Ngành Thiết Kế Nội Thất_Đồ Án Khách Sạn “The Menagerie de Rabanne Hotel”
05/02/2025
Ngành Thiết Kế Nội Thất, Khoa Thiết Kế – Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen giới thiệu
Đề tài “The Menagerie de Rabanne Hotel”
Đồ Án Khách Sạn
Khoa Thiết Kế – Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen trân trọng giới thiệu
SV: Phạm Thanh Trà | K21 – Ngành Thiết kế nội thất – Đại Học Hoa Sen
Chất liệu và cảm hứng của một nhà thiết kế nội thất không chỉ đến từ các nhà kiến trúc sư hay các designer cùng ngành nghề mà đôi khi, sinh viên phải can đảm bước sang một lĩnh vực khác để có thể học được cách tư duy cũng như ngôn ngữ thể hiện đầy cá tính.
Cùng thưởng thức một đồ án thiết kế công trình khách sạn 𝑻𝒉𝒆 𝑴𝒆𝒏𝒂𝒈𝒆𝒓𝒊𝒆 𝒅𝒆 𝑹𝒂𝒃𝒂𝒏𝒏𝒆 𝑯𝒐𝒕𝒆𝒍~ đậm chất thời trang được thực hiện bởi một sinh viên có niềm đam mê nghệ thuật vô tận.
𝑴𝒆𝒏𝒂𝒈𝒆𝒓𝒊𝒆 – /𝒎əˈ𝒏𝒂(𝒅)𝒁𝑯ə𝒓ē/: một tập hợp người hoặc động vật kỳ lạ, đa dạng và quý hiếm
“Paco Rabanne (1934–2023) không chỉ là một nhà thiết kế thời trang, mà còn là một kẻ tiên phong, một nhà cách mạng trong ngành công nghiệp xa hoa này. Ông đã ra mắt bộ sưu tập đột phá mang tên “12 Unwearable Dresses in Contemporary Materials”với những thiết kế được chế tác từ các chất liệu phi truyền thống như kim loại và nhựa. Buổi ra mắt này đã khẳng định danh tiếng của ông như một nhà thiết kế tiên phong và đặt nền tảng cho cách tiếp cận thời trang sáng tạo, đầy đổi mới của ông. Được xem là một thiên tài, một nhà tiên phong ở thời điểm hiện tại nhưng “lắm tài thì nhiều tật”. Tính cách mạng của ông không chỉ được thể hiện thông qua thiết kế, mà còn qua những phát ngôn táo bạo, đôi khi gây tranh cãi trong giới thời trang.
Từng công khai chỉ trích Coco Chanel và cho rằng bà không phải là người tiên phong trong thời trang, mà chỉ đi theo những xu hướng có sẵn. Ông khẳng định rằng phong cách của Chanel quá bảo thủ và không có tính đột phá.
Dù Rabanne tôn trọng tài năng của YSL, nhưng ông không ngại bày tỏ sự chỉ trích đối với phong cách thiết kế của nhà thiết kế người Pháp này: “Yves Saint Laurent makes the same dress over and over again.” (Yves Saint Laurent làm ra những chiếc váy giống nhau mãi.)
Ông coi mình như một “kẻ ngoài cuộc” và không ngừng thách thức các chuẩn mực, Paco Rabanne từng tuyên bố: “I am a heretic of fashion. I don’t like sewing, nor fabrics,” (Tôi là một kẻ dị giáo trong thời trang. Tôi không thích vải và kim chỉ,)
Khi thực hiện thiết kế cho thương hiệu này, mình muốn làm nổi bật lên chính sự nổi loạn, tư duy và triết lý thiết kế của Paco Rabanne. Không chỉ đơn giản là một thương hiệu xa hoa cùng những bộ cánh lấp lánh, tiệc tùng. Mà là câu chuyện về cách mà ông kiến tạo nên một tư duy mới về cái đẹp.
Căn suite là một cuộc hành trình, nơi du khách được bước vào góc nhìn của loài chim cùng hành trình “phá lồng” của chúng.
Mọi chi tiết về vật liệu và hình dáng đồ nội thất đều mang ý đồ của riêng nó. Phòng khách được lấy cảm hứng từ những chiếc lồng chim của thế kỉ 19, không phải để giam cầm, mà là một nơi trú “an toàn”, hoa mỹ và duyên đáng. Cùng với đó là sự thiếu đi của các họa tiết hoang dã của da báo, ẩn dụ cho sự “an toàn” khi ta đang ở trong một chiếc lồng đẹp đẽ, tiện nghi. Trái ngược với đó thì phòng ngủ như một giấc mộng hoang dã, lấy cảm hứng từ một khu rừng nhiệt đới, cùng với sự sử dụng của các họa tiết và hình thù hoang dã như da báo, lông vũ, mô phỏng thực vật. Tuy quái lạ nhưng mê hoặc, như một khu rừng cuốn hút nhưng đầy tiềm tàng.
Vì loại hình khách sạn mà mình hướng đến lần này là khách sạn Boutique, nên thiết kế cho căn phòng đề cao các yếu tố trang trí phô diễn nhưng vẫn không bỏ qua sự tiện nghi và logic trong việc bố trí công năng. Thẩm mỹ của căn Suite là sự tổng hòa của yếu tố văn hóa bản địa qua các đường nét trang trí và vật liệu, cùng với sự ảnh hưởng của Tây Ban Nha (quê hương của ông) qua các tạo hình trong không gian.
Mỗi chi tiết thiết kế đều mang một ý nghĩa và ý đồ cụ thể, cùng nhau chúng như tái hiện nên một cuộc săn đuổi kịch tính. Cùng nhau, chúng kể nên câu chuyện về sự phá vỡ mọi giới hạn trong hành trình sáng tạo.
Đối với mình những phát ngôn tranh cãi của ông không phải là cách mà ông dìm người khác xuống để nâng bản thân của mình lên, nó chỉ đơn giản là cách mà Paco Rabanne phản kháng đối với những giới hạn của sáng tạo và nghệ thuật. Một phạm trù được cho là không giới hạn nhưng lại bị kiềm hãm bởi những con người “sáng tạo” khác.
P/s: Mình thấy thiết kế lần này của mình khá “khó nuốt” về mặt thị giác, nhưng mình tự tin là về mặt sáng tạo thì “no nê” như cách ông bước vào ngành công nghiệp thời trang vậy đó.”
Slideshow Album hình “The Menagerie de Rabanne Hotel”
Hướng dẫn sử dụng:
+ Để xem toàn màn hình > click nút hình vuông phía dưới bên phải
+ Để phát tự động > click nút Play (tự động mỗi hình được phát 5 giây)
—
#DaihocHoaSen #HoaSenUniversity #facultyofdesignandart #interiordesignhsu #K21 #thietkenoithathsu
Nguồn: FP Bộ môn Thiết Kế Nội Thất
FP FADA