Thầy Lê Xuân Giang và những sa bàn chiến tranh
Những cuộc chiến tranh lớn trên thế giới hay ở Việt Nam đã được giảng viên Lê Xuân Giang ngành Thiết kế Đồ hoạ, khoa Thiết kế và Nghệ thuật, tái hiện sinh động qua mô hình trên sa bàn.
Hoạ sĩ Lê Xuân Giang, giảng viên ngành Thiết kế Đồ hoạ, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen có đam mê thiết kế sa bàn rất mãnh liệt. Sau giờ giảng, thầy lại tỉ mỉ với các thiết kế mô hình, sơn, vẽ… để tạo ra các sa bàn.
“Gần chục năm trước, vào hiệu sách thấy bán những mô hình khí tài quân sự nên mình mua về tìm tòi. Lâu dần, mình thấy mô hình có thể nâng lên tầm tác phẩm nghệ thuật, có không gian, chiều sâu câu chuyện”, thầy Giang chia sẻ.
Những tác phẩm của thầy chủ yếu về đề tài các cuộc chiến tranh trong lịch sử ở Việt Nam và thế giới. Để làm được những sa bàn về quân sự, thầy phải tìm hiểu nhiều tài liệu rồi đặt mua mô hình người lính, xe tăng, tàu chiến, vũ khí… phù hợp với các quốc gia, binh chủng, lịch sử…
Những mô hình sau khi được lắp ráp hoàn thiện sẽ được sơn màu cho phù hợp với bối cảnh cần thể hiện: “Do làm sa bàn về chiến tranh nên phải tôn trọng lịch sử. Chẳng hạn như trong cuộc chiến dùng loại xe tăng nào thì mình phải làm đúng nguyên tác đến từng chi tiết nhỏ”.
Những người lính cũng phải đúng từ bộ trang phục, vũ khí trang bị cho binh chủng ấy. Đặc biệt, trong làm sa bàn thì hình ảnh lính chiến luôn phải đa dạng tư thế chiến đấu.
“Ngoài mô hình sẵn có thì phần lớn tôi phải tự chế tạo lính cho đa dạng sắc thái. Như anh lính này không có ngoài thị trường, tôi dùng đất sét nặn rồi đúc khuôn chuyển sang bản nhựa, tô màu cho sinh động. Có những người lính tôi mất cả tháng mới hoàn thiện vì sai chi tiết nhỏ coi như hỏng luôn”, Thầy Giang tâm sự.
Gần chục năm với đam mê, mỗi năm thầy chế tạo được 2-3 tác phẩm. Trong đó có sa bàn thể hiện cảnh quân đội Mỹ trên chiếc xe tăng Sherman phiên bản M4A3E8 tiến vào thủ đô Berlin (Đức) năm 1945, đánh dấu sự kết thúc của thế chiến thứ hai. Để hoàn thiện được mô hình này, thầy đã mất nửa năm thực hiện.
Tác phẩm “Đại bàng hạ cánh” thể hiện cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandie (Pháp) tháng 6/1944, một trong những mốc lịch sử quan trọng của thế chiến thứ hai.
Đây là cuộc tấn công từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử với hơn 150.000 quân lính của Mỹ, Anh Quốc, Canada cùng với quân kháng chiến Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan… với thắng lợi về phe Đồng Minh.
Hơn nửa năm làm mô hình này, có những chi tiết mà anh phải sang Nhật Bản để học hỏi, tìm cách làm, chế tạo cây cối, cầu đường…
Đề tài về chiến sự được thầy Giang thể hiện phong phú, từ chiến tranh thế giới đến các cuộc nội chiến. “Trong sa bàn mô phỏng nội chiến Syria, tôi thể hiện tỉ mỉ cảnh đồ nát đến từng viên gạch. Nếu để ý kỹ thì dưới gầm xe tải còn có chi tiết con chuột chạy qua”, thầy Giang giải thích.
Sa bàn thể hiện hình ảnh người bộ đội trên xe tăng T-34 do Liên Xô sản xuất, phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam Việt Nam.
Tác phẩm “Từ miền núi xuống đồng bằng” là sa bàn thầy mất nhiều thời gian thực hiện. Sa bàn thể hiện không khí bộ đội hành quân khẩn trương tiến về miền Nam thống nhất đất nước tháng 4/1975.
Tác phẩm sử dụng rất nhiều mô hình con người và xe cộ, khí tài trong chiến tranh Việt Nam. Tất cả mô hình người lính đều do thầy tự nặn dựa trên những tư liệu tìm được.
Ngoài những hình ảnh về người lính, thầy Lê Xuân Giang còn tạo ra các sa bàn về đất nước, con người Việt Nam, nhất là cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nổi bật là tác phẩm “Chợ nổi” đã được thầy mô phỏng rõ nét văn hóa của người dân miền sông nước.
Bài và ảnh: VNE