TS Thái Thị Ngọc Dư: “Đừng rơi vào cái bẫy có tên bí ẩn nữ tính!”
Phụ nữ phải có sự nghiệp, công việc, có thu nhập hay chỉ thuần túy thuộc về gia đình, là “hậu phương” của người đàn ông như định kiến xã hội?
Giờ tôi nhìn nhận phong trào bình đẳng của phụ nữ chỉ đơn giản như giai đoạn cần thiết đầu tiên của một cuộc cách mạng vai trò giới tính rộng lớn hơn nhiều. Tôi chẳng bao giờ nhìn nhận nó về mặt giai cấp hay chủng tộc kiểu: phụ nữ, với tư cách giai cấp bị áp bức, đang đấu tranh nhằm lật đổ hay cướp quyền từ tay nam giới, như một giai cấp, như những kẻ đàn áp cả. Tôi biết phong trào phải bao gồm cả nam giới như những thành viên bình đẳng, dù phụ nữ sẽ phải lãnh đạo trong giai đoạn đầu”. (trang 530, Bí ẩn nữ tính, Betty Friedan)
Phụ nữ phải có sự nghiệp, công việc, có thu nhập hay chỉ thuần túy thuộc về gia đình, là “hậu phương” của người đàn ông như định kiến xã hội? Làm thế nào để có một cuộc sống ý nghĩa hơn cho phụ nữ?
Những điều đó đã được tác giả Betty Friedan trả lời trong cuốn Bí ẩn nữ tính – ấn hành tại Mỹ lần đầu vào năm 1963 và lập tức tạo được dư luận; thúc đẩy việc thay đổi vị thế người phụ nữ trong xã hội Mỹ. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách trên ra mắt quý III-2015.
Có thể xem đây là một sự kiện quan trọng đối với những ai quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam đương đại. Tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư – một chuyên gia nghiên cứu về nữ quyền, bình đẳng giới đã có cuộc chuyện trò với phóng viên báo Phụ Nữ.
* Thưa bà, “bí ẩn nữ tính”, theo Betty Friedan, chính là những diễn ngôn, tri thức, nhận thức cầm buộc phụ nữ trong không gian chật hẹp của đời sống gia đình và sau đó là bản thân họ tự huyễn hoặc: hạnh phúc khi chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ hay đau khổ khi đánh mất những cái gọi là “thiên chức” đó. Hiện tượng “bí ẩn nữ tính” trong cách nói của Betty Friedan về phụ nữ Mỹ thập niên 1950-1960 có đang là vấn đề của phụ nữ trong xã hội Việt Nam hôm nay?
– Thật khó khi chúng ta muốn đề cập đến phụ nữ trong xã hội Việt Nam hôm nay nói chung, vì giới nữ không phải là một tập thể thuần nhất mà là một tập hợp đa dạng, khác biệt nhau tùy hoàn cảnh kinh tế xã hội, nghề nghiệp, trình độ học vấn, giáo dục gia đình và nhất là sức mạnh, ý chí của bản thân từng phụ nữ.
Tuy vậy, khi đọc Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan, tôi không khỏi liên tưởng đến tình trạng của một bộ phận phụ nữ Việt Nam, dưới tác động của định kiến xã hội về vai trò chính của nữ giới là chăm lo gia đình, vai trò làm vợ làm mẹ như người ta thường nói, dễ có xu hướng chấp nhận ở nhà, không cần có nghề nghiệp để có một vai trò dù khiêm tốn trong xã hội.
Trong tình hình hiện nay, khi kinh tế của Việt Nam phát triển hơn, tầng lớp trung lưu và giàu có trở nên đông đảo hơn, thì cái bẫy “hạnh phúc gia đình” mà “bí ẩn nữ tính” nêu ra càng hiện thực hơn.
Mặt khác, tôi nhận thấy có sự khác biệt giữa tình trạng của phụ nữ Việt Nam hiện nay và phụ nữ Mỹ thập niên 1950- 1960. Phụ nữ Việt Nam từ xưa đã có truyền thống bươn chải, làm việc cật lực để nuôi sống gia đình, nên họ cho rằng phụ nữ cần làm việc, cần có thu nhập là điều đương nhiên.
Đạm Phương nữ sử, nhà nữ quyền tiên phong của Việt Nam đầu thế kỷ XX đã cổ vũ cho việc học chữ và học nghề của phụ nữ. Bà từng nói với con cháu một câu rất giản dị mà sâu sắc: “Con gái phải học và có một nghề để sau này nuôi con”.
Vì vậy, việc phụ nữ mong được học để có một nghề nghiệp là mục đích của bản thân họ và của gia đình, phần lớn phụ nữ có học không chấp nhận chỉ là nội trợ mà luôn có khát vọng nghề nghiệp, vươn ra ngoài xã hội.
Nếu xã hội Việt Nam và ý chí của bản thân phụ nữ nuôi dưỡng được mục đích “phụ nữ nghề nghiệp” như Betty Friedan có bàn đến thì hy vọng phụ nữ Việt Nam không bị rơi vào tình trạng trầm cảm và những trục trặc khác trong đời sống do “vấn đề không tên” đã từng gây ra cho phụ nữ Mỹ.
* “Tôi muốn thứ gì đó hơn chồng con và tổ ấm của mình” – tự vấn này không hẳn chỉ của riêng nhân vật trong tác phẩm của Betty Friedan?
– Đọc Bí ẩn nữ tính, tôi có suy ngẫm về câu nói trên. Những phụ nữ có trình độ học thức đó muốn thêm điều gì khác nữa chứ không phải chối bỏ tình yêu, chồng con, hạnh phúc gia đình để chọn lấy sự nghiệp.
Họ thấy cuộc sống của họ không viên mãn nếu chỉ có gia đình mà không có hoạt động nghề nghiệp. Có thể cảm nhận một Betty Friedan rất quyết liệt, sắc bén trong những phân tích, phê phán của mình đối với thuyết tính dục của Freud, thuyết chức năng luận và cách nhìn nhị nguyên của nhiều tác giả.
Nhưng, Betty Friedan không cực đoan, bà đã phá bỏ ngộ nhận nữ quyền là chống vai trò làm vợ làm mẹ. Bà đã lập luận một cách tinh tế rằng người phụ nữ có nghề nghiệp hoàn toàn không loại trừ, không đối kháng với tình yêu và gia đình.
Bà cho rằng phụ nữ có nghề nghiệp là quyền làm người của giới nữ, giúp giới nữ vượt lên từ tình trạng đối tượng của tính dục lên thành một con người thực sự.
Bà cũng phá tan ngộ nhận rằng các bà chủ trương nữ quyền thường khô khan, lãnh cảm, bằng cách đưa ra những minh chứng có tính thuyết phục cao là những phụ nữ càng thành công trong nghề nghiệp thì càng đạt được sự viên mãn tình dục.
* Vậy nữ quyền thật ra đâu chỉ là những đòi hỏi phân chia lại lao động trong gia đình, trong xã hội ở góc độ thuần túy xã hội học?
Tất nhiên là nữ quyền, nói đơn giản hơn là bình đẳng nam – nữ hay bình đẳng giới, không chỉ là phân chia lại vai trò trong gia đình và xã hội; ta có thể xem việc thay đổi vai trò là kết quả của tiến trình thực hiện bình đẳng giới.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc vận động thực hiện bình đẳng giới, tri thức về bình đẳng giới đã được phổ biến ngày càng rộng rãi, nhưng còn nhiều rào cản và định kiến về vai trò của nam giới và nữ giới, còn sự e ngại của nam giới và cả của nữ giới về một sự thay đổi vai trò, thay đổi trật tự xã hội.
Có thể nam giới sợ mất uy quyền, mất sự thống trị của mình; có thể nữ giới chịu tác động của mô hình văn hóa trọng nam khinh nữ lâu đời nên không hy vọng cải tiến được các mối quan hệ.
* Tôi vừa đọc một thống kê điều tra tại Việt Nam cung cấp con số giật mình: hơn 50% phụ nữ chấp nhận bị chồng đánh, 70% người đứng đơn ly hôn là phụ nữ. Bà bình luận gì về điều này, trong tương quan với “bí ẩn nữ tính” mà cuốn sách nêu ra?
– Dường như phụ nữ Việt Nam chấp nhận chịu đựng nhiều hơn. Dư luận xã hội cũng khuyến khích, khen ngợi “đức tính” chịu đựng này. Tôi thấy chuyện này không có mối liên hệ với những phụ nữ Mỹ được mô tả trong Bí ẩn nữ tính, họ đòi hỏi nhiều hơn, có khi “hung hãn” hơn, nhưng một khi thức tỉnh khỏi sự huyễn hoặc, họ đã can đảm rũ bỏ cuộc đời cũ.
Điều này có tương quan với việc phụ nữ đứng đơn ly hôn mà bạn nêu ra. Điều này phản ánh tình trạng hôn nhân của những phụ nữ này đã quá sức tồi tệ, đồng thời họ có ý chí muốn thoát ra khỏi sự tồi tệ đó, không còn e ngại dư luận xã hội.
Đã lâu lắm rồi, khi tôi làm hội thẩm nhân dân ở Tòa án TP.HCM, có một vị thẩm phán nói: “Khi một phụ nữ đứng đơn xin ly hôn thì tôi thường giải quyết theo nguyện vọng của họ, vì phụ nữ Việt Nam không ai muốn gia đình tan vỡ, nếu họ phải xin ly hôn thì có nghĩa là tình trạng gia đình của họ đã quá sức tồi tệ rồi”.
Tôi nghĩ, phụ nữ ngày nay có một quan niệm về gia đình linh hoạt hơn, họ cũng có tinh thần tự lập, tự lo cho hạnh phúc của bản thân tốt hơn, nên việc phụ nữ đứng đơn xin ly hôn trở thành một điều bình thường.
* Ngoài sự chấp nhận, chịu đựng của phụ nữ, thì có một sức ì nào khác trong nhận thức về phụ nữ ở nhiều xã hội?
– Tôi nhận thức được sức ì, sự tồn tại dai dẳng của não trạng coi thường nữ giới của xã hội ngày nay. Ngay như nước Mỹ giàu có, văn minh, đã có phong trào nữ quyền lừng lẫy, vẫn có lúc thoái trào vào chính giai đoạn phụ nữ Mỹ đã đạt được nhiều quyền, đã có vị thế bình đẳng với nam giới.
Sự thịnh vượng của xã hội không đi đôi với sự công bằng hay nhận thức về công bằng. Chúng ta cần luôn nuôi dưỡng và phát triển cả nhận thức lẫn hành động về bình đẳng giới.
* Xin cám ơn bà.
Theo Nguyễn Tường
(Nguồn: Phunuonline, ngày 20/10/2015)
TS Thái Thị Ngọc Dư là tác giả nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới: Giới và phát triển, Những người phụ nữ nghèo trước thềm hiện đại hóa, Đô thị hóa, khủng hoảng sinh thái và phát triển bền vững, Kinh tế phi chính quy… Bà hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và xã hội của ĐH Hoa Sen.