Đại học Hoa Sen – HSU

Trường ĐH Hoa Sen tổ chức sinh hoạt học thuật “Mạn đàm thứ 6 –Friday Chat”

Ngày 8/1/2021, không gian sinh hoạt học thuật định kỳ mang tên “Mạn đàm thứ Sáu – Friday Chat” được Ban Tu Thư trường Đại học Hoa Sen tổ chức ra mắt tại trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng.

Tham dự chương trình, về phía khách mời, có sự tham dự của: Ông Lê Thái Hỷ, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông TpHCM; Ông Thái Bá Cần, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Hoa Sen; TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam Học Hà Nội; Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc; TS Nguyễn Hồng Cúc; Ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc công ty Sách Thời Đại; Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia sự thật; Ông Hoàng Phú Phương, Tổng biên tập Công ty Xuất bản Văn Lang; Nhóm Chủ biên và tập thể Dịch giả Bộ sách Lịch sử triết học; Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn;

Về phía đại diện trường ĐH Hoa Sen, có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Huy, Phó Hiệu trưởng; Cô Quách Thu Nguyệt, Trưởng Ban xuất bản Đại học Hoa Sen; TS. Nguyễn Thị Từ Huy cùng các học giả nghiên cứu và báo đài đến đưa tin sự kiện này.



PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen chia sẻ việc triển khai Mạn đàm thứ 6 – Friday Chat sẽ là kênh giao tiếp chủ lực của Ban Tu thư với công chúng bên cạnh những kênh giao tiếp hiệu quả khác như Gian hàng sách của Ban Tu Thư tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Tủ sách của ĐH Hoa Sen và đối tác, Mạng xã hội …Chủ đề của buổi Mạn đạm “Triết học là gì” cũng không hề ngẫu nhiên vì gắn đến sự ra đời Bộ sách Lịch sử triết học, có sự tham gia của các thành viên Ban Tu Thư và việc thành lập Bộ môn Triết Học tại trường Đại học Hoa Sen.


Cô Quách Thu Nguyệt, Trưởng Ban xuất bản Đại học Hoa Sen. 

“Mạn đàm thứ 6, một kênh nữa chúng tôi muốn gắn kết không gian sinh hoạt học thuật. Chúng tôi mong rằng buổi trò chuyện hôm nay sẽ thoải mái, mặc dù đề tài hết sức “khô khan”. Đặc biệt đối với các bạn trẻ là sinh viên Hoa Sen nói riêng, người trẻ Việt nói chung, hãy xem đây là “lớp học thứ hai” ngoài giờ học chính thống trên trường lớp, có cơ hội được tiếp xúc, gặp gỡ, và học hỏi những bậc trí thức đang làm việc thực tế ngoài kia như một sự tiếp nối của thế hệ, nhằm phục vụ triết lý giáo dục mà trường Đại học Hoa Sen theo đuổi: Nhân bản – Khai phóng. Buổi Mạn đàm thứ 6 đồng thời sẽ là kênh thông tin giúp chúng tôi đo được nhu cầu của người học.” Cô Quách Thu Nguyệt, Trưởng Ban xuất bản Đại học Hoa Sen cho biết thêm. 


Ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc công ty Sách Thời Đại

Như tên gọi, “Mạn đàm thứ Sáu – Friday Chat” sẽ tổ chức định kỳ vào thứ Sáu, từ 17h ngay tại tầng G trường Đại học Hoa Sen (số 8 Nguyễn Văn Tráng, Q. 1). Đây sẽ là nơi chia sẻ, trao đổi và học tập kinh nghiệm của các bậc trí thức, các nhà nghiên cứu, các thầy, cô và anh, chị hoạt động trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, khoa học và công nghệ. Tất cả cùng ngồi lại lắng nghe và thảo luận về các vấn đề liên quan đến sự tiến bộ của cuộc sống và cộng đồng.


Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn (thứ 2, từ trái qua) và Ông Thái Bá Cần, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hoa Sen (thứ 3, từ trái qua).

Số đầu tiên của “Mạn đàm thứ Sáu – Friday Chat” được tổ chức với chủ đề “Triết học là gì?” được thực hiện bởi hai diễn giả: Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn và Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy. Theo các diễn giả, người Hy Lạp định nghĩa triết học là “tình yêu đối với sự thông thái”. Về sau Deleuze lại định nghĩa “triết học là nghệ thuật hình thành, sáng tạo, chế tác các khái niệm”. Đối với Aristote, triết học có nhiệm vụ truy tìm căn nguyên của sự vật hiện tượng trên đời này. Nhưng Hobbes lại nhìn thấy nhiệm vụ của triết học trong việc hướng đạo cho các mục tiêu hành động. Vậy rốt cuộc triết học là gì? Chính Deleuze cũng nhận xét rằng “Triết học có tính nghịch lý từ trong bản chất của nó”. Thế nên, để hiểu triết học là gì nhất thiết phải biết về lịch sử triết học.


TS. Nguyễn Thị Từ Huy và Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn

Đây cũng là sự kiện hợp tác giữa Trường Đại học Hoa Sen và Công ty Sách Thời Đại, nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt bộ “Lịch sử Triết học” của Johannes Hirschberger (Công ty sách Thời Đại & NXB Tri Thức, 2020).

Chương trình Mạn đàm thứ Sáu vào tuần sau với chủ đề: Giành lại không khí sạch cho hành tinh chúng ta sẽ diễn ra vào thứ sáu, 15/01/2021, nhân dịp ra mắt cuốn sách “Giành lại không khí sạch” của Tim – Smedley, nhà báo về môi trường, đây là tác phẩm đầu tay được giải thưởng Science Book Prize của ông.

Buổi Mạn đàm sẽ có sự xuất hiện của một diễn giả đặc biệt, bà là nhà hoạt động về môi trường, anh hùng môi trường, nhà sáng lập Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GREENID, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao giải Climate Breakthrough Project (2 triệu đô USD) – nhà báo Mai Quốc Ấn.

Bên cạnh đó, bộ môn Triết học sẽ mở một lớp đào tạo ngắn hạn về triết học về Doanh nghiệp và Doanh nhân do thầy Bùi Văn Nam Sơn giảng dạy bắt đầu vào tháng 03/2021. Thông tin cụ thể sẽ có trên các phương tiện truyền thông của trường Đại học Hoa Sen.

ĐÔI NÉT VỀ DIỄN GIẢ BÙI VĂN NAM SƠN:

Triết gia và dịch giả Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông là một bộ óc khổng lồ về tri thức triết học, biết thành thạo nhiều thứ tiếng: Đức, Anh, Pháp, Hoa. Ông được mời thỉnh giảng môn triết học tại nhiều trường đại học và cũng là một dịch giả của nhiều tác phẩm khoa học xã hội và triết học kinh điển. Ông đã dịch và chú giải ba tác phẩm kinh điển của Immanuel Kant: “Phê phán lý tính thuần túy” (2004), “Phê phán năng lực phán đoán”, “Phê phán lý tính thực hành” (2007), cũng như của Friedrich Hegel: “Hiện tượng tinh thần học” (2006), “Khoa học logic” (2008).

Từ năm 1964 đến 1968 ông học triết học tại đại học Văn Khoa Sài Gòn. Từ năm 1968 ông sang Đức du học khoa Triết tại trường đại học J.W.Goethe, Frankfurt/Main. Ông là học trò của hai nhà triết học hàng đầu thế giới là Karl Otto Apel (1922 – 2017) và Habermas (sinh năm 1929). Sau 30 năm sống và làm việc ở Đức, ông Bùi Văn Nam Sơn đã quay về sinh sống tại Việt Nam. Hiện tại ông sống tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2007 ông đã được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh cho bản dịch “Phê phán lý tính thuần túy” của Immanuel Kant.

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo