Tưởng nhớ nhà kháng chiến lão thành, người bạn lớn của Việt Nam: Raymond Aubrac
Raymond Aubrac (1914-2012): tinh thần kháng chiến |
Raymond Aubrac đã từ trần đêm 10.4.2012 tại bệnh viện Val-de-Grâce, Paris, thọ 97 tuổi. Ông và vợ ông, bà Lucie (nhũ danh Bernard, 1912-2007), là hai nhân vật kiệt xuất của cuộc Kháng chiến Pháp (1940-1944).
Tên thật là Raymond Samuel, gốc Do Thái, kỹ sư cầu đường, lấy biệt danh là Raymond Aubrac, ông đã thành lập, ngay từ mùa hè 1940, tổ chức kháng chiến Libération-Sud ở Lyon và ra tờ báo bí mật Libération (cùng với Emmanuel d’Astier de la Vigerie). Bị Gestapo bắt cùng với Jean Moulin, Raymond Aubrac đã được bà Lucie cùng đồng đội giải thoát trong một cuộc tấn công táo bạo vào xe tù. Mùa hè 1944, khi nước Pháp được giải phóng, ông được cử làm Ủy viên Cộng hòa (tương đương với tỉnh trưởng) Marseille. Sau đó, ông là người tổ chức gỡ mìn trên lãnh thổ Pháp.
Khác với nhiều lãnh đạo kháng chiến khác, ông bà Aubrac không màng danh lợi, chức quyền. Nữ anh hùng kháng chiến, bà trở lại với nghề dạy học (bà là thạc sĩ sử học), và suốt đời đấu tranh chống bất công xã hội, chống kỳ thị đối xử với người nhập cư, đòi nam nữ bình quyền. Tên bà được đặt cho hơn hai chục trường trung học (có trường mang tên cả hai vợ chồng, Lucie et Raymond Aubrac). Raymond Aubrac thành lập một công ti tư vấn về cầu đường, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và thế giới thứ ba, rồi trở thành viên chức quốc tế của FAO (Tổ chức lương nông).
Ảnh chụp năm 1946 tại nhà ông bà Aubrac. Người đầu tiên bên trái là ông Raymond Aubrac, tận cùng bên phải là ông Vũ Đình Huỳnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi giữa, đằng trước là chị Jacqueline Nguyễn Thanh Nhã. (nguồn : gia đình) |
Ông bà Aubrac là hai người bạn lớn của Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập và thống nhất. Trong thời gian lãnh đạo chính quyền ở Marseille nửa cuối năm 1944, Raymond Aubrac đã tận tình giúp đỡ giới “lính thợ” (ONS) người Việt ở vùng này, dẹp bỏ bọn quản lý căng trại tham nhũng và hà hiếp lính thợ. Chính những người “lính thợ” này, phần đông trở thành công nhân, đã tổ chức thành những hạt nhân đầu tiên của phong trào Việt kiều ở Pháp. Có lẽ qua phong trào này mà, khi tới Pháp vào mùa hè 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm gặp Raymond Aubrac. Chỉ sau một lần tiếp xúc, chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân cận trong phái đoàn (Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng, đóng vai “tùy viên quân sự”, Phạm Văn Đồng, người sẽ cầm đầu phái đoàn VNDCCH ở Hội nghị Fontainebleau, Phạm Huy Thông, được chọn làm thư ký, Nguyễn Viết Ty, thủy thủ được chọn làm đầu bếp…) đã trở thành “khách” thường trú tại ngôi nhà của ông bà ở Soisy-sous-Montmorency (cách Paris 16 km về phía bắc). Chính trong thời gian này, bà Lucie đã sinh hạ con gái út là Elisabeth (Babette) mà Hồ chủ tịch là cha đỡ đầu. Theo lời ông Aubrac, từ đó hàng năm, cho đến 1969, kể cả những năm kháng chiến cam go nhất, cô Babette vẫn nhận được quà tặng của “cha đỡ đầu” vào dịp sinh nhật của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ẵm cô bé Babette, ngồi bên bà Lucie Aubrac (1946). |
Kiên trì ủng hộ hai cuộc kháng chiến của Việt Nam, Raymond Aubrac còn kín đáo làm tất cả những gì có thể để góp phần lập lại hòa bình và hàn gắn vết thương chiến tranh. Như bây giờ mọi người đều biết, năm 1967, ông là người “đưa thoi” giữa Washington và Hà Nội để tìm cách mở đường thương lượng. Đường dây “Pennsylvania” (xem bài phỏng vấn ở dưới) không thành, nhưng qua đó, ông lại quen biết Robert McNamara, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng, “bộ óc” của cuộc chiến tranh Mỹ (từ thời Kennedy và trong suốt mấy năm đầu nhiệm kỳ Johnson), tên tuổi gắn liền với “bức tường điện tử” (và bom mìn) dọc theo vĩ tuyến 17, nhưng từ năm 1967 trở đi, bắt đầu thấy không thể chiến thắng. Theo lời kể của Aubrac, năm 1975, khi chiến tranh vừa chấm dứt, ông gặp McNamara lúc đó đã trở thành giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB). Raymond Aubrac đã thuyết phục được McNamara và cựu thủ trưởng Lầu năm góc đã trao cho ông để chuyển tới chính phủ Việt Nam toàn bộ các bản đồ các bãi mìn dọc theo “bức tường McNamara”. (Như mọi người đều biết, phải 20 năm sau, quan hệ Việt-Mỹ mới được bình thường hóa).
