Sài Gòn và những di sản kiến trúc
Sài Gòn là một trong những thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam, được xem là một trung tâm kinh tế của cả nước. Nhưng bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, Sài Gòn vẫn còn được biết đến với những công trình kiến trúc cổ kính, trầm mặc và không kém phần quyến rũ, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Những kiến trúc thuộc hàng “di sản” tại Sài Gòn được biết đến nhiều nhất vẫn là các công trình thời Pháp thuộc. Đây là lối kiến trúc cổ điển, bán cổ điển của Phương Tây vào những năm cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX. Bên cạnh các tòa dinh thự như Dinh Độc lập, Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố, Tòa địa chính… thì phong cách kiến trúc Tây phương còn thể hiện rõ ở các công trình dân sinh khác như Hồ con rùa, Biệt thự 99 cửa của Chú Hỏa (nay là bảo tàng Mỹ thuật),… hay những công trình quân sự bí mật như Trại lính, Nhà tù…
Nhà hát Thành phố được xây dựng từ năm 1897
và trở thành một trong những biểu tượng của Sài Gòn sau nhiều lần trùng tu.
Bên cạnh phong cách Tây phương thì kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cũng là một mặt khác của di sản kiến trúc Sài Gòn. Khác với nhà thờ mang đậm lối kiến trúc Châu Âu thì các ngôi chùa, ngôi đình tại Sài Gòn lại mang hơi hướng phong cách Đông Dương nói chung và Nam bộ nói riêng. Một số công trình chùa chiền khá nổi tiếng và dần trở thành một địa điểm du lịch về di sản kiến trúc tại Sài Gòn được nhiều khách nước ngoài biết đến như Việt Nam Quốc Tự (Q.10), Chùa Khmer (Q.3), Chùa Ấn Độ (Q.1), …
Khác với Hội An hay Hà Nội, Sài Gòn không được biết tới như một nơi lưu giữ những di sản kiến trúc, nhưng kho tàng kiến trúc độc đáo, bền vững qua thời gian tại Sài Gòn đã chứng minh điều ngược lại. Bên trong một đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam, những công trình kiến trúc lâu đời, cổ kính vẫn tồn tại qua thời gian và thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của mọi tầng lớp nhân dân. Vậy nên công tác bảo tồn di sản kiến trúc tại Sài Gòn luôn là một bài toán không dễ với nhiều khó khăn và thách thức.
Biệt thự 99 cửa của Chú Hỏa (nay là bảo tàng Mỹ thuật)
Để tìm hiểu rõ hơn về các di sản cũng như những giải pháp bảo tồn kiến trúc tại Sài Gòn trong thời điểm hiện nay, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen kết hợp với Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Open Talk chủ đề Bảo tồn di sản kiến trúc Sài Gòn với sự trình bày của PGS. TS. KTS Tôn Thất Đại – Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư và phát triển đô thị. Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 16 giờ 30 ngày 11/7/2018 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đôi nét về diễn giả:
Thầy PGS, TS, Kiến trúc sư Tôn Thất Đại hiện là giảng viên Trường Đại Học Xây Dựng, Viện Trưởng Viện nghiên cứu định cư và phát triển độ thị. Hiện thầy đang tham gia giảng dạy chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ tại nhiều trường trong và nước ngoài.
Là một kiến trúc sư có nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế công trình và quy hoạch đô thị ở cơ quan trung ương và địa phương, giảng dạy ở đại học, sau đại học, PGS.TS Tôn Thất Đại đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lí luận nghệ thuật kiến trúc và quan tâm đến mảng lí luận phê bình.
Kiến trúc sư Tôn Thất Đại đã tham gia viết trên 50 bài báo nghiên cứu khoa học và xuất bản 4 cuốn sách chuyên ngành. Trong đó tập sách “Kiến trúc, những vấn đề lý luận và thực tiễn” (Nhà xuất bản Xây dựng) của kiến trúc sư đã nhận Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2011 (giải nhì).
T.H.