Ngành Thiết Kế Nội Thất – VẼ TAY hay VẼ MÁY kỹ năng nào quan trọng hơn?
10/08/2022
Ngành Thiết Kế Nội Thất, Khoa Thiết Kế – Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen giới thiệu bài viết
VẼ TAY hay VẼ MÁY
kỹ năng nào quan trọng hơn?
Khoa Thiết Kế – Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen trân trọng giới thiệu
Đối với nhà thiết kế nội thất: VẼ TAY hay VẼ MÁY – kỹ năng nào quan trọng hơn?
Là 1 nhà thiết kế nội thất, để thể hiện ý tưởng thiết kế, bạn sẽ chọn kỹ năng nào, vẽ tay hay vẽ máy, làm công cụ chính cho mình khi sơ phác? hay nói cách khác, trong vai trò nhà thiết kế nội thất, bạn sẽ đánh giá vai trò của vẽ tay hay của vẽ máy quan trọng hơn?
Có 2 luồng ý kiến trái chiều về vấn đề thú vị này:
⛺️ “Trường phái thích vẽ tay” cho rằng việc chính của nhà thiết kế nội thất là sáng tạo, thế nên không cần phải vẽ nhiều quá. Khi phác thảo, vẽ tay thì sẽ dễ tìm ý và phát triển ý tưởng trôi chảy, tự nhiên hơn, còn vẽ máy thì cứ hay phải đề ý vào các thông số, các lệnh, … nên sẽ hạn chế sáng tạo.
Cho nên tốt nhất là vẽ tay khi sơ phác. Công cụ bạn cần chỉ là 1 cái bút chì và cục tẩy… Còn kích thước hay tỉ lệ ư, không có gì khó cả, hãy sử dụng giấy kẻ ô ly và giấy can nhé.
? “Trường phái công nghệ” thì có ý kiến ngược lại. Cho rằng vẽ máy thì rất là nên làm, vì ứng dụng công nghệ vào cuộc sống cũng như phát triển ý tưởng sẽ giúp cho người làm việc rút ngắn được rất nhiều thời gian …
Vậy rút cuộc sự thật là thế nào nhỉ ?
1️⃣ . Tầm quan trọng của vẽ máy
? Diễn họa, thể hiện công trình … Bất kỳ bạn đang làm ở vị trí nào thì bạn đều phải cần đến sự trợ giúp của máy tính.
? Ưu điểm không chối cãi: bản vẽ được lập một cách chính xác (kích thước, tỉ lệ); dễ dàng bổ sung, chỉnh sửa, lưu trữ, chia sẻ với team, … Con người có cảm giác được giải phóng khỏi công việc nặng nhọc khi lập bản vẽ.
Một số phần mềm phổ biến như: AutoCad, Sketchup, Home Styler, Autodesk 3Ds Max,…
Auto Cad: phần mềm thiết kế, vẽ kỹ thuật |
Autodesk 3Ds Max: Phần mềm thiết kế bản vẽ nhà, hình ảnh 3D |
2️⃣ . Tầm quan trọng của vẽ tay
Các bạn thường hỏi mình như thế này: bây giờ, máy móc làm được hết, thì có cần đến vẽ tay? Vẽ vài nét nghệch ngoạc ra thì làm sao thuyết phục được khách hàng.
Đây, chúng ta thử xem một vài nét nguệch ngoạc đã dẫn đến các công trình để đời nhé:
Trung tâm khoa học Phaeno Science Center – Kts. Zaha Hadid_ (ảnh: tạp chí kiến trúc) |
Vẽ tay là 1 kỹ năng không thể thiếu của một nhà thiết kế khi đi làm việc. Cũng giống như chúng ta bắt đầu đi học, thì phải biết đọc, biết viết, biết công trừ nhân chia, … rồi mới biết đến sử dụng máy tính. Mặc dù bây giờ, nhiều khi chỉ cần làm phép tính công đơn giản, chúng ta cũng phải dùng máy tính. Nhưng mà chắc chắn chúng ta đều phải biết tính nhẩm, đúng không nào?
Để mình chỉ ra cho bạn vài cái hay ho của việc biết vẽ tay, và vẽ tay tốt, nhé:
? Thứ nhất: Thật an toàn khi nói rằng với bút và giấy, có thể thêm 1 cục gôm nữa, sự sáng tạo của bạn sẽ thực sự được giải phóng một cách rất nhanh, giúp công việc của bạn hiệu quả hơn bao giờ hết.
Điều thực sự tuyệt vời hơn là sẽ tiết kiệm hàng tấn năng lượng và thời gian của bạn, với cơ hội giảm thời gian của những cái gãi đầu!
? Thứ hai: Nếu bạn vẽ tay tốt, chắc chắn bạn sẽ vẽ máy tốt. Một người vẽ máy tốt, có thể người ta không biết vẽ tay nhưng mà một người đã vẽ tay tốt, chắc chắn người ta sẽ vẽ máy tốt. Bởi vì khi biết vẽ tay, chúng ta sẽ đạt được 1 số yếu tố sau đây:
? Sự cảm nhận: Chúng ta dễ dàng nâng cao được cảm nhận về: tỉ lệ, không gian, hình khối, ánh sáng, bố cục, màu sắc. Ví dụ khi chúng ta nhìn vào 1 hình ảnh phối cảnh đẹp, chúng ta sẽ tự hỏi: ồ, làm thế nào để ra được 1 sản phẩm render đẹp như vậy nhỉ? Có người cho rằng dùng 3dmax hay Vray sẽ chẳng đẹp được vậy, phải dùng Lumion cơ,…
Các bạn thân mến, một phối cảnh được vẽ ra đẹp, không phải là do bạn dùng phần mềm nào mà là do cảm nhận của các bạn như thế nào: từ cái cách bạn bố cục, chọn góc cam, sau đó là cách các bạn thiết lập về ánh sáng, chiếu sáng cho công trình này như thế nào, làm sao cho nó đẹp, cho nó hấp dẫn,… cho người xem cảm thấy bị thu hút bởi sản phẩm của các bạn ngay lập tức. …
Thực ra giữa các phần mềm chỉ khác nhau về giao diện còn các thông số nó không có gì khác nhau, đây là 1 nhầm lẫn mà nhiều người mới học vẽ hay vướng phải. Nhiều bạn hay hỏi thầy giáo: thông số ánh sáng phải là bao nhiêu thì sẽ ra được 1 hình ảnh đẹp?
Các bạn ơi, vấn đề quan trọng không phải là thông số, mà bạn cần phải hiểu thế nào là đẹp? bố cục thế nào là đẹp? nắm thật chắc các nguyên lý như thế nào về ánh sáng giúp nhấn mạnh ý đồ về bố cục, … và những điều này bạn sẽ chỉ luyện tập và cảm nhận được khi các bạn vẽ tay mà thôi.
Như trong cuộc sống, bạn muốn lựa chọn 1 bộ quần áo với chất liệu vải mong muốn … bạn không thể nhìn qua hình chụp để cảm nhận được tất cả, bạn cần phải “mục sở thị”, “rờ mó sờ sẫm mò mẫm” mặt vải, đường may, … phải không nào?
Do đó, bất kể bạn vẽ tay hay vẽ máy, vấn đề cảm nhận là cực kỳ quan trọng. Và chuyện cảm nhận này được luyện tập một cách đơn giản nhất, dễ nhất, nhanh nhất thông qua việc vẽ tay.
Kỹ năng vẽ tay là cực kỳ quan trọng. Nó như là một bản năng mà một người làm nghề thiết kế cần phải có. Cũng giống như ăn uống là một bản năng của mỗi con người vậy.
Ngoài ra, khi các bạn học vẽ tay, chắc chắn các bạn sẽ tiếp cận đến một số kiến thức nền tảng cơ bản về mỹ thuật như tỉ lệ, bố cục, phối cảnh, điểm tụ, đường chân trời, phân vị, …
? Sự chăm chỉ và đam mê: Ông bà ta đã nói: “Trăm hay không bằng tay quen” hay là “Cần cù bù năng khiếu”. Sự chăm chỉ, cầu tiến sẽ là rất cần thiết, không chỉ với những người hoạt động trong ngành nghề thiết kế, mà các ngành nghề khác cũng vậy. Niềm yêu thích, say mê với nghề sẽ giúp bạn vượt qua được những áp lực, khó khăn gặp phải.
? Cảm hứng: trong quá trình tìm ý tưởng, vẽ tay tốt sẽ khơi gợi được cảm xúc sáng tạo rất lớn cho chúng ta. Nghề thiết kế về bản chất là 1 nghề sáng tạo. mà đã nói đến sáng tạo thì phải nhắc đến cảm hứng. Khi chúng ta có cảm hứng, thì công việc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhiều khi ngồi vu vơ, phác vài phác, dần dần thì phát triển thành một công trình.
