Trồng người – đừng sai lầm nữa.
“Chúng ta đang làm cái gì thế?”. Đó là câu hỏi mà tôi luôn tự hỏi mình và mọi người. Chúng ta đã và đang làm gì với xã hội của chúng ta?. Chúng ta đang giết chết chính mình và thế hệ sau với những hành động thiển cận, vụ lợi trong khi luôn tự hào là con cháu cụ Hồ kính yêu. Hãy cho tôi một niềm tin! Hãy chấn chỉnh ngay ý thức giáo dục con người vì những gì Bác đã làm cho chúng ta! Hãy làm cho Bác vui vì chúng ta đã thực hiện lời dạy “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Hãy làm đi vì đã quá cấp thiết rồi!
Sự nghiệp trồng cây, trồng người. |
Mới chỉ hơn tám tháng học và sinh sống ở đất Mỹ xa xôi, tôi nhận thấy kiến thức trong sách vở không quan trọng bằng hiểu biết về cách con người ở đây xây dựng xã hội của họ. Cách tiếp cận cuộc sống bằng năng lực bản thân làm cho tôi ấn tượng bởi vì chúng tôi – những sinh viên Việt Nam chưa được rèn dũa nhiều ở khía cạnh này mặc dù lòng tự trọng, tự tôn của chúng ta luôn ở mức cao nhất.
Đầu tiên là tính trung thực. Sự quan sát của tôi không xa xôi mà ngay tại chính các lớp học của mình. Có thể một lớp học chưa đại diện cho toàn bộ xã hội Mỹ, nhưng phần nào nó cũng cho tôi biết một khía cạnh đời sống ở đây. Trong các buổi kiểm tra tôi nhận thấy trong lớp luôn hình thành hai tập hợp. Tập hợp các sinh viên Châu Á (trong đó có tôi) luôn là người ngồi lại đến cuối buổi thi. Tập hợp các sinh viên Châu Âu và Mỹ luôn là người về sớm hơn. Nếu dựa trên các đề thi mà tôi đã trải qua, chúng tôi chỉ nên làm ¾ thời lượng cho phép của giáo sư. Nhưng điều tôi ấn tượng là cách hành xử của sinh viên Âu và Mỹ. Họ có thể kết thúc bài làm trong khi không thể hoàn tất toàn bộ vì nó nằm ngoài kiến thức của họ. Đối với chúng tôi – sinh viên Châu Á thì lại khác. Chúng tôi luôn ngồi đến cuối buổi, với mục tiêu hoàn thành một cách tốt nhất bài làm của mình. Một số cố gắng suy nghĩ và tìm các cách có thể để giải quyết bài kiểm tra. Một số bạn trông chờ sự giúp đỡ của bạn bè, hoặc quay cóp từ sách, tài liệu, dùng điện thoại và các thiết bị công nghệ cao để kiếm thông tin, trong khi giáo sư trông đợi ở chúng tôi sự tự giác. Với mục tiêu đạt điểm số (GPA) cao trong các kỳ thi, một số trong chúng tôi đã xem nhẹ luật lệ của trường và thậm chí là tư cách đạo đức của mình.
Nhân cách là điều cơ bản của chúng ta, đừng quên nó vì bất cứ lý do nào. |
Về sự khác biệt giữa hai nhóm người, tôi nghĩ đến cách mà chúng tôi được giáo dục. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi được dạy rất nhiều bài học đạo đức trong nhà trường nhưng sao chúng tôi lại hành xử quá khác biệt. Đúng là các bài đạo đức là đa dạng nhưng môi trường xã hội lại là tấm gương phản chiếu khác và chúng tôi đã được nuôi dưỡng như thế với tinh thần “bon chen” không ngại “thủ đoạn”. Nó không chỉ là việc làm của “người lớn” mà còn là thước đo cho “bọn trẻ con” chúng tôi, để giờ đây chúng tôi đang là tấm gương phản chiếu cho điều đó. Rồi chính chúng tôi sẽ lại tấm gương cho các thế hệ sau. Một sự thật đáng buồn.
Tôi còn nhớ lắm hồi xưa, phía cuối mỗi lớp đều trân trọng treo bảng “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên”. Đó là sự thể hiện lòng kính trọng của chúng ta với vị lãnh tụ vĩ đại. Nhưng giờ đây hình ảnh ấy chỉ làm chúng ta thấy buồn vì sự thực nền giáo dục đang làm nhiều điều ngược lại với mong muốn của Bác. Chuyện về cán bộ coi thi tham gia vào hoạt động ném “phao” ở một trường học đang râm ran mấy ngày vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho nền giáo dục của chúng ta hiện nay. Chẳng lẽ chúng ta đã quên nhiệm vụ “trồng người” rồi sao? Hay “bệnh thành tích” đang làm chúng ta lạc lối? Chúng ta đang hiểu sai về “Thi đua dạy tốt – học tốt” rồi sao! Hãy nghĩ về “tương lai” của con em chúng ta mà tự thay đổi bản thân và gia đình – yếu tố cơ bản của xã hội.
Thi đua dạy tốt và học tốt “thực sự”. |
Về cách dạy con người bằng cách vận động của xã hội, tôi thấy sự khác biệt ở môi trường mới là sự năng động. Ở đây, gia đình, trường học và môi trường xã hội đã thúc đẩy con em, học sinh, sinh viên phải tự dấn thân vào các hoạt động thường ngày. Việc học không chỉ ở trong lớp học, con em – học sinh – sinh viên luôn được khuyến khích tham gia các công việc phù hợp lứa tuổi. Để làm được điều này, gia đình, trường học, các công ty và xã hội luôn tạo nhiều cơ hội cho lứa trẻ. Đó có thể là những công việc giản đơn nhưng làm cho học sinh – sinh viên thực sự được rèn luyện. Điều đó thực sự rất khác biệt với cách hành xử của đại đa số chúng tôi – những người luôn được cha mẹ và xã hội dồn sức cho học tập “trong trường lớp” với tôn chỉ “vì sự nghiệp con em chúng ta”. Sự “bao bọc” của gia đình và xã hội như thế chỉ đang làm cho chúng tôi và thế hệ sau ỷ lại vào mọi thứ. Đến khi nào chúng tôi mới biết tham gia vào các công việc bình thường hay chúng tôi chỉ mơ về các danh vị kỹ sư, bác sĩ, theo lời dạy của V.I. Lê-Nin “học, học nữa học mãi”. Tất nhiên so sánh hai xã hội là khập khiểng nhưng đó là điều mà tôi học được bên cạnh kiến thức sách vở.
Hãy để con em chúng ta tự tin bước đi, đừng “bao bọc” quá nhiều nữa. |
Nói về giáo dục không phải bởi vì khi đi xa tôi nhìn lại với ánh mắt “đánh giá”, tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ của mình và mong muốn mọi người hãy bắt đầu thay đổi như chính tôi đang thay đổi. Tôi – một sản phẩm của “sự học” trong sự “bao bọc” ấy, muốn, đang và sẽ thay đổi để không chỉ giúp ích cho sự phát triển con người mình mà còn là tấm gương cho những đứa con của tôi sau này. Còn bạn thì sao?
Theo Lê Đức
(Nguồn: www.sinhvienboston.org)