Chạm – Để “mở” nền kinh tế di động
Sách Tiếng Việt
Tác giả: Anindya Ghose
Dịch giả: Phan Ngọc Lệ Minh
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Giới thiệu tóm tắt tác phẩm:
Người tiêu dùng tạo ra kho dữ liệu bằng cách chạm vào chiếc điện thoại của mình; còn các doanh nghiệp có thể khai thác những kho dữ liệu này để làm chủ sức mạnh của nền kinh tế di động trị giá hơn 3.000 tỉ đô-la. Theo Anindya Ghose, chuyên gia toàn cầu về kinh tế di động, sự trao đổi hai chiều này có thể có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Trong CHẠM, Ghose chào đón chúng ta bước vào nền kinh tế di động, ở đó có điện thoại thông minh, các công ty thông minh, và những người tiêu dùng đang tìm kiếm giá trị.
Dựa trên nghiên cứu chuyên sâu của mình được thực hiện ở Mỹ, châu Âu, và châu Á, và dựa trên nhiều ví dụ thực tiễn từ những công ty như Alibaba, China Mobile, Coke, Facebook, SK Telecom, Telefónica, và Travelocity, Ghose trình bày những nghịch lý đáng tò mò trong hành vi của người tiêu dùng: con người tìm kiếm sự ngẫu hứng, nhưng lại dễ đoán; họ thấy quảng cáo phiền phức, nhưng lại sợ bỏ qua; con người muốn có sự lựa chọn và tự do, nhưng lại dễ bị choáng ngợp; họ coi trọng quyền riêng tư, nhưng lại không ngừng sử dụng dữ liệu cá nhân như một thứ tiền tệ. Ghose biện luận rằng khi làm tốt quảng cáo di động, điện thoại di động sẽ đóng vai trò là người gác cổng riêng – một quản gia, chứ không phải kẻ rình rập.
Ghose chỉ ra chín động lực hình thành nên hành vi của người tiêu dùng, bao gồm bối cảnh, địa điểm, thời gian, sự nổi bật, đám đông, thời tiết, lịch sử chu trình mua sắm, tương tác xã hội, và hỗn hợp công nghệ. Đồng thời Ghose cũng xem xét cách các động lực này vận hành, khi đứng riêng rẻ và khi kết hợp với nhau. Với CHẠM, Ghose nêu bật tầm ảnh hưởng thật sự của điện thoại di động đối với người mua sắm, những động lực về kinh tế và hành vi đằng sau ảnh hưởng đó, và những cơ hội béo bở mà nó mang lại. Trong thế giới của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường, công nghệ đeo trên người, nhà thông minh, và Internet Kết nối Vạn vật, tương lai của nền kinh tế di động dường như vô hạn.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