Đại học Hoa Sen – HSU

Tự chủ, “chìa khóa” cho sự phát triển của đại học

Tự chủ đại học là một trong những nội dung lớn, trọng tâm của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH). Tuy đã chỉnh lý để hoàn thiện thêm, nhưng khi Dự Luật được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này vẫn cần rà soát để đảm bảo chặt chẽ và thấu đáo.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Trọng Quỳnh

Xu thế tất yếu

Dự Luật được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã quy định cụ thể hơn về nội dung, mức độ, lộ trình, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ trên các mặt về học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị ĐH. Dự Luật cũng làm rõ khái niệm tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH là quyền của cơ sở giáo dục ĐH được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu. Tự chủ cũng đồng nghĩa với việc được tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục ĐH.
Các điều kiện để được tự chủ cũng đã được quy định rõ hơn tại Điều 32 của Dự Luật, trong đó, để được giao quyền tự chủ thì cơ sở giáo dục ĐH phải đạt kiểm định của một tổ chức kiểm định được Nhà nước công nhận.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, tự chủ là xu hướng của giáo dục ĐH. Khi thực hiện xu hướng này thì do “tự chủ tăng lên, chủ quản bị giảm xuống”, nên để bảo đảm việc kiểm soát, Dự Luật quy định cụ thể hơn về mô hình hội đồng trường. Theo đó, hội đồng trường ĐH sẽ quyết định định hướng lớn và giám sát quyền lực của Ban giám hiệu…
Đồng tình với hướng quy định này, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa hội đồng quản trị của ĐH và các trường ĐH, cũng như giữa nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của ban giám hiệu và hiệu trưởng. “Nếu không làm rõ được chỗ này thì rất khó trong vấn đề tự chủ, tự quản, chưa nói đến quản trị, điều hành” – ông Uông Chu Lưu nhận định.
Nên cụ thể điều kiện tự chủ
Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn nữa cơ chế, chính sách, cũng như điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ của mỗi trường ĐH. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất, phải phân định thật rõ, minh bạch quyền tự chủ một cách đầy đủ đối với từng cơ sở giáo dục ĐH công lập đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH tư thục.
Lưu ý đến mô hình ĐH quốc gia, ĐH vùng tiếp tục khẳng định trong Dự Luật này nhưng chưa có quy định cụ thể về quyền tự chủ của các trường ĐH, khoa, viện, trung tâm là thành viên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Vướng mắc lớn trong mô hình các ĐH này là quan hệ pháp lý và quyền tự chủ của các trường, viện thành viên. “Thực tế, ngay trong hai ĐH quốc gia thì những trường thành viên cũng cảm thấy chưa được tự chủ. Vậy mối quan hệ giữa trường thành viên với ĐH quốc gia, ĐH vùng cũng phải quy định rõ trong luật” – Chủ tịch Quốc hội góp ý.
Trước việc Dự Luật có xu hướng tập trung quyền vào hội đồng trường, một số ý kiến lo ngại, liệu có biến cơ quan này thành cơ quan quản lý nhiều quyền lực. Trong Dự Luật không làm rõ được vị trí, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng. Do đó, phải hoàn thiện quy định này, vừa bảo đảm thực quyền của hội đồng trường, song cũng bảo đảm quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH.
Như các ý kiến nhận định, tự chủ ĐH không phải vấn đề mới được đặt ra, nhưng vì chưa được quy định cụ thể trong luật hiện hành nên chưa mang lại hiệu quả cao khi triển khai. Vì thế, việc nghiên cứu, hoàn thiện và giải trình thấu đáo các quy định này trong Dự Luật sẽ giúp tự chủ thực sự trở thành “chìa khóa” cho sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH.

Nguồn: Nguyễn Vũ/Kinhtedothi.vn

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo