Sụt lún nghiêm trọng sau động đất Nhật Bản
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Mỹ cho thấy siêu động đất 8,9 độ Richter đã khiến đất ở Nhật Bản trở nên nhão nghiêm trọng, dịch chuyển trên diện rộng và nền đất có nơi lún đến 1,2m.
Khu vực dưới chân nhà máy nước ở Nhật Bản bị lún đến 1m sau động đất – Ảnh: Đại học Oregon
Kết quả nghiên cứu của Đại học Oregon công bố trên tạp chí LiveScience cho biết sự dịch chuyển này rất bất thường, khiến các chuyên gia giàu kinh nghiệm cũng phải kinh ngạc.
Những khu vực gần bờ biển, bến cảng, sông ngòi, trận siêu địa chấn đã khiến đất cát ướt như vừa bị xóc lên, biến nó từ trạng thái rắn chắc sang dạng lỏng. Đất, đá, cát nặng hơn bị chìm xuống, trong khi nước và cát nhẹ hơn nổi lên bề mặt. Bùn than trào rộng ra theo nước và làm cho bề mặt dịch chuyển.
Nghiên cứu này khiến giới chuyên gia đặt nghi vấn về luật xây dựng hiện hành ở những địa điểm dễ bị ảnh hưởng khác có đảm bảo cho các công trình đứng vững khi xảy ra hiện tượng “hóa lỏng đất” trên diện rộng như vậy không.
“Toàn bộ các công trình bị nghiêng và lún xuống dù không hư hại gì – Scott Ashford, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết – Đất dịch chuyển khiến các đường ống cấp thoát nước, dẫn gas bị hỏng, gây biến dạng các cơ sở hạ tầng mà khu dân cư đang sử dụng”.
Họ cho rằng trận động đất kéo dài đến 5 phút có thể là nguyên nhân gây ra sự hóa lỏng nghiêm trọng trên. Ashford cho biết các công trình có thể trụ vững nếu động đất kéo dài 30 giây nhưng chúng sẽ lún và nghiêng khi rung chấn kéo dài thêm vài phút nữa.
Những nền đất mới bồi (đất được coi là “non” khi mới được bồi trong vòng 10.000 năm trở lại đây) và các khu vực xây dựng trên nền mới san lấp thuộc diện dễ bị ảnh hưởng hơn.
Điều này cũng khiến các nhà khoa học đặt nghi vấn cho một số công trình tại Mỹ, khi 1.100 cây cầu ở Oregon trong diện nguy cơ cao nếu động đất xảy ra ở vùng lún Cascadia.
(Nguồn: Tuổi Trẻ)