Đại học Hoa Sen – HSU

Từ “kẻ ăn bám” đến chủ nhân giải Nobel

Làm thế nào mà “kẻ ăn bám” ở một công ty tỉnh lẻ của Nhật Bản lại trở thành nhà khoa học nhận giải Nobel – câu chuyện này đã được GS Shuji Nakamura thuật lại hết sức sinh động trong bài nói chuyện vo tại Diễn đàn Giải thưởng Takeda  năm 2002, khi ông cùng với hai giáo sư khác là Isamu Akasaki và Hiroshi Amano, những người mới đây một lần nữa cùng ông chia giải Nobel Vật lý, được vinh danh với công trình phát triển LED màu xanh và diode laser màu xanh.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ khoa điện tử, Đại học Tokushima [1979], giống như phần lớn các sinh viên khác ở Nhật, tôi muốn được đầu quân cho một công ty lớn, bởi bước chân vào đó, chúng tôi sẽ yên trí có việc làm công ăn lương ổn định cả đời. Thế nhưng số phận run rủi, vì nhiều lý do cá nhân khác nhau, tôi phải ở lại tỉnh Tokushima. 

Vì là tỉnh lẻ nên ở Tokushima không có công ty nào giúp tôi phát huy được chuyên môn điện tử đã học ở trường. Tôi nhờ giáo sư hướng dẫn giới thiệu việc làm, và thế là tôi đến với Công ty Hóa chất Nichia, một công ty nghiên cứu và sản xuất các vật liệu huỳnh quang. Khi ấy, giáo sư của tôi nói: “Anh phải chấp nhận làm trái ngành trái nghề thôi, bởi vì đấy là một công ty hóa chất, chẳng có công việc nào dùng đến cái chuyên môn điện tử của anh đâu. Anh phải nghĩ là mình làm việc để lo cho gia đình.”

Giáo sư Shuji Nakamura 

Vậy là tôi đi làm với tâm thế như vậy. Nichia có 180 nhân viên và doanh thu hằng năm khoảng hai – ba tỉ yên [19 – 27 triệu USD], tất cả đều nhờ vào việc bán các vật liệu huỳnh quang. Tôi được phân vào ban phát triển sản phẩm. Gọi là “ban” cho oai chứ thực ra tất cả chỉ gồm có một vị trưởng ban và hai nhân viên. Có một điều tình cờ là ngay từ khi mới vào ban, tôi đã được giao thực hiện đề tài nghiên cứu phát triển tinh thể cho chất bán dẫn gallium phosphate (GaP). Đây là một tinh thể nổi tiếng, có thể dùng cho các LED màu xanh lá cây và xanh cỏ úa. Và thế là tôi bước vào hành trình phát triển LED. Dù chấp nhận làm trái ngành trái nghề như lời khuyên của giáo sư, song thực tế lại diễn ra khác hẳn, và tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn vì tôi cũng thích nghiên cứu về bán dẫn.

Thời điểm ấy, Nichia vẻ như có thể bị phá sản bất kỳ lúc nào. Năm trước đó, công ty đã phải thực hiện một đợt sa thải lao động và tiết giảm chi tiêu đến mức cần một cái bút chì cũng phải xin chữ ký của trưởng ban. Công ty không có tiền để đầu tư, thậm chí dụng cụ làm thí nghiệm cũng thiếu thốn, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được đề tài nghiên cứu mà công ty đã tin tưởng giao phó.

Hồi đó người ta sử dụng phương pháp Bridgman nằm ngang, yêu cầu người làm thí nghiệm phải đưa nguyên liệu thô vào một ống thạch anh trong suốt. Tôi cũng nghiên cứu các loại sách kỹ thuật, nhưng công việc không mấy tiến triển vì tôi làm việc có một mình. Với một công ty sản xuất thì mục tiêu chính là chế tạo sản phẩm, nên vị trưởng ban thúc giục tôi đưa ra thành phẩm càng sớm càng tốt. Thế là ngày nào tôi cũng lúi húi hàn ống thạch anh, nhồi nguyên liệu thô vào ống rồi đốt nóng ống trong lò, nhưng chúng toàn nổ “bùng”. Vì tôi làm thí nghiệm ở tỉnh lẻ nên những sơ sẩy ấy được cho qua, chứ nếu là ở thành phố thì đã bị cấm cửa ngay lập tức.

Tôi nghiên cứu GaP và ba năm tiếp theo nghiên cứu gallium arsenide (GaAs). Với GaAs, tôi cũng không làm gì khác ngoài việc hàn ống thạch anh. Kể từ khi bước chân vào công ty, hầu như ngày nào tôi cũng hàn ống từ sáng tới tối. Thực chất khi đó tôi chỉ là thợ hàn ống. Tôi cứ nghĩ rằng đời mình thế là xong, và tôi sẽ là thợ hàn ống suốt đời.

Sau khi phát triển vật liệu GaP, tôi lại bắt tay vào việc tìm chỗ bán vật liệu. Tôi thực hiện mọi công đoạn, từ nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kiểm soát chất lượng, cho tới bán sản phẩm; bởi lẽ Nichia là một công ty chuyên về hóa chất, nên không có người am hiểu về chất bán dẫn để có thể giải thích về vật liệu này cho khách hàng. Tôi gõ cửa các công ty vô số lần để chào bán sản phẩm của mình. Sau khi nghiên cứu các đặc điểm của nó, họ nói rằng nó cũng chỉ như sản phẩm của các nhà sản xuất khác, rồi quay sang hỏi tôi về những lợi ích khi mua sản phẩm của Nichia và chất vấn những vấn đề đại loại như quy trình quản lý chất lượng. Có lần có công ty còn yêu cầu tôi giảm giá sản phẩm xuống còn một nửa! Kết quả là tôi không thể bán được quá 1 triệu yên mỗi tháng [khoảng 9 nghìn USD].
 

…………………..

>> Xem tiếp bài viết

 

Theo Bùi Thu Trang lược dịch
(Nguồn: Tia Sáng, ngày 05/11/2014)

Facebook Youtube Tiktok Zalo