Khi Lucie Aubrac từ trần, tôi có kể lại hai kỷ niệm cá nhân về ông bà (xin trích) :
“Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, tôi có vài dịp được gặp, hay đúng hơn, được trông thấy ông bà, và được nghe nói về vai trò của họ, không những trong những ngày trứng nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà cả trong thời kì chiến tranh Việt Mĩ (đặc biệt trong vụ “thương lượng hụt” năm 1967). Nhưng phải sau năm 1975, tôi mới có dịp lại nhà ông bà ở phố Glacière, quận 13 Paris. Lần thứ nhất là khoảng năm 1980, khi anh bạn Henri Van Regemorter và tôi có ý xuất bản tạp chí (tiếng Pháp) “Vietnam”. Lúc đó Việt Nam bị bao vây, cô lập cao độ, và cũng tự cô lập do những chính sách khá mù quáng. Mục đích của tạp chí là phân tích và thảo luận một cách khách quan, công bằng về những vấn đề Việt Nam, thể hiện sự gắn bó và đoàn kết trong tinh thần phê phán khoa học. Chúng tôi tin tưởng vào mục đích đó, nhưng cũng hiểu rằng nhiều người không chia sẻ cách nhìn đó, ở Việt Nam cũng như ở Pháp. Cũng ở thời điểm ấy, Đảng cộng sản và Đảng xã hội Pháp đã đoạn tuyệt sau vụ “cương lĩnh chung”, quan hệ rất căng thẳng. Lập ra một “hội đồng bảo trợ” tạp chí, với một “quang phổ chính trị” rộng rãi nhất, từ cộng sản, trốt kít đến “gaulliste” phái tả qua xã hội và Ki tô giáo tiến bộ, ở thời điểm ấy, là chuyện ngược dòng và ngược đời. Phải nói Raymond Aubrac đã ngay tức khắc nhận lời tham gia. Kỉ niệm thứ hai, hơn mười năm sau. Lúc ấy, anh Vũ Thư Hiên mới tới Pháp. Nghe anh kể lại khi người của “ban chuyên án” dưới quyền của ông Lê Đức Thọ tay thước tay dao tới nhà bắt ông Vũ Đình Huỳnh (mùa hè năm 1967), họ đã mang đi các thứ tài liệu, tất cả những tấm ảnh có hình chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Huỳnh (và cả bức kí họa chân dung Hồ Chí Minh của Pablo Picasso), tôi có ý liên lạc với ông bà Aubrac, với hi vọng là họ còn giữ được những hình ảnh mùa hè năm 1946. Gọi điện thoại tới nhà, tôi được ông Aubrac nhận lời ngay, và ông bà đã tiếp chúng tôi, cho xem tập album, trong đó đặc biệt có tấm ảnh chụp ngoài vườn ngôi biệt thự ở Soisy-sous-Montmorency, có chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Vũ Đình Huỳnh. Tất nhiên, ông bà không “cho” ngay được tấm hình ấy, nhưng một tuần sau, bà Lucie Aubrac đã gửi cho tôi một bản chụp. Nhờ ông bà Aubrac, chủ trương thủ tiêu mọi “hình ảnh liên quan” của “ban chuyên án” đã không thành công hoàn toàn.” (Diễn Đàn, ngày 18.3.2007).
Hơn một năm sau ngày bà Aubrac tạ thế, tôi có dịp trở lại thăm ông ở phố Glacière, khi đưa đoàn quay phim “Đi tìm dấu tích Ba Vua” đến phỏng vấn ông Raymond Aubrac (trang lịch quay phim còn ghi : 16g ngày thứ tư 11.6.2008). 94 tuổi, năm ấy ông còn tráng kiện. Nhưng đi lại phải chống gậy. Cuộc gặp buổi chiều hôm ấy là kết quả một cuộc “thương lượng” gay go : cánh cửa nhà ông bao giờ cũng rộng mở, nhất là với “các bạn Việt Nam”, nhưng lịch hoạt động của ông thì sít sao. Ông nhận tiếp chúng tôi giữa hai chuyến đi. Từ ngày bà Lucie ra đi, ông tiếp tục chống gậy đi tới các trường học để nói chuyện với tuổi trẻ học đường. Về cuộc kháng chiến, để nói tới “tinh thần kháng chiến” (tôi nhớ mãi câu nói của Lucie Aubrac : “kháng chiến là một động từ luôn luôn chia ở thì hiện tại” / “résister est un verbe qui se conjugue toujours au présent”), nghĩa là nói đến hiện tại và tương lai. Tương lai của nước Pháp (nước Pháp của cương lĩnh Hội đồng Dân tộc Kháng chiến / CNR) và của nhân loại.
Để tưởng nhớ con người vừa ra đi, tốt nhất là nghe lại lời của chính ông, trong bài phỏng vấn (2011) mà chúng tôi dịch toàn văn dưới đây.
Mới đây các bác sĩ đã nhắc ông là ông 96 tuổi rồi. “Tôi cũng hơi buồn, nhưng bác sĩ nói đúng: tôi hay quên tuổi của mình”, Raymond Aubrac thừa nhận. Không phải chỉ có ông mới như vậy. Nhà kháng chiến lão thành, sinh ngày 31 tháng bảy 1914, đúng ngày Jean Jaurès bị ám sát, thuộc lớp người giọng nói còn rắn giỏi, trí nhớ còn nguyên khôi dường như không bị sói mòn với thời gian. Ông đã tiếp chúng tôi tại nhà, ở Paris, vào lúc hai cuốn sách và một cuốn phim tài liệu vừa tập trung nói về ông. Trong phòng khách đầy ánh sáng, mỗi đồ vật bầy biện đều gợi lại một quãng đời. Đằng sau cánh cửa tủ kính là những hóa thạch và mũi tên được khai quật ở Maroc. Trên chiếc bàn nhỏ, mấy cuốn sử về chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trên tường, một tấm tranh đề tài “Mẹ Con” mà “người bạn” Hồ Chí Minh đã tặng ông nhân ngày sinh thứ 32. Và đối diện với tấm cửa kính “bay” chiếm hết bức tường là chân dung đen trắng của người bạn đời đã chung sống với ông gần ba phần tư thế kỷ, bà Lucie, từ trần cách đây bốn năm, thọ 94 tuổi..
Như những nhân vật lớn của Kháng chiến, Daniel Cordier, Jean-Louis Crémieux-Brilhac hay Stéphane Hessel, ông được mời kể lại cuộc đời quá khứ, nhiều hơn bao giờ hết. Là đối tượng của sự chú mục ấy, ông cảm nhận ra sao ?
– Raymond Aubrac: Khi đã bước vào tuổi 75, ý kiến của anh về hiện tại và tương lai chẳng còn được ai quan tâm nữa. Ngược lại, người ta bắt đầu hỏi anh về quá khứ. Hai mươi năm qua, tôi ở trong tình trạng ấy : tôi như bị kết án là nói về quá khứ. Tất nhiên, tôi vui lòng chấp nhận điều ấy. Nhưng cũng phải nói thật là tôi rất quan ngại, vì tôi thấy người đương thời bị quá khứ ám ảnh hơi quá. Có lẽ người ta nên dành nhiều thời gian và năng lực hơn nữa để suy nghĩ về tương lai.
” Ông muốn ông cháu mình nói chuyện về hiện tại, về tương lai”, ông đã tâm sự như vậy với Renaud, cháu ngoại ông, khi mở đầu cuốn sách đàm thoại, Passage de témoin (Chuyền tay vật chứng), mà ông cháu ông vừa xuất bản.
