Đại học Hoa Sen – HSU

Tư tưởng “Chi bằng học” của Phan Châu Trinh

Có thể nói, ngay từ đầu thế kỷ XX, sau khi đỗ Phó bảng cùng khoa với Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy, Phan Châu Trinh bắt đầu tiếp xúc với tân thư, xác định đường hướng duy tân, liên kết với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, lập thành cỗ xe tam mã, kéo Việt Nam đi vào vận hội mới – vận hội về khai sáng dân trí, một tiền đề quan trọng để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, tạo nền tảng cho phát huy sức mạnh dân tộc.

Phan Chau Trinh tu tuong chi bang hoc

Ngay trong những ngày cư tang anh cả Phan Văn Cừ và sau đó, qua Đào Nguyên Phổ, Thân Trọng Huề, Phan Châu Trinh đọc nhiều sách mới và các tác phẩm của Nguyên Lộ Trạch, tiếp xúc với tư tưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu về vấn đề tự do, dân quyền ở Tây Âu. Một tác giả nổi tiếng, ngoài Khang-Lương, là Nghiêm Phục (1853-1921), người dịch Thiên diễn luận (Evolution and Ethics) của Thomas Henry Huxley) ra Trung văn, được các nhà duy tân Trung Quốc đánh giá cao.

Năm 1903, Phan Châu Trinh ra Huế, làm Thừa biện Bộ Lễ. Cùng năm này, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cũng ra Huế, đọc tân thư. Cuối năm 1904 (32 tuổi), Phan Châu Trinh từ quan về Quảng Nam, chuyển hướng đưa vận động duy tân về quê nhà, nhanh chóng lập hội buôn, hội học, hội diễn thuyết, nhất là phát triển nhiều trường dân lập.

Năm 1906, Phan Châu Trinh ra Bắc, đi Nhật, về lại Hà Nội, tiếp xúc với các nho sĩ tiến bộ, bàn bạc việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1907, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động duy tân tại Quảng Nam, chú trọng về phát triển giáo dục.

Giữa năm này, Phan Châu Trinh ra lại Hà Nội, thay Đào Nguyên Phổ làm Tổng biên tập báo “L’ An-Nam – Đại Việt tân báo”, viết Hiện trạng vấn đề, giảng dạy Đông Kinh nghĩa thục, diễn thuyết và vận động duy tân ở nhiều tỉnh miền Bắc và sáng tác Tỉnh quốc hồn ca I. Cũng trong năm 1907, Phan Châu Trinh có nhiều hoạt động nổi bật, giao thiệp với nhiều nhân vật nổi tiếng như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, cả Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải (Xem Biên niên tiểu sử Phan Châu Trinh, NXB Giáo dục, 2006).

Chi bằng học, luận điểm tiến bộ, khoa học

Luận điểm này nằm trong bài Hiện trạng vấn đề, đăng trên Đại Việt tân báo (tức tờ Đăng cổ tùng báo mới cải tên), năm 1907. Bài này, đã được Tân Nam Tử, tức Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp và cho đăng trên tờ Pionnier Indochinois ở chuyên mục Tư tưởng người An Nam. Người đầu tiên nhận ra quan điểm tiến bộ này là Huỳnh Thúc Kháng, đồng môn, đồng chí của Phan Châu Trinh. Trên Tiếng Dân, số 613, ngày 9-8-1933, Huỳnh Thúc Kháng thuật lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, năm 1905, khi mà Nhật thắng Nga, làm chuyển biến mãnh liệt cán cân quyền lực ở Đông Á, đem đến cho Nhật Bản một vị thế mới trên sân khấu thế giới, do vậy, dẫn đến tư tưởng sùng bái người Nhật, hơn nữa có xu hướng bạo động và trông cậy người ngoài trong giới thân sĩ nước ta. Huỳnh Thúc Kháng đánh giá bài Hiện trạng vấn đề là: “Một bài luận thời cuộc rất xuất sắc trong báo giới ta trước 25 năm nay”.

Trong bài báo đó, Phan Châu Trinh kết luận:

“Vậy xin có lời chính cáo người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động thì tất chết. Không trông cậy người ngoài, trông cậy người ngoài thì tất ngu”.

“Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là “Chi bằng học””. (Xem Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Chương Thâu-Phạm Ngô Minh, sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 388, 389, 390).

Hiện nay, bài Hiện trạng vấn đề đã được Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) dịch toàn văn (Xem Phan Châu Trinh-Toàn tập, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2005, từ trang 70 đến 75).

Cần lưu ý là, khi kết thúc bài viết, Phan Châu Trinh có lời khuyên với đồng bào rằng, chỉ nên trông cậy ở chính mình, không vọng ngoại. Vọng ngoại ắt là chết và nêu con đường giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ. Như vậy, vấn đề quan trọng là tự lực cánh sinh và học hành.

Nguồn gốc tư tưởng Chi bằng học của Phan Châu Trinh

Không phải ngẫu nhiên mà Phan Châu Trinh có tư tưởng Bất như học – Chi bằng học. Phan Châu Trinh viết Hiện trạng vấn đề vào năm 1907 khi Nhật Bản đã thể hiện rõ vai trò của một cường quốc ở châu Á. Năm 1906, sau khi ở Nhật một thời gian, quan sát những chuyển biến thần kỳ trên nhiều mặt của xã hội Nhật Bản, nhất là tư tưởng thực học, học hành theo phương pháp khoa học hiện đại, Phan Châu Trinh nhận ra một yêu cầu cấp bách-yêu cầu phải học, thực học, rời bỏ ràng buộc của Nho giáo.

