Tài chính thông minh tuổi 20 & Quản trị rủi ro
Sáng ngày 22/10/2020, hội thảo “Tài chính thông minh tuổi 20 và Quản trị rủi ro” được Bộ môn Tài chính – Kế toán, Khoa Kinh tế và Quản trị, trường Đại học Hoa Sen và công ty chứng khoán VNDirect đồng tổ chức diễn ra tại trụ sở Trường Đại học Hoa Sen (TP.HCM). Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện kết nối doanh nghiệp với nhà trường nhằm hướng dẫn các sinh viên cách sử dụng nguồn tiền một cách hiệu quả và ngăn ngừa rủi ro tài chính cá nhân đồng thời sẽ là nền tảng cho các sinh viên trong công việc sau này.
Sự kiện có sự tham dự của TS Trần Nam Quốc – Phó trưởng Khoa Khoa Kinh tế và Quản trị, TS Nguyễn Thị Kim – Trưởng Bộ môn và ThS Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Trưởng Bộ môn Tài chính – Kế toán cùng đông đảo sinh viên trường Đại học Hoa Sen. Hai diễn giả của hội thảo là ThS Phan Nguyễn Hữu Phương – Giám đốc Phòng giao dịch Sala (Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect) và TS Nguyễn Thanh Nam – Giảng viên Khoa kinh tế và Quản trị, trường Đại học Hoa Sen.
Hội thảo “Tài chính thông minh tuổi 20 và Quản trị rủi ro” thu hút nhiều sinh viên tham dự.
Xây dựng sức khỏe tài chính và an tâm đầu tư
Với chủ đề “Xây dựng sức khỏe tài chính và an tâm đầu tư”, ThS Phan Nguyễn Hữu Phương đã có bài thuyết trình thu hút sinh viên. Theo Ths Phương, sức khỏe tài chính gắn với túi tiền của bạn (một tháng chi tiêu bao nhiêu tiền? Trung bình, một người đi làm ở nhà thuê tại TP.HCM có mức thu nhập 15 triệu đồng là đủ). Sức khỏe tài chính là trọn đời và phải xây dựng thận trọng.
ThS Phan Nguyễn Hữu Phương – Giám đốc Phòng giao dịch Sala (Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect).
7 tiêu chuẩn sức khỏe tài chính tính theo thang điểm 100 gồm có: Năng lực phán đoán và lựa chọn (40), cân đối được thu chi, bao gồm đủ những nhóm chi cơ bản (10), tri thức và kinh nghiệm đầu tư (10), kiến tạo được nguồn thu ổn định và đa dạng hóa nguồn thu (10), kỷ luật tích lũy và kiến tạo nếp sống đầu tư đều đặn (10), phân bổ tài sản danh mục đầu tư được đa dạng hóa (10), thiết lập kế hoạch tài chính đầu tư trọn đời (10). Theo Ths Phương, năng lực phán đoán và lựa chọn thì hầu hết mọi người đều có và sức khỏe tài chính của mỗi người khác nhau thế nào được quyết định ở 6 yếu tố còn lại.
Sức khỏe tài chính còn phụ thuộc vào cả 3 loại tài sản được sắp xếp theo hình tháp: tài sản phòng vệ (bảo vệ sức khỏe thanh toán và sức khỏe tài chính trọn đời), tài sản tích sản (tích sản theo mục tiêu) và tài sản đầu tư cơ hội (kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao).
Theo Ths Phương, bảo hiểm là một tài sản phòng vệ rất nhân văn nhưng bị nhiều người ghét vì hoa hồng sales rất cao gây bất lợi cho người tiêu dùng. Thống kê của VNDirect, 70% mối quan tâm của người Việt Nam tập trung về nhà ở bởi tâm lý “an cư lạc nghiệp”, nhà ở được xem là tài sản tích sản.