– Đó mới là điều quan trọng. Những năm gần đây, tôi đã đi hết trường tiểu học nọ tới trường trung học cấp một, hết trường cấp một sang trường trung học cấp hai, gặp gỡ các em thiếu niên. Và tôi thấy một điều làm tôi lo ngại. Hiện nay có cả một thế hệ tuổi trẻ không được ai đoái hoài, hứa hẹn điều gì. Người trẻ không có cảm tưởng là xã hội sẽ cần tới họ, không thấy họ cần phải chuẩn bị để đóng một vai trò trong xã hội. Nhất thiết phải trả lại hy vọng cho tuổi trẻ.
Năm Hitler lên nắm chính quyền, ông hai mươi tuổi. Đó là một thời kỳ thật đen tối, thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế sau cuộc sụp đổ tài chính năm 1929. Lúc ấy, ông có nghĩ rằng mình thuộc một thế hệ vô hy vọng ?
– Thời ấy khác lắm. Chúng tôi lo lắng, tất nhiên, song chúng tôi có cảm tưởng là đại khái mình hiểu được thế giới, biết nó vận hành như thế nào. Về phần tôi, tôi chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx. Điều ấy giúp tôi rất nhiều, vì học thuyết Marx giải thích được thế giới hiện tại và đồng thời chỉ ra chiều hướng của lịch sử. Bây giờ, mọi sự đã trở nên phức tạp hơn nhiều, đáng sợ hơn nhiều, không còn một hệ thống (tư tưởng) nào có thể giúp người ta lí giải được hiện tại và hình dung ra tương lai.
Chủ nghĩa Marx ngày nay còn giúp ông tư duy thế giới nữa không?
– Chủ nghĩa Marx nói chung thì không. Nhưng một số quan điểm thì còn. Chẳng hạn như sự phân phối giá trị thặng dư do sản xuất của cải và dịch vụ tạo ra. Vấn đề phân chia lợi nhuận giữa lương bổng của người lao động, đầu tư của các doanh nghiệp và cổ tức của các cổ đông vẫn giữ nguyên tính chất thời sự, và tôi thấy trên điểm này, sự phân tích mác-xít vẫn thích đáng.
– Nhân ông nói tới những học thuyết có thể giúp ta tư duy thế giới, tôi muốn nói đôi lời về Joseph Schumpeter. Thời sinh viên theo học bên Harvard, cuối thập niên 1930, tôi có may mắn được dự xê-mi-na của Schumpeter. Một trong những ý tưởng của nhà kinh tế học vĩ đại ấy, là : những biến đổi lớn trong công nghệ học không những chỉ tác động tới nền kinh tế, mà còn tác động tới nền văn minh. Tất nhiên, lúc đó Schumpeter nói tới cái máy hơi nước, tới điện khí. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh tương tợ với cuộc tin học hóa và mạng internet. Tôi không biết hiện nay đã có đủ người để suy nghĩ về hệ quả của các hiện tượng này đối với quá trình hình thành của nền văn minh nhân loại.
Ông lí giải ra sao về sự thành công của tập sách mỏng Indignez-vous! của Stéphane Hessel (Hãy phẫn nộ !, nhà xuất bản Indigène), từ tháng mười 2010 đã bán được gần một triệu bản?
– Tôi xin chịu, và Stéphane, cách đây mấy ngày còn ngồi trong phòng này, là người đầu tiên ngạc nhiên vì điều đó. Người ta nghĩ thế nào thì nghĩ về bài viết này, và về phần tôi, tôi nghĩ lẽ ra anh ấy không nên nêu ra vấn đề Israel và Palestin, vì điều này đã gây ra một cuộc luận chiến vô bổ. Nhưng tiếng vang của tập sách chứng tỏ rằng lí tưởng dân chủ và công lí xã hội của cương lĩnh Hội đồng Dân tộc Kháng chiến (CNR) rõ ràng là thành tố của bản sắc dân tộc Pháp.
Với tuổi trẻ ngày nay, ông cũng kêu gọi họ hãy ” phẫn nộ” chứ ?
– Như đã nói ở trên, tôi đã bỏ ra hàng trăm giờ để nói chuyện với thanh niên về cuộc Kháng chiến. Mỗi lần tôi đều tự hỏi: những bài diễn văn đẹp đẽ ấy phỏng có ích lợi gì? Tôi chỉ muốn chuyển tải một thông điệp: Lịch sử cuộc Kháng chiến là một chuỗi những tình huống hết sức khó khăn. Nhưng ngay từ ngày đầu, ngay trong lời Kêu gọi 18 tháng sáu 1940, tướng De Gaulle đã nói rõ thua một trận đánh không có nghĩa là chúng ta thua cuộc. Ngay từ đó, chúng tôi tâm niệm một điều : lạc quan, tin tưởng rằng với sự dấn thân, chúng tôi có thể làm thay đổi dòng đời. Nên tôi nói với các bạn trẻ: Nếu các bạn chịu thua ngay từ đầu, các bạn sẽ không đi tới đâu được cả ; còn nếu các bạn tranh đấu, thì may ra mới đạt được cái đích nào đó.