Nhật Bản mạnh lên từ học và thực học. Tư tưởng thực học gắn liền với tên tuổi Kaibara Ekken (1630 – 1714). Có thể xem, ông là một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất của lịch sử cận đại Nhật Bản. Nhà bác học người Đức Philip Franz von Siebold (1796 – 1866) khi viếng thăm Nhật Bản vào thế kỷ 19, tìm hiểu và vô cùng khâm phục Ekken, gọi ông là “Aristote của Nhật Bản”.

Ekken nhấn mạnh đến việc học, giá trị của việc học, coi sự học là nguồn gốc của ích nước lợi nhà, khuyến khích đọc sách. Ekken viết: “Không có thú vui nào trên thế giới có thể so sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác”.

“Chi bằng học (chữ Hán là Bất như học) là quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh, là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng”.

(Vũ Ngọc Khánh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, trang 77)

Thời kỳ Minh Trị Duy Tân, những sách như Bàn về tự do (On Librerty) của John Stuart Mill, Thuyết tiến hóa của Charles Darwin, Tự lo (Self-Help) của Samuel Smiles… ra đời, in với số lượng lớn, có lúc đến triệu bản, thu hút mãnh liệt giới trẻ về vấn đề đổi mới nước Nhật. Công ty ra đời đầu tiên thời Minh Trị là một công ty nhập khẩu và kinh doanh sách, có tên Maruzen, chủ nhân Hayashi Yuteki. Sách là mặt hàng đi đầu trong hành trình chấn hưng dân trí.

Trang đầu của cuốn Tự lo, dẫn câu nói của J.S. Mill: “Giá trị của nhà nước, xét lâu dài, là giá trị của các cá nhân cấu thành”. Muốn cho đất nước giàu mạnh, độc lập, phú cường, phải có những cá nhân mạnh, thông qua rèn luyện, tư lo, sáng tạo, độc lập.

Những quyển sách này đã cuốn hút giới trí thức và giới trẻ vươn lên trong học tập, rèn luyện và làm giàu. Tác phẩm Khuyến học của nhà khai minh Fukuzama Yukichi (1835-1901) nhấn mạnh: “Con người không sinh ra cao quý hay thấp hèn, giàu sang hay nghèo khó. Chính những ai lao động siêng năng ở những công việc tìm tòi của họ, và học nhiều, sẽ trở thành cao quý và giàu có, trong khi những ai biếng nhác sẽ trở thành nghèo khó, thấp hèn”.

Toàn nước Nhật cổ vũ cho việc học. Toàn nước Nhật ham mê đọc sách. Phan Châu Trinh đã thấy một nước Nhật như thế và cũng từ đấy thao thức cho tương lai của nước Việt. Đây là cơ sở cho cái nhìn về Nhật Bản của Phan Châu Trinh khác với cái nhìn của Phan Bội Châu. Lịch sử đã chứng minh cách nhìn của Phan Châu Trinh là đúng. Đó là chỉ nên trông cậy ở chính mình và không vọng ngoại.

Những nội dung về việc học của Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh phản đối việc học, việc thi cử lối cũ, như trong bài Chí thành thông thánh, đã nêu:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung…
(Muôn dân nô lệ phường quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ). 

(Lê Ấm dịch, Thơ văn Phan Châu Trinh, NXB Văn học, HN, 1983, trang 88)

Tuy nhiên, Phan không cho Khổng Giáo là hàng rào cản trở, vẫn tin vào sức mạnh của thời đại, của sự nghiệp duy tân. Khi từ quan về Quảng Nam, họp thành bộ ba Phan-Huỳnh-Trần, các ông đã đi mọi nơi, kể cả những nơi xa xôi, hiểm trở như Đèo Le, Tý, Sé. Năm 1905, 1906 là những năm phát triển sâu rộng công cuộc duy tân, trong đó lấy sự học là gốc:

Một người học, muôn người đều biết
Trí đã khôn, trăm việc phải hay
Lợi quyền đã nắm trong tay
Có ngày tấn hóa, có ngày văn minh

(Chiêu hồn nước)

Trong mấy năm thực thi phong trào Duy tân tại quê nhà, hơn 40 trường dạy quốc ngữ, toán, cách trí, địa lý, võ ta… ra đời, làm nức lòng dân chúng. Công đầu phải kể đến Phan Châu Trinh. Khai dân trí, con đường đó, chỉ có một hướng: Bất như học – Chi bằng học.

Với Phan, học là để nâng cao hiểu biết cho nhân dân, chống lối từ chương, nặng về khoa cử, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật, tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, tuyên chiến với chế độ quân chủ, cải cách phong tục tập quán, bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao dân quyền, phát triển sản xuất, phát huy nội lực, tin ở sức mình,…

Hơn một trăm năm trôi qua, nhìn lại tư tưởng cách mạng của Phan về việc học, về vai trò của giáo dục, ta càng thấm thía hơn “vật rất quý tặng cho đồng bào” mà ông gửi trao, đó là: Chi bằng học. Vì thế, rất đồng tình với đánh giá của Nguyên Ngọc: “Ngày nay nhìn lại, ta thấy phong trào Duy tân hồi đầu thế kỷ với Quảng Nam là điểm xuất phát và trung tâm đã để lại cho chúng ta một bài học hết sức sâu sắc về dân trí. Phan Châu Trinh được coi là bộ óc minh mẫn nhất của đất nước đầu thế kỷ XX, có thể nói, ông đã chủ trương và thực hiện một cuộc cách mạng bằng giáo dục” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Giáo dục và dân trí, Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Châu Trinh-1872-2002, trang 112).

Theo Huỳnh Văn Hoa
(Nguồn: Báo Đà Nẵng) 

Facebook Youtube Tiktok Zalo