Hãy xem những bản phác thảo của những kiến trúc sư đại tài, từ những nét phác thảo tưởng chừng như vu vơ, họ đã định hình ra những công trình tuyệt vời cho nhân loại.
Bản vẽ sơ phác ban đầu cho thấy Foster có ý định xây dựng quả dưa chuột thành một “đô thị” nhỏ. Ông ghi chú dưới hình vẽ “một đô thị trong một đô thị luôn luôn tràn đầy kinh ngạc”. Sau đó trong bản vẽ sơ phác thứ hai bằng màu nước ông nghiên cứu kĩ hơn: những vệt xoắn màu sẫm (3 vệt) là đường hút gió và ở đây trồng một hệ thống cây xanh, … (PGS.TS Tôn Đại – tạp chí kiến trúc 05-2019)
Các phác thảo tay của Zaha Hadid. Nguồn: ZHA |
(vì bà cảm nhận được sự tự do sáng tạo và phóng khoáng hơn khi phác thảo tay.)
Cairo Expo City (2009). Nguồn: Archdaily |
Church of Light – Tadao Ando_Osaka 1989 (Internet) |
Ngôi nhà cực nhỏ đủ tiện nghi có thể đặt trên nhiều miếng đất có địa hình khác nhau – Renzo Piano_2013 |
Bản vẽ phác thảo của bạn không nhất thiết phải hoàn hảo, mà chỉ là đại diện sơ bộ về những gì khách hàng có thể xem khi ra sản phẩm sau cùng.
Có những lúc một nhà thiết kế chỉ đơn giản là quên đi những gì bạn ấy đã nghĩ đến. Có sẵn bút và giấy sẽ hữu ích cho việc ghi lại những ý tưởng tuyệt vời vừa lướt qua đầu.
KTS Le Corbusier đi đâu cũng vẽ ghi. Ông có gần 100 cuốn vở, trong đó vẽ những kiến trúc mà ông quan sát, kèm theo hình vẽ là những ghi chú nhận xét cái tốt, cái xấu của toàn thể hay một chi tiết kiến trúc nào đó của công trình. Chính vì vậy mà giới kiến trúc thế giới luôn tò mò muốn biết những sơ phác của ông để hiểu được tư tưởng sáng tác của ông, cũng để rút ra những bài học về tư duy sáng tạo, tư duy tạo hình của nhà kiến trúc lớn này.
Một Không gian bên trong nhà nguyện Ron Champ_ KTS. Le Corbusier |
3️⃣ . Vẽ tay hay vẽ máy nhanh hơn
? Tất nhiên rồi, vẽ tay sẽ lâu hơn vẽ máy
? Vẽ phác thảo để tìm ý hay phát triển ý tưởng: thì chỉ mình bạn hiểu thôi : thì sẽ không lâu , phải không, nó sẽ đi theo cảm hứng và mạch suy nghĩ của chính bạn,
? Nhưng khi thể hiện để giao cho khách hàng, thì vẽ tay sẽ không bằng vẽ máy về thời gian. Do đó, mỗi một khả năng, đều có một lợi ích không thể chối cãi được, phải không các bạn.
✔️ Do vậy, chúng ta thấy rằng, cả 2 kỹ năng vẽ tay và vẽ máy, đối với nhà thiệt kế nội thất đều cần thiết như nhau. Cái quan trọng là chúng ta, dùng vào công đoạn nào của qui trình làm việc mà thôi.
✔️ Hay nói cách khác, chúng ta nên bắt buộc phải kết hợp cả vẽ tay lẫn vẽ máy trong một qui trình làm việc từ bước concept đến bước thể hiện.
? Vẽ tay hay vẽ máy, suy cho cùng cũng chỉ là công cụ và thay vì tìm cách phân biệt, chúng ta nên tìm cách kết hợp hai kỹ năng này với nhau, thì sẽ là “văn võ song toàn” phải không. Ai chả thích!
Chúc các bạn thành công!
Nguồn: Ks. Hà Thị Hoài Thu
Bộ Môn Thiết Kế Nội Thất
Khoa Thiết Kế Nghệ Thuật_ ĐH Hoa Sen
FP Bộ môn Thiết Kế Nội Thất