Năm 1996, ông đã cho ra cuốn hồi kí Où la mémoire s’attarde (Nơi hồi ức nấn ná, nxb Odile Jacob). Nay Pascal Convert viết tiểu sử của ông. Đọc cuốn tiểu sử này, ông cảm nhận thế nào?
– Tôi học hỏi được nhiều điều. Ví dụ một câu chuyện xảy ra trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, tôi được nhờ cậy mang thông điệp trao đổi giữa Washington và Hà Nội. Tôi không biết rằng lúc đó tổng thống Johnson có thành lập một tiểu ban theo dõi kết quả của sứ bộ. Nhờ tìm tòi tư liệu trong văn khố Mỹ, Pascal Convert đã tái dựng được giai đoạn này của lịch sử. Anh cung cấp thêm những thông tin về vai trò mà nhiều người biết của bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara vào việc tìm cách mở thương lượng với miền Bắc Việt Nam. Vụ việc này, người ta gọi là ” đường dây Pennsylvania”. Nhiều năm sau, McNamara đã biếu tôi cuốn sách về chiến cuộc Việt Nam với lời đề tặng “Nếu họ biết nghe chúng ta, thì đã cứu được hằng triệu sinh linh”.
Ảnh chụp tại Hà Nội, mùa thu 2008. Từ trái sang phải : Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp), Võ Nguyên Giáp, Raymond và Elisabeth Aubrac (nguồn : gia đình Aubrac) |
Những cuốn sách quanh ông ở đây chứng tỏ rằng nhiều công trình về cuộc thế chiến lần thứ hai vẫn tiếp tục được công bố. Ông có cho rằng còn nhiều điều chưa được biết về thời kỳ này?
– Trong đời tôi, có hai thời gian kéo dài nửa năm rất đặc biệt : đó là nửa năm bắt đầu từ tháng sáu năm 1940, và nửa năm bắt đầu từ tháng sáu năm 1944. Nửa năm 1940 thì người ta biết rõ từng ngày. Còn nửa năm 1944, thì đầy ắp những sự kiện quân sự, và chính trị nữa, nhưng ít được quán triệt hơn hẳn, vì một lẽ đơn giản : lúc ấy nước Pháp tan hoang, tan hoang hơn cả thời kỳ bốn năm trước đó. De Gaulle có đó, tất nhiên, nhưng De Gaulle lúc đó là lời nói, chứ không phải là hành động. Chính quyền cũng có đó, nhưng không thể nói là cầm quyền. Cho nên tôi vẫn chờ đợi nhà viết sử, từ khối lượng khổng lồ các công trình chuyên luận đã được công bố, lí giải được câu hỏi này : làm thế nào mà nước Pháp đã thoát ra khỏi cơn hỗn loạn ấy ?
Hồi ức về thời kỳ này, mang dấu ấn của cuộc thanh trừng, là một điều đau xót. Lúc đó, ông là Ủy viên Cộng hòa ở Marseille, từ tháng tám 1944 đến tháng giêng 1945. Đó là thời kỳ mà ông nói là đầy “ác mộng”. Ông đã bị đả kích, có người trách ông đã thanh trừng quá mạnh tay…
– Đó là một thời kỳ khiếp đảm, mỗi chọn lựa là một quyết định khó khăn. Xin kể một ví dụ, xảy ra vào tháng mười một năm 1944. Tôi đang ngồi ở văn phòng của Adrien Tixier, lúc đó là bộ trưởng bộ nội vụ, thì tỉnh trưởng Vaucluse gọi điện: một vụ nổ vừa xảy ra, 25 người chết ở trại trú quân của FFI (lực lượng kháng chiến quốc nội) đặt tại lâu đài La Simone, thị trấn Pertuis, bên bờ sông Durance. Ông tỉnh trưởng báo tin người ta đã bắt giam 25 người và định xử tử họ vào giờ an táng các thanh niên FFI, một điều không thể chấp nhận. Làm gì đây?
