từ 15 điểm trở lên nhưng trường cũng quyết định điểm chuẩn là 15 điểm để bảo đảm chất lượng. Năm 2013, dự kiến điểm chuẩn các ngành đào tạo liên quan tuyển sinh khối A, khối B sẽ có điểm chuẩn dự kiến tăng 1 điểm trở lên so với năm 2012. Riêng ngành sư phạm mầm non và tiểu học, số lượng dự thi đông và điểm thi của thí sinh, điểm chuẩn dự kiến từ 17 trở lên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sau ngày 5-8, khi có đầy đủ dữ liệu điểm thi các trường gửi về, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp số liệu, thống kê về phổ điểm từng khối thi, nghiên cứu các phương án có thể áp dụng để tính điểm sàn.
Dự kiến ngày 8-8, Hội đồng điểm sàn của Bộ sẽ họp và quyết định cách tính và mức điểm sàn cụ thể của các khối thi năm nay ở cả bậc đào tạo ĐH và CĐ.
Theo thứ trưởng Ga, điểm sàn năm 2013 có thể sẽ được tính theo cách mới, nhưng dù tính theo cách nào thì vẫn phải bảo đảm được hai yêu cầu quan trọng: điểm sàn đủ để thí sinh đáp ứng năng lực theo học ĐH, CĐ và bảo đảm nguồn tuyển tối ưu cho các trường.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, các trường phải công bố điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển; công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển).
Các trường có trách nhiệm gửi các sở GD-ĐT giấy triệu tập trúng tuyển, trong đó ghi rõ kết quả thi của thí sinh; giấy chứng nhận kết quả thi (có đóng dấu đỏ của trường) cho thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng trở lên, phiếu báo điểm cho thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn cao đẳng (có đóng dấu đỏ của trường) để các sở GD-ĐT chuyển cho thí sinh.
(Nguồn: Tuổi trẻ Online, 31/7/2013)