Thêm một buổi chiếu phim đầy cảm xúc
“Cha mẹ xin lỗi con”, sản xuất năm 2006 của đạo diễn và tác giả kịch bản Phan Huyền Thư mở đầu cho đêm chiếu. Hình ảnh những ngôi mộ nhỏ xíu, những cành hoa, những nén hương, những gương mặt lam lũ, những ánh mắt trẻ thơ còn ngơ ngác, làng quê, sông nước hiện lên trên khung hình. Những lời kể, những chia sẻ, hỏi han về những sinh linh chưa kịp làm người, những em thơ chưa một lần nhìn thấy mẹ cha… bập bềnh trên nền sóng nước ì oạp, lung linh trên những lá cọ lao xao… Cả khán phòng lặng yên, chìm sâu trong cảm xúc.
Một khán giả nhỏ tuổi xem phim cùng phụ huynh
Phim kết với một mảnh vàng mã cháy tàn theo gió cuốn. Và tràng pháo tay không dứt của khán giả. Nhiều người xem tỏ ý tiếc nuối: giá có đạo diễn Huyền Thư đến đây, giao lưu cùng chúng tôi.
Trong phần hai của đêm liên hoan, đạo diễn Indonesia Dwi Sujanti Nugraheni đưa khán giả đến với một khu nghèo gần đô thị của Indonesia. Bộ phim mang tên một cặp vợ chồng trẻ mới cưới “Denok và Gareng”. Họ rất nghèo, đã từng là trẻ em đường phố. Họ lấy nhau và đang trên đường ổn định cuộc sống. Phim mở đầu với ánh sáng âm u buổi chiều tối, cảnh đường phố nhếch nhác, bãi rác và những người thu nhặt mệt mỏi rã rời… Tưởng chừng định mệnh của Denok và Gareng tối tăm là thế. Nhưng không đâu. Theo chân đạo diễn, càng đi sâu vào cuộc sống cơ cực của chị Denok và anh Gareng, người ta càng khám phá những gương mặt mới, những tính cách mới, những điều kỳ lạ mới của gia đình trẻ. Ngôi nhà cũ tạm bợ như bừng sáng dần với tình yêu chứa chan, với tiếng cười đầy ắp và niềm tin vào cuộc sống. Một người mẹ già gầy guộc, gương mặt nhăn nheo, nhưng ánh mắt sáng và nghị lực kiên cường của bà luôn là chỗ dựa cho cả gia đình trong những ngày dông bão. Một Denok chịu thương chịu khó. Một Gareng trẻ tuổi, nhưng đầy trách nhiệm, yêu đời. Một bé Frida tươi tắn, sẵn sàng cất tiếng ngây thơ. Đạo diễn đã làm được điều kỳ diệu: cả gia đình vui sống tự nhiên trước ống kính máy quay, và thể hiện một cách giản dị nhất mối quan hệ gắn bó, sự đùm bọc , chia sẻ, yêu thương và bảo vệ. Xem hết phim, người xem đâm ra yêu mến đôi vợ chồng, kính trọng người mẹ già và muốn tự đáy lòng chia sẻ những lận đận, long đongcủa những người bạn Indonesia chưa một lần gặp mặt.
Đạo diễn “DWI SUJANTI NUGRAHEN” giao lưu cùng khán giả
Trước rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ khán giả, đạo diễn Dwi Sujanti Nugraheni nở nụ cười hiền, có phần bí ẩn. Để thực hiện bộ phim này , cô cùng ekip đã quay trong vòng 4 năm. Từ 2008 cô đã bắt đầu đến với gia đình Denok và Gareng, mang theo máy quay nhưng không thu hình. Một phần Dwi Sujanti Nugraheni muốn cho những nhân vật trung tâm của câu chuyện quen với máy quay, và một phần để cô hiểu rõ hơn về những người mình yêu mến. Đến một ngày, không báo trước, cũng không một lời yêu cầu diễn xuất, Dwi Sujanti Nugraheni bấm máy thật tự nhiên. Các thành viên trong gia đình vẫn vô tư sinh hoạt. Ống kính của Dwi Sujanti Nugraheni lặng lẽ thu lại tất cả, khiêm tốn tham gia tất cả các hoạt động, các sự việc xảy đến trong gia đình. Với hơn 100 cuộc bang, Dwi Sujanti Nugraheni đã phải chọn lọc rất nhiều trong phần hậu kỳ để kể câu chuyện tuyệt với “Denok và Gareng”.
Trước khi chia tay, Dwi Sujanti Nugraheni nhắn nhủ: “Mình không muốn kết luận gì, mình chỉ kể câu chuyện có thật này, và để cho khán giả tự tìm ra thông điệp cuộc sống của chính mình”.
Cảm ơn chị, Dwi Sujanti Nugraheni.
Nhiều khán giả đặt câu hỏi cho chương trình
Các buổi chiếu vẫn phim tài liệu miễn phí vẫn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 29/06/2013 tại trường Đại học Hoa Sen, số 93 Cao Thắng quận 3 TPHCM, trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam và Đông Nam Á lần thứ năm.
Ngành Quản trị Công nghệ Truyền thông – Đại học Hoa Sen
Xem thêm
Lịch chiếu phim tài liệu châu Âu và Đông Nam Á tại Đại học Hoa Sen (10/6 đến 29/6)
Liên hoan phim tài liệu châu Âu và Đông Nam Á tại Đại học Hoa Sen