– Tôi lên xe đi ngay lập tức, và tới nơi, tôi yêu cầu Tixier thiết lập tình trạng giới nghiêm trên toàn tổng Pertuis để tôi, với cương vị Ủy viên Cộng hòa, có toàn quyền xử lí. Nhưng không thể làm như thế : tình trạng giới nghiêm chỉ có thể quyết định trong cuộc họp hội đồng chính phủ, mà hội đồng chính phủ không thể họp vì tướng De Gaulle đang du hành ở Moskva…
Rồi sao…?
– Tôi đành xoay xở trong phạm vi có thể. Tới Pertuis vào khoảng 2 giờ sáng, tôi bị chặn lại bởi một hàng rào phụ nữ mặc y phục toàn màu đen, trang bị bằng tiểu liên và lựu đạn. Trong số phụ nữ ấy, có mấy bà mẹ chiến sĩ FFI đã bị chết trong vụ nổ. Cuối cùng, họ để cho tôi đi tới tòa thị chính. Tại đây, trong văn phòng thị trưởng, có ba mươi người, dưới sàn nhà là căn hầm giam 25 con tin. Không khí căng thẳng. Đầu tiên, chúng tôi tới mặc niệm tại chỗ. Sau đó, vì mọi người ở đây đều chắc mẩm rằng cái chết của các đội viên FFI là do âm mưu ám sát chứ không phải do nổ, tôi đã đưa ra đề nghị như sau: đưa con tin về Avignon để tòa án xử lý ; dẫn độ viên phụ trách đội Dân vệ (thuộc chính quyền Pétain theo Đức, CT của người dịch) vừa bị bắt trước đó mấy ngày tới giam ở Pertuis; tôi sẽ thành lập một chi nhánh của tòa án và các người sẽ trực tiếp xét xử hắn.Tôi vừa nói xong thì một tay đứng dậy, lớn tiếng: “Ông Ủy viên Cộng hòa đang xỏ mũi mình đây: dù chúng ta kết án tử hình hắn ta đi nữa, ông ta sẽ dùng quyền ân xá và nó sẽ thoát chết “. Tôi đành phải cam kết sẽ không sử dụng quyền ân xá đối với một người chưa ra đứng trước tòa, và tòa án cũng chưa thành lập ! Tới Avignon, tôi đã buộc phải ra lệnh di chuyển người tù về Pertuis… Vài giờ sau, tôi nhận điện thoại : tòa án đã họp, tù nhân bị kết án tử hình và đã ký đơn xin ân xá. Người ta chờ tôi quyết định. Tôi đã quyết định không ân xá.
Ba ngày sau, François de Menthon, lúc đó là Chưởng ấn (bộ trưởng Bộ tư pháp, chú thích của ND), được chính phủ cử xuống điều tra về vụ lâu đài La Simone. Khi trở về, François nói với tôi: “Anh đã vi phạm hàng loạt những điều khoản của bộ Luật hình sự, những vi phạm không ai có thể tưởng tượng ra nổi ! Nhưng anh đã cứu sống được các con tin”.
Lúc đó ông 30 tuổi…
– Vâng, 30 tuổi thôi. Thú thật là điều ấy, chính tôi cũng thấy khó tin.
Ông có nuối tiếc gì không ?
– Cố nhiên là có. Không chỉ nuối tiếc mà thôi. Chẳng hạn, mỗi lần nghĩ tới “giải pháp cuối cùng” (cuộc diệt chủng của Hitler, CT của ND) là tôi lại cảm thấy phạm tội. Cha mẹ tôi sống ở Dijon. Tôi đã thuyết phục được hai cụ dọn về Lyon và dùng căn cước giả mạo, nhưng nói thế nào, các cụ cũng không chịu lánh sang Thụy Sĩ. Mẹ tôi muốn đi, nhưng cha tôi không chịu : điều trớ trêu là lúc ấy ông cụ còn tin tưởng ở thống chế Pétain. Ngày nay tôi vẫn tự trách mình là đã không thuyết phục được các cụ. Thế là cha mẹ tôi đã bị Dân vệ tố giác và bị giết tại Auschwitz.
Điều gì làm ông tự hào nhất?
– Là đã chọn được nhà tôi. Phải nói là tôi đã làm được việc ấy một cách xuất sắc. Cũng phải nói là ngược lại, Lucie cũng đồng tình. Trong một đời, chỉ có ba bốn chọn lựa cơ bản.
Phần còn lại là may rủi.
Bản dịch tiếng Việt : Nguyễn Ngọc Giao
(Nguồn: nhật báo Pháp-Lemonde 5.3.2011)
Tham khảo bài Đặng Tiến: Aubrac và Việt Nam