Có 6 lớp tài sản gồm: bất động sản, tiền tệ, chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu), hàng hóa, bảo hiểm và nguồn lực con người. ThS Phương phân tích các kênh đầu tư cho sinh viên, gồm: gửi tiết kiệm (lãi suất thấp nhưng ổn định và an toàn, hiện mức lãi quanh 6%/năm và có xu hướng giảm theo thế giới), đầu tư bất động sản (phát sinh dòng tiền đều và tăng giá theo thời gian; chú ý vị trí địa lý), hàng hóa (vàng là một kênh sinh lời tốt trong dài hạn nhưng không đem lại dòng tiền đều hàng năm cho nhà đầu tư, thường tăng mạnh trong thời kỳ lạm phát cao, rủi ro suy thoái/khủng hoảng), tiền tệ (USD là kênh có mức sinh lời thấp, cần chú ý đến rủi ro chính trị), và đầu tư chứng khoán (cổ phiếu/trái phiếu, cần có chuyên gia hỗ trợ).
ThS Phan Nguyễn Hữu Phương cảnh báo, sinh viên đi vay tiền của các tổ chức tài chính để đầu tư chứng khoán với hy vọng lời gấp đôi, gấp ba sẽ dễ rơi vào “dành hết thanh xuân để trả nợ”. Các bạn trẻ phải thận trọng và có kiến thức. Là sinh viên, có thể đầu tư từ thu nhập tiết kiệm. Với câu hỏi “là sinh viên chưa đi làm, tiền do bố mẹ cho thì tiền đâu để đầu tư?”, ThS Phương giải bài toán cho các sinh viên: giảm chi tiêu, tăng thu nhập bằng cách xin thêm tiền bố mẹ hoặc đi làm thêm kiếm tiền, giúp tăng thu nhập, kinh nghiệm lẫn va chạm cuộc sống. Muốn tự do tài chính phải liên tục nâng cấp bản thân, chi tiêu hợp lý, tích trữ tài sản và không ngừng đầu tư.
Quản trị rủi ro tài chính cá nhân
Với chủ đề “Quản trị rủi ro tài chính cá nhân”, TS Nguyễn Thanh Nam chia sẻ đến các sinh viên nhiều kiến thức bổ ích.
TS Nguyễn Thanh Nam – Giảng viên Khoa kinh tế và Quản trị, trường Đại học Hoa Sen.
TS Nam chia sẻ, phương pháp quản lý tiền theo nguyên tắc 6 cái lọ (JARS) nổi tiếng khắp thế giới với lịch sử hàng trăm năm, được những người thành công áp dụng. Họ còn truyền lại phương pháp hữu ích này để giáo dục tư duy triệu phú cho thế hệ sau. “Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền. Điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu, và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn bao nhiêu lần”, theo đồng tác giả sách “Rich dad poor dad” – Robert T. Kiyosaki.
Đối với rất nhiều người, chi tiêu dễ dàng hơn rất nhiều so với tiết kiệm. Vì vậy, khi theo dõi các khoản chi, ta sẽ không chi tiêu nhiều hơn những gì ta nghĩ hoặc mong ước. Nếu quản trị rủi ro tài chính cá nhân tốt thì ta sẽ có dư tiền khi nghỉ hưu vào một ngày nào đó, giúp ta đạt được những mục tiêu, hoạch định tài chính; giúp ta đạt được sự độc lập tài chính và giúp ta hiểu được nên chi tiêu tiền bạc vào đâu.
Vòng đời tài chính cá nhân gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 – những năm đầu là thời gian tích lũy của cải, xây dựng kế hoạch tiết kiệm, đề ra những mục tiêu ban đầu cho từng khoảng thời gian và thiết lập chiến lược đầu tư dài hạn. Giai đoạn 2: tiếp cận việc về hưu – những năm vàng: nhận diện những mục tiêu trung hạn được thiết lập ở giai đoạn 1, ước tính lại kế hoạch nhằm bám sát mục tiêu hiện thời và lên kế hoạch chuẩn bị nghỉ hưu. Giai đoạn 3 : Những năm về hưu: giảm rủi ro đầu tư, tập trung duy trì tài sản hiện hữu hơn là gia tăng tài sản và lập kế hoạch chuyển giao tài sản. Ngoài ra, cần dự tính nghề nghiệp có thể làm khi nghỉ hưu nhưng lưu ý: công việc ưa thích, nhẹ nhàng, thu nhập tài chính phù hợp vừa phải, cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Kết lại bài thuyết trình, TS Nguyễn Thanh Nam khuyên sinh viên đừng bỏ qua vòng đời tài chính và phát triển tốt nghề nghiệp để đảm bảo thành công của bản thân và thành công tài chính.
Hoàng Nguyễn
Ảnh: Vũ Ngọc Mạnh