Đại học Hoa Sen – HSU

Streetwear Việt Nam và sự cách li vốn có

Lê Minh Trí (hay còn gọi Trí Minh Lê) là một Fashion Blogger có sức ảnh hưởng lớn với giới trẻ Việt Nam. Trước sự cá tính của các HSU-ers, anh đã đồng ý gửi tặng bài chia sẻ về thời trang đường phố cho các HSU-er nói riêng cũng như các bạn trẻ yêu thích thời trang ở Việt Nam nói chung. Hãy là những HSU-er có kiến thức thời trang thật hypebeast nhé.

——————————–

Khoảng thời gian này, mọi người vẫn đang thực hiện theo sự vận động của nhà nước “Cách li xã hội” để bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng. Nhưng nhìn về nền thời trang đường phố nước nhà, nó vốn đã thực hiện việc “Cách li” từ bao giờ.

Một buổi set up thời trang (Ảnh: tác giả)

Sau thời kì bao cấp (1975 – 1986), Việt Nam đã thực hiện chính sách Đổi Mới, bắt đầu mở cửa với các nền kinh tế toàn cầu. Sự “bế quan tỏa cảng” chính thức bị dỡ bỏ và thị trường mở ra để đón những cơ hội mới. Cũng từ đây, các xu hướng văn hóa và thời trang nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam. Chúng ta gỡ bỏ được bức tường “Cách li” số 1 về giao thương.

Phong cách ăn mặc thời thượng ở Việt Nam thời kì đổi mới (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, thực tế vốn không dễ như tưởng tượng. Lối suy nghĩ về phong cách thời trang cũ đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ đi trước. Đối với họ, ăn mặc theo phong cách Tây- Âu hóa là lố lăng, đi ngược lại với “thuần phong mỹ tục”và văn hóa Á Đông. Chính vì thế, rất nhiều bất cập trong phong cách ăn mặc đã xảy ra trong thời kì này. May thay, cùng với thời gian và sự mở rộng thông tin, suy nghĩ kiểu cũ đấy đã dần được thay thế bằng sự chấp nhận hơi thở của thời đại. Đàn ông tự tin mặc đồ màu hồng, phụ nữ có thể mặc táo bạo, khoe được đường cong nhiều hơn. Bức tường “Cách Li” số 2 về tư duy dần được dỡ bỏ.

Phong cách ăn măc thời thượng của Việt Nam thời kì đổi mới (Ảnh: internet)

Quay lại về nền thời trang đường phố nước nhà, có lẽ, điểm xuất phát đầu tiên của Streetwear Việt Nam là từ Hiphop (từ Forum huyền thoại viethiphop.com)- nơi những đàn anh gạo cội với niềm cảm hứng từ Rap, Graffiti… đã mạnh dạn khoác lên mình những thương hiệu thời trang đường phố như Obey, Tribal, Vans, Evisu,… Niềm cảm hứng và cộng đồng nhỏ đó nhanh chóng bùng nổ mãnh liệt dưới cái tên “Sneakerhead”. Từ đây, những người yêu thích giày và sneaker (đặc biệt là giày bóng rổ) đã hội tụ lại, chia sẻ kiến thức và “không phân chia giọng hát, tiếng cười” để cùng xây dựng một linh hồn mới đầy mạnh mẽ.

Thời trang đường phố Việt Nam những thời đầu gắn liền với những cái tên như Andree Right Hand,… (Ảnh: internet)

Như diều gặp gió, dưới sự ủng hộ và quyết tâm lớn của nhiều cá nhân, cộng đồng Sneaker Việt Nam đã chứng tỏ được sức bật của đàn anh và thế hệ gen Z. Rất nhiều người bắt đầu chơi giày và những thương hiệu như Yeezy Nike Air, Airmag, Jays, Jeremy Scott adidas, Supra Tk, … dần phổ biến. Có lẽ những cái tên trên sẽ đi vào kí ức “huy hoàng” của nhiều người nhưng nó cũng đã bắt đầu sự rạn nứt với cái tên “Cách li thế hệ mới”.

Cụm từ “Hypebeast” đang là một trong những từ khoá được tìm kiếm bậc nhất ở Việt Nam và toàn thế giới. Có một đôi sneaker xịn là chưa đủ, quan trọng là nó được mix & match với quần áo gì và của thương hiệu nào. Đôi giày không còn là tất cả mà chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể mang tên “Outfit of The Day” (#OOTD). Đây cũng là khởi đầu của cơn sóng thần thay đổi cả một nền công nghiệp thời trang mang tên “Streetwear”.

Đúng vậy, Streetwear bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam nhanh tới mức không tưởng. Một ngày ở các group chuyên về outfit của Việt Nam trung bình có hàng trăm bức ảnh cũng như hàng ngàn bình luận và lượt tương tác. Thế hệ Gen Z đã coi “Streetwear” là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ. Dẫu vậy, mặt bằng tài chính chung của thị trường nền tảng Việt Nam chưa cao, chúng ta khó mua được những sản phẩm nước ngoài cũng như sản phẩm của những thương hiệu quốc tế với mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một cách thường xuyên. Và Streetwear Local Brands Việt ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu khổng lồ đó của những người trẻ Việt.

Một trong những phong cách thời trang đường phố Việt Nam ngày nay (Ảnh: Trí Minh Lê)

Tuy nhiên, “dục tốc bất đạt”, cái gì nhanh mà không có nền tảng tốt sẽ có nhiều vết nứt. Vết nứt đó sẽ tạo nên những rào cản “Cách li” không thể tránh khỏi. Đây chính là “sự cách li của thời trang đường phố Việt Nam”:

Cách li thế hệ 

Nôm na cho rằng, rất nhiều Gen Z có tâm lí đám đông hoặc cái tôi quá lớn đã tạo cảm giác không hề dễ chịu đối với các đàn anh và tiền bối đi trước. Điều này khiến nhiều người có thâm niên và kinh nghiệm trong sân chơi sneaker/streetwear community cảm thấy “chán nản” và “hụt hẫng” khi giới trẻ ngày nay “làm cái gì mà tôi không biết”. Họ rời xa dần sân chơi và chỉ coi đó như một kỉ niệm hào hùng thời trẻ của mình. Và rồi giới trẻ chơi kiểu giới trẻ, người cũ chơi kiểu người cũ.

Cách li về nhóm

Dễ dàng nhận ra nền thời trang Việt Nam phát triển mạnh và du nhập khá nhiều phong cách đa đạng khác nhau. Thay vì cùng kết nối và tạo một hơi thở chung thì đa phần các tín đồ thời trang (các nhóm, các diễn đàn, những người chơi “Streetwear”, “Fashion Icon”, “Fashionista 4.0”, …) không ngừng “bash” và công kích nhau khi không vừa ý. Nếu có thể góp ý nhẹ nhàng, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khá nhiều. Và rồi, Hypebeast thì chơi Hypebeast, Darkwear thì chơi Darkwear, … Thật khó để có thể tạo dựng một tiếng nói chung cho cộng đồng thời trang đường phố Việt Nam.

Cách li về xu hướng

Dù Việt Nam được coi là một thị trường năng động và mở cửa, nhưng phần nhiều Gen Z lại cập nhật xu hướng mới khá chậm. Việc này có thể biện chứng thông qua sở thích mua hàng cũng như thói quen mặc đồ của Gen Z trong giai đoạn 2018 -2019. Đơn cử, xu hướng hiện tại đã chuộng hơn về trải nghiệm chất vải, form