Talkshow “Fintech & Smart City” – Tiềm năng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính
Tại buổi talkshow với chủ đề “Fintech & Smart City” (Công nghệ tài chính và Đô thị thông minh), đông đảo sinh viên đã được giải đáp những thắc mắc về tiềm năng cũng như định hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực mới mẻ này.
Ngày 26/5, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) đã phối hợp với Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi talkshow với chủ đề “Fintech & Smart City”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuỗi talkshow FinnoBox của cuộc thi Finnovation 2022 diễn ra tại các trường Đại học ở cả 3 miền từ 10/5 đến đầu tháng 6 năm 2022.
Sự kiện thu hút hơn 250 bạn trẻ đến từ các trường đại học với sự góp mặt của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Fintech và Smart City như: TS. Trịnh Công Duy – Giám đốc Trung tâm phát triển phần mềm Đại học Đà Nẵng, đồng trưởng làng Đô thị thông Minh Techfest 2021; Bà Lê Tuyết Mai – CMO của Bizverse (Nguyên CMO Vinpearl, Vinfast, Vinhomes); TS. Ngô Ngọc Quang – Chuyên gia tài chính Trường ĐH Ngoại Thương; TS. Alex Phạm (Phạm Anh Khôi) – Tiến sĩ về bất động sản tại Úc với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Úc; TS. Phùng Thái Minh Trang – Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng – Đại học Hoa Sen.
Tại buổi talkshow, các bạn sinh viên đã được giải đáp nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề “Fintech & Smart City” như: Khái niệm Digital twin và ứng dụng của nó vào phát triển Smart City, vai trò của Fintech trong việc kết nối con người và doanh nghiệp, tiềm năng phát triển, cơ hội và rủi ro của Fintech tại Việt Nam.
Đứng trước những tiềm năng mà Fintech mang lại, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự băn khoăn như: Tài chính nhúng là gì? Fintech khiến nhu cầu nhân lực ở ngành công nghệ tăng lên liệu có khiến nhân lực ở một số ngành bị đào thải không? Dân số Việt Nam đang là dân số già, liệu nguồn nhân lực trẻ hiện tại có đáp ứng đủ chất lượng lao động cho ngành Fintech không?
Nói về mối liên hệ giữa Fintech và Smart City, TS. Trịnh Công Duy nhận định: “Đầu tư Fintech đang bùng nổ, Kinh doanh tài chính có những đặc thù riêng bởi đây là ngành quyết định vận mệnh kinh tế của một quốc gia. Ngành Fintech cũng là ngành không bao giờ chết đi. Có thể công nghệ trong các ngành khác sẽ có lúc bị thoái trào, bị thay thế bởi một ngành công nghệ khác nhưng ngành tài chính sẽ không chết bởi vì xã hội sẽ được vận hành bởi các dòng tiền. Thay vì được giao dịch bằng hình thức truyền thống, Fintech đưa đến các giao dịch bằng công nghệ hiện đại, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Lợi ích và tiềm năng của Fintech thì không cần phải bàn cãi, Fintech sẽ làm giảm chi phí và tăng sự tiện lợi cho người dùng”.
Giải đáp thắc mắc về nhân lực, TS. Phùng Thái Minh Trang chia sẻ, về mặt giáo dục, Trường Đại học Hoa Sen là trường khối ngoài công lập có ngành Fintech đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại. Trong xu thế thời đại kỹ thuật số, việc đào tạo được một sinh viên ra trường với đầy đủ kiến thức cốt lõi, đúng với chuyên môn là một điều rất cần thiết: “Chương trình đào tạo của ngành Fintech tại trường Đại học Hoa Sen luôn theo kịp xu thế hiện đại nhưng vẫn đảm bảo những kiến thức nền tảng về tài chính như: Quản trị tài chính; Tài chính doanh nghiệp;… và đặc biệt là các môn liên quan đến Tài chính khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn được trang bị về kiến thức công nghệ (technology) để kết hợp với kiến thức tài chính, nhằm đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”.
Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được cung cấp những thông tin liên quan đến cuộc thi Finnovation 2022, các kiến thức, kỹ năng cần có để khởi nghiệp trong ngành Fintech. Thông qua talkshow, các bạn trẻ đã được tiếp cận những kiến thức nền tảng bài bản và chuẩn mực về Fintech, tài chính, công nghệ số, đồng thời được chia sẻ và truyền cảm hứng về những câu chuyện khởi nghiệp thực tiễn trong lĩnh vực này.
Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng chào mừng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4), Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) với chủ đề: “Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn” do Bộ KH&CN phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo và phát động.