Tết Việt, cùng HSU hiểu về cổ phục Việt
Trong không khí rộn ràng của Tết cố truyền, sáng mồng 2 Tết (ngày 11/2), độc giả đã có buổi gặp gỡ trò chuyện thú vị qua talkshow: “Ký hiệu học văn hoá trên Lễ phục thời Nguyễn” do Trường Đại học Hoa Sen (HSU) tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1).
Buổi trò chuyện với sự góp mặt của Nhà nghiên cứu, ThS. Trần Minh Nhựt và ThS. Doãn Thị Ngọc – giảng viên HSU đã giúp người tham dự hiểu hơn về cổ phục Việt. Một chủ đề hết sức ý nghĩa trong dịp Tết cổ truyền để người trẻ hiểu hơn về những giá trị văn hoá lịch sử.
Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo độc giả và du khách. Khán giả cũng được chiêm ngưỡng một số hình ảnh cổ phục của Nhóm Đại Việt Cổ Phong.
Hiểu về Lễ tết và lễ phục thời Nguyễn
Khi nói đến trang phục truyền thống Việt Nam, nhiều người thường nghĩ ngay tới áo dài. Tuy nhiên, khi nói đến CỔ PHỤC, nhiều người thường nhắc ngay đến trang phục triều Nguyễn. Mỗi bộ trang phục của vua, quan, hoàng thân quốc thích dưới triều Nguyễn là một tác phẩm nghệ thuật với kỹ năng khéo léo và điêu luyện về nghệ thuật may, thêu, hội họa, đã tạo nên những tuyệt tác mê hồn và đầy tính thẩm mỹ của các bậc tiền nhân.
Tại buổi Talk show, ThS. Trần Minh Nhựt đã chia sẻ bốn nội dung chính gồm: Lễ Tết thời Nguyễn; Lược sử về trang phục thời Nguyễn (1802-1945); Các ký hiệu văn hoá trên Lễ phục thời Nguyễn và đặc quyền Hoa Sen Go Global dành cho sinh viên nhập học năm 2024.
Nói về các loại hình lễ hội Việt Nam, Trần Minh Nhựt đã chia sẻ về Lễ hội cung đình Nguyễn với 2 loại hình: “lễ tiết” và “lễ tế tự”. Người tham dự đã có dịp đào sâu hơn về các loại lễ như: Lễ Ban Sóc, Lễ Thượng Tiêu… để chuẩn bị cho ngày Tết. Ngoài ra, các hoạt động của ba ngày Tết cũng rất quan trọng. Ngày mùng 1 Tết, ngoài lễ mừng Tết vua còn có lễ mừng Tết Thái hậu, lễ mừng Tết Hoàng Thái phi, lễ mừng Hoàng thái tử.
Đi sâu hơn về chủ đề của talkshow, thầy Nhựt đã chia sẻ một số thông tin về Lễ phục thời Nguyễn (1802-1945) và ký hiệu học văn hóa mà khán giả có thể dễ dàng tiếp cận qua ba nguồn: Tài liệu lịch sử, qua cổ vật gốc hoặc hiện vật được phục chế ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam, và qua hội hoạ (Grande Tenue de la Cour d’Annam).
Cách ký hiệu văn hóa được thể hiện trên lễ phục thời Nguyễn
Về kiến thức của ký hiệu văn hóa thể hiện trên Lễ phục thời Nguyễn, thầy Nhựt chia sẻ rằng ký hiệu học văn hoá trên Lễ phục thời Nguyễn được thể hiện qua nghệ thuật tạo hình của các nghệ nhân cung đình, qua chất liệu tạo tác, màu sắc, hình trang trí hoạ tiết linh thú, và cấu trúc.
Về chất liệu tạo tác, chất liệu dệt may mà cung đình Huế thường sử dụng để tạo tác Lễ phục thường là những loại vải quý hiếm như gấm, lụa, sa tin đều làm thủ công và chỉ có giới hoàng tộc mới có đủ khả năng sở hữu. Về ký hiệu văn hoá: Các nghệ nhân triều Nguyễn đã rất khéo léo trong việc lựa chọn chất liệu phù hợp, nó không chỉ đẹp ở mọi khía cạnh, mà còn toát lên vẻ oai nghi của bậc Đế vương, giàu có, thịnh vượng và sự kết hợp hài hòa với môi trường xung quanh. Đó là không gian cung vàng điện ngọc được sơn son thếp vàng lộng lẫy, cùng với những công trình kiến trúc được chạm khắc tinh tế, các đồ ngự dụng trang trí cầu kỳ mang lại một không gian diễm lệ và hoành tráng.
Về cấu trúc trang phục hình thang cân, hầu như các dạng trang phục cung đình nhà Nguyễn với tạo hình đơn giản, tự nhiên trong bố cục hình thang thu hẹp ở đỉnh và mở rộng ở đáy. Do ảnh hưởng của cuộc cải cách trang phục năm 1744 của chúa Nguyễn Phúc Khoát, đây là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của áo dài Năm thân, loại áo đã trở thành quốc phục của triều Nguyễn sau này. Ký hiệu văn hoá: hình thang cứng rắn, vững chãi, tay áo rộng như ôm lấy non sông gấm vóc, bố cục trang trí đối xứng mang lại cảm giác thăng bằng.
Về màu sắc (Ngũ sắc Huế), sự phân biệt về màu sắc chính trên trang phục cung đình nhằm để phân cấp thứ bậc và tỏ lễ nghi trong triều đình. Đồng thời, triều Nguyễn quy định rất nghiêm ngặt về màu sắc. Đứng đầu là màu chính hoàng của nhà vua và chỉ một mình nhà vua mới được mặc màu vàng này. Thể thức ngũ sắc Huế được tìm ra chủ yếu trên pháp lam Huế dùng để chế tác các vật ngự dụng cung đình và trang trí ngoại thất các cung điện ở Huế. Trang phục cung đình Huế cũng đi theo thể thức ngũ sắc này, đặc biệt là màu tím rất đặc trưng.
Ký hiệu văn hoá: Nhìn chung, mỗi dân tộc, quốc gia hay mỗi giai đoạn lịch sử đều có những truyền thống riêng biệt để đánh giá biểu hiện và thẩm định tư tưởng thẩm mỹ. Màu giai cấp phong kiến thường sử dụng là màu đỏ, màu vàng cho vua chúa, dân thường sử dụng màu nâu sậm. Cái đẹp thời phong kiến nói chung và thời Nguyễn nói riêng là cái đẹp của sự thống trị, quyền lực thuộc về tay nhà vua, vua thay trời trị dân bằng một chế độ cai trị độc đoán.
Về hoạ tiết linh thú, đề tài trang trí hoa văn trên trang phục được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Bên cạnh các đề tài trang trí: thủy ba, liên đằng, hồi văn, cổ đồ, bát bửu, cành hoa, dây leo, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, và ngọn núi.
Bên cạnh những câu chuyện về cố phục Việt, talkshow cũng đem đến những thông tin nóng hổi về chương trình đặc quyền Hoa Sen Go Global. Đây là chương trình trải nghiệm đặc biệt mà HSU dành tặng đến tân sinh viên với mong muốn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận sớm với nền giáo dục tiên tiến, sẵn sàng hội nhập tại môi trường đào tạo đạt chuẩn quốc tế và tôn trọng sự khác biệt.
Hoa Sen Go Global nhằm giúp sinh viên được tham quan trải nghiệm tại một trong những doanh nghiệp lớn hàng đầu, tham quan các Hội chợ triển lãm ngành nghề của Malaysia hoặc Thái Lan. Dự kiến nhà trường sẽ trao tặng 2.000 suất học bổng chương trình hội nhập quốc tế Hoa Sen Go Global cho tân sinh viên.
Tác giả: ThS. Doãn Thị Ngọc – ThS. Trần Minh Nhựt