Đại học Hoa Sen – HSU

Trường ĐH Hoa Sen thành lập Khoa Logistics và Thương mại quốc tế

Thực hiện định hướng phát triển Đại học ứng dụng và giáo dục khai phóng, mang đến cho người học những chương trình học đạt chuẩn quốc tế, đào tạo người học đáp ứng tốt các nhu cầu của thị trường nguồn nhân lực, Trường Đại học Hoa Sen đã thành lập Khoa Logistics và Thương mại Quốc tế (Faculty of Logistics and International Trade) từ ngày 02/08/2021.

Khoa Log & TMQT đào tạo 03 chương trình: Kinh doanh quốc tế, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, và Thương mại điện tử. 


TS. Phạm Thị Bích Ngọc được bổ nhiệm làm Q.Trưởng khoa Logistics và Thương mại Quốc tế

TS. Phạm Thị Bích Ngọc được bổ nhiệm làm Q.Trưởng khoa, là giảng viên lâu năm, có nhiều hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và training trong lĩnh vực Thương mại quốc tế. Cô đã từng đảm trách các vị trí: Phó khoa Khoa Kinh tế & Quản trị; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển và Kinh tế ứng dụng của Đại học Hoa Sen. 

Đội ngũ giảng viên Khoa có nhiều kinh nghiệm làm việc ở vai trò quản lý, trải nghiệm từ thực tế doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia. Một số giảng viên là chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, tư vấn cho đơn vị Nhà nước, được mời giảng ở các chương trình quốc tế, đại học quốc tế tại TP.HCM. Giảng viên còn tham gia nghiên cứu dự án Quốc gia, công bố nghiên cứu trên tạp chí, và báo cáo hội thảo trong nước, quốc tế. Với nền tảng được đào tạo từ nước ngoài, nhiều kinh nghiệm giảng dạy và công tác thực tiễn, đội ngũ sẽ mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức và kỹ năng trong quá trình học tập.

Theo TS. Lâm Thanh Phi Quỳnh, Giám đốc chương trình Kinh doanh Quốc tế (International business), chương trình cung cấp kiến thức về nền tảng môi trường kinh doanh quốc tế, các nghiệp vụ, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia từ quản trị hợp đồng xuất nhập khẩu, vận tải và bảo hiểm quốc tế, thanh toán quốc tế … và các kỹ năng đàm phán thương lượng, tổ chức dự án kinh doanh. Sinh viên có nhiều cơ hội thực tập thực tế tại các doanh nghiệp đa quốc gia, học mô phỏng, nghiệp vụ thực tiễn tại đơn vị hệ thống Cảng TP.HCM và các doanh nghiệp. Sinh viên có nhiều cơ hội được tiếp cận với môi trường công việc thực tế và được rèn luyện nghiệp vụ chuyên môn từ chính các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực như Công ty phát triển nguồn Nhân lực Tân Cảng – STC, Viện nghiên cứu và phát triển Logistics, Công ty cổ phần đào tạo Việt Thành Công (công ty đào tạo nhân lực trực thuộc Sacombank), Công ty cổ phần Công Nghệ ATALINK. Ngành nghề đa dạng đáp ứng nhiều vị trí ở doanh nghiệp, lương cao, làm từ nhân viên đến quản lý hoạt động kinh doanh quốc tế và xúc tiến thương mại ở các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức quốc tế, ngân hàng, hoạt động tài chính, dự án đầu tư, thanh toán quốc tế, kinh doanh hãng tàu và các ngành nghề phụ trợ.

Cô Trần Thị Trúc Lan, Giám đốc chương trình Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng nhận định đây là một trong những ngành “hot” đối với các sinh viên hiện nay. Trong điều kiện Việt Nam ngày càng mở cửa giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia ngày càng nhiều vào các Hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA…. Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng XNK hàng hóa ra thị trường thế giới. Cùng với sự phát triển của ngành thương mại điện tử, cần có khâu trung gian đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đây chính là hai tiềm năng lớn thúc đẩy ngành Logistics phát triển. Hiện nay có nhiều đối tác chiến lược đang cùng cộng tác với Trường Đại học Hoa Sen trong lĩnh vực Logistics, trong đó có chương trình quốc tế FIATA, đây là cơ hội lớn để sinh viên có những trải nghiệm và học tập từ thực tế.  Ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng đào tạo kiến thức, kỹ năng thực hành và năng lực quản lý Logistics và vận hành chuỗi cung ứng cho lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và kinh doanh quốc tế một cách hiệu quả. Sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng quản lý Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, cũng như điều hành hệ thống giao nhận, vận tải, kho vận…từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu hóa trong Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Trong xu thế TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành trung tâm Logistics hàng đầu trong cả nước và khu vực, sinh viên sẽ có khả năng có việc làm cao khi ra trường.

Theo giám đốc chương trình Thương mại Điện tử, Thầy Phạm Thái Kỳ Trung: Chúng ta dễ dàng nhận thấy, Internet đang làm thay đổi hầu như tất cả các hoạt động của con người, cũng như đã và đang tạo ra một môi trường kinh doanh toàn cầu mới. Sự hiểu biết về Công Nghệ Thông Tin (CNTT) và Internet cũng như sự tác động của CNTT & Internet vào kinh doanh là rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh trong thời gian qua vì dịch bệnh COVID-19 cũng như trong những thập kỷ tới. Đặc biệt khi Internet trở thành sẵn có trong cuộc sống và các thiết bị có khả năng tự kết nối Internet, chắc chắn rằng Thương Mại Điện Tử (TMĐT) sẽ trở thành một trong những hoạt động thị trường quan trọng nhất trong nền kinh tế thế giới. 

Ngành TMĐT ra đời như một xu hướng tất yếu vì sự phát triển của Kinh doanh và Thương mại Quốc tế đều ứng dụng TMĐT cộng thêm sự phát triển của ngành Logistics. Chương trình đào tạo của ngành TMĐT không những bao gồm Kinh doanh Quốc tế, Logistics, mà còn các mảng kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh (Hệ thống thông tin doanh nghiệp, ERP), nghiệp vụ điện tử (e-business, e-commerce, e-marketing, e-logistics, e-retailer, e-supply chain, e-CRM) và ứng dụng khoa học dữ liệu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm các công việc: Tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và quản lý các hoạt động kinh doanh qua mạng, công việc liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử. Tư vấn các công cụ điện tử trong giao dịch thương mại quốc tế. Hoạch định chính sách phát triển thương mại điện tử. Xây dựng và quản trị hệ thống giao dịch thương mại.

Ba chương trình dẫn đầu xu thế việc làm hiện nay sẽ được Khoa Logistics và Thương mại Quốc tế chú trọng xây dựng nhiều khóa học bằng tiếng Anh, hướng tới xu thế quốc tế hóa, sinh viên có quyền lựa chọn các môn học bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh tùy vào khả năng tài chính.

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo