Tổng hợp các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi
Các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cử nhân trường Luật. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể lựa chọn cho mình nhiều nghề nghiệp khác nhau, phù hợp với sở thích và năng lực bản thân. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những công việc ấy là gì nhé!
Thẩm phán
Thẩm phán cũng là một trong các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi sau khi ra trường. Thẩm phán là người giải quyết các vụ án và các vấn đề thuộc thẩm quyền của tòa án một cách khách quan, công bằng. Họ được xem là biểu tượng của đạo đức và sự trung thực.
Tuy nhiên, để trở thành một thẩm phán, ngoài việc có bằng cử nhân luật, bạn cần phải trải qua các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử. Đồng thời phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần dũng cảm, trung thực, liêm chính. Sau thời gian thực hiện các công việc pháp lý, làm thư ký tòa án, nếu đã nắm vững các vấn đề tố tụng và có phẩm chất đạo đức tốt, bạn sẽ được cân nhắc bổ nhiệm làm thẩm phán.
Luật sư
Nhắc đến các nghề nghiệp mà sinh viên ngành Luật có thể theo đuổi sau khi ra trường thì chắc chắn không thể thiếu luật sư. Luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, tham gia giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn xã hội. Luật sư tư vấn pháp luật cho khách hàng, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân, soạn thảo hợp đồng, văn bản pháp lý, đại diện khách hàng tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, vì tính chất công việc đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng cao, do đó thời gian đào tạo sẽ lâu hơn. Để trở thành một luật sư, bạn phải có bằng cử nhân Luật, có chứng chỉ lớp đào tạo luật sư và thời gian tập sự một năm tại các tổ chức hành nghề luật sư thì mới đủ điều kiện dự thi để được cấp chứng chỉ hành nghề.
Kiểm sát viên
Một trong các nghề nghiệp đang được nhiều cử nhân Luật theo đuổi sau khi ra trường là kiểm sát viên. Đây là người thực hiện các chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Thông thường, kiểm sát viên sẽ làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân với vai trò buộc tội các bị cáo trong các vụ án hình sự được xét xử tại tòa.
Vai trò của một kiểm sát viên là bảo vệ pháp chế, hạn chế các sai phạm trong quá trình xét xử. Ngoài việc có bằng cử nhân Luật, để trở thành một kiểm sát viên đòi hỏi bạn phải trải qua quá trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, có đủ thời gian công tác thực tế theo quy định và có phẩm chất đạo đức tốt.
Công chứng viên
Công chứng viên cũng là một trong các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Nhiệm vụ của một công chứng viên là tư vấn, thẩm định công chứng cho khách hàng. Bên cạnh đó, họ còn đảm nhận công việc soạn thảo hợp đồng, thẩm định hợp đồng cùng các loại hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để trở thành một công chứng viên chuyên nghiệp ngoài bằng cử nhân Luật, bạn còn phải có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân Luật. Đồng thời phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng, cùng với đó là nhiều kỹ năng mềm khác như: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp…
Quản tài viên
Quản tài viên là những người có nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Đây cũng là một trong các công việc được nhiều cử nhân Luật theo đuổi sau khi ra trường.
Để trở thành quản tài viên, bạn phải có trình độ cử nhân luật, kế toán, kinh tế, ngân hàng hoặc tài chính và có kinh nghiệm 5 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. Đồng thời, phải có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên do Bộ Tư pháp cấp. Nhìn chung đây là nghề nghiệp mới mẻ và đầy tiềm năng, do đó các sinh viên Luật sau khi tốt nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn.
Tư vấn viên pháp luật
Nhắc đến các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi sau khi ra trường chắc chắn không thể thiếu tư vấn viên pháp luật. Cử nhân ngành Luật có thời gian công tác từ ba năm trở lên trong ngành, đã đủ điều kiện để trở thành một tư vấn viên pháp luật.
Công việc của tư vấn viên cũng vô cùng đa dạng. Bao gồm tư vấn về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, hợp đồng, hôn nhân gia đình, lao động, đất đai, hình sự… Trở thành tư vấn viên pháp luật, bạn có thể làm việc trong các công ty luật, văn phòng luật sư, tổ chức phi chính phủ, hoặc tự mở văn phòng tư vấn pháp luật của riêng mình.
Pháp chế doanh nghiệp
Để hạn chế tối đa những rủi ro và vướng mắc về pháp lý trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã thành lập phòng ban liên quan đến pháp chế. Nhiệm vụ của phòng ban này là kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp đảm bảo trong khuôn khổ của pháp luật. Đồng thời đưa ra các tư vấn và giải pháp xử lý kịp thời nếu doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Bên cạnh các doanh nghiệp, bạn cũng có thể làm việc trong đội ngũ pháp chế của các ngân hàng thương mại. Tại đây bạn sẽ đảm nhận các công việc như: rà soát hợp đồng, đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu, kiểm soát hoạt động của ngân hàng không vi phạm pháp luật… Pháp chế là công việc có mức thu nhập tốt và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, các cử nhân ngành Luật có thể cân nhắc lựa chọn công việc này.
Giảng viên luật
Trở thành giảng viên luật cũng là một trong các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, nhiều trường đại học đều cần các giảng viên có trình độ, chuyên môn về luật để dạy các bài giảng về pháp luật chung hoặc pháp luật chuyên ngành cho sinh viên.
Do đó, nhu cầu nhân lực ở vị trí này ngày càng tăng cao. Là giảng viên, bạn sẽ có cơ hội truyền tải niềm đam mê và kiến thức pháp lý sâu rộng của mình đến thế hệ trẻ, đồng thời góp phần định hướng tư duy pháp lý đúng đắn cho sinh viên. Bên cạnh kiến thức chuyên môn sâu rộng, để trở thành giảng viên bạn cũng cần phải có nghiệp vụ sư phạm cùng các kỹ năng mềm khác.
Trợ giúp viên pháp lý
Trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Họ cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí hoặc hỗ trợ chi phí pháp lý cho những người này, giúp họ tiếp cận công lý và bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Các cử nhân ngành Luật với nền tảng kiến thức pháp lý vững vàng và kỹ năng tư duy logic, phân tích sắc bén sẽ có nhiều lợi thế khi theo đuổi nghề nghiệp này. Công việc của trợ giúp viên pháp lý khá đa dạng, bao gồm: tư vấn luật; hướng dẫn các đối tượng được trợ giúp các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính; chuẩn bị hồ sơ; soạn thảo đơn từ…
Thư ký tòa án
Thư ký tòa án là người có trình độ cử nhân luật trở lên, được tòa án tuyển dụng và đào tạo về nghiệp vụ Thư ký tòa án. Sau đó, tùy theo năng lực, chuyên môn mà sẽ bổ nhiệm vào các ngạch Thư ký tòa án khác nhau.
Công việc của thư ký toà án rất đa dạng và đòi hỏi sự chính xác cao. Họ có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như: lập biên bản ghi chép phiên tòa, quản lý hồ sơ vụ án, hỗ trợ Thẩm phán trong việc chuẩn bị các tài liệu xét xử… Đây cũng là một trong các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi sau khi ra trường.
Thư ký luật sư
Đây là vị trí công việc mà các cử nhân ngành Luật có thể ứng tuyển sau khi tốt nghiệp. Nhìn chung, công việc chủ yếu của thư ký luật sư liên quan đến hành chính. Bao gồm: ghi chép, trả lời các cuộc điện thoại của văn phòng luật sư; chuẩn bị thư từ, các văn bản pháp lý cho công việc của luật sư; đặt lịch hẹn với khách hàng; hỗ trợ nghiên cứu pháp luật…
Để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, đòi hỏi bạn phải có chuyên môn, khả năng làm việc độc lập và phối hợp hiệu quả với luật sư, khách hàng cũng như các bên liên quan. Bên cạnh đó, bạn cũng cần có khả năng chịu áp lực và thích nghi với mọi môi trường làm việc.
Trên đây là tổng hợp các vị trí nghề nghiệp mà sinh viên Luật có thể theo đuổi sau khi ra trường. Lựa chọn nghề nghiệp nào sau khi tốt nghiệp là quyết định quan trọng của mỗi người. Tuy nhiên, để có được lựa chọn phù hợp, bạn cần cân nhắc kỹ sở thích, năng lực và mục tiêu nghề nghiệp của bản thân.
Xem thêm:
Tổng hợp các trường đào tạo ngành luật nổi tiếng nhất Việt Nam
Ngành luật kinh tế học trường nào? Những lưu ý khi chọn trường đào tạo.
Ngành luật kinh tế thi khối nào? Các tổ hợp môn phù hợp xét tuyển.
Ngành luật kinh tế: Học xong ra trường làm gì?