Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân là một họa sĩ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, một. trong những người đặt nền móng xây dựng nền hội hoạ Việt Nam thế kỉ 20. Ông có bút danh là Tô Tử và Ái Mỹ. Tô Ngọc Vân sinh ngày 15 tháng 12, 1906 tại Hà Nội lớn lên tại đây, quê gốc tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Tô Ngọc Vân tốt nghiệp khóa II năm 1931, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Ông vẽ phong cảnh nhiều nơi đã đi qua như Phnom Penh, Bangkok, Huế…
Cùng Nguyễn Gia Trí, ông luân phiên làm việc với báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn: vẽ tranh, minh họa. Ông cũng viết bài phê bình các phòng tranh, và các bài về Mỹ thuật như Quan niệm về Mỹ Thuật: Coi Tranh (Ngày Nay số 196). Khen (Ngày Nay số 199)…
Những tranh bìa báo Tết Ngày Nay của hai ông là những bức tuyệt đẹp, tới nay còn được bán đấu giá tại các buổi bán tranh quốc tế, cho dù đó chỉ là những bức tranh in lại.
Các họa sĩ tuy không ở trong Văn đoàn, nhưng cùng các thành viên trong tòa soạn Phong Hóa và Ngày Nay, họ họp thành một nhóm rất thân thiết và gắn bó. Những bức tranh hý họa chính trị do ông vẽ, lấy ý từ những buổi họp làm việc chung của Tự Lực Văn Đoàn còn làm nhiều người ba phần tư thế kỷ sau phải xuýt xoa, như bức tranh Lý Toét “Tam anh chiến nhất bố” trong Phong Hóa số 190…
Sau khi Ngày Nay bị đóng cửa năm 1940 ông làm việc cho báo Thanh Nghị. Tô Ngọc Vân là một trong bốn người sinh viên xuất sắc nhất của bốn lớp tại trường Mỹ Thuật Đông Dương được Cụ hiệu trưởng Victoir Tardieu cho học vẽ sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam (Lê Phổ – khóa I, Tô Ngọc Vân – khóa II, Lê Thị Lựu – Khóa III và Nguyễn Cát Tường – Khóa IV) . Ông còn được xem là một trong Tứ Trụ của nền hội họa Việt Nam: “nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn” gồm Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn. Năm 1934, Ông cùng họa sĩ Lê Phổ và Trần Quang Trân phụ giúp họa sĩ Nguyễn Cát Tường trong phong trào cải tiến Y Phục Phụ nữ Tân Thời để xuất bản Ấn Bản ĐẸP. Tô Ngọc Vân vẽ hình bìa và viết bài Mầu Áo với Sắc Mặt, Lê Phồ vẽ Đồ Trang Sức và Trần Quang Trân chỉ dẫn cách chọn mầu chỉ thêu. Từ 1935 đến 1938 ông dạy học vẽ ở trường trung học Phnom Penh, đến 1938 được đổi về Hà Nội dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tới 1945. Lúc này ông giảng dạy trong trường, và sáng tác rất sung sức.
Những tác phẩm đầu tiên của ông về phong cảnh, tuy cũng được sự chú ý của giới yêu mỹ thuật, nhưng những bức tranh vẽ chân dung thiếu nữ mới làm ông thật sự nổi tiếng.
Tranh bìa Xuân Ngày Nay 1940 số 198 |
Tháng 9, năm 1950, họa sĩ Tô Ngọc Vân có được quyết định thành lập trường Mỹ Thuật ở Việt Bắc và trở thành người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Mỹ Thuật.
Ông đã đào tạo được nhiều họa sĩ trong khóa Mỹ Thuật kháng chiến tại miền Việt Bắc.
Ông mất ngày 17 tháng 6 năm 1954 ở Bản Hoi nay thuộc xã Tân Thịnh, cách Ba Khe về phía Tây theo đường mòn chừng 3 km, tỉnh Yên Bái, trong một chuyến dẫn sinh viên đi vẽ phong cảnh ngoài trời, ông đã bị đất và đá đè khi phi cơ Pháp thả bom. Nhà Danh Họa đã được yên nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch, trên đường Hà Nội đi Hà Đông. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông quá ngắn ngủi trong khi tài năng đang độ sung mãn.
Thiếu nữ bên hoa huệ, Tô Ngọc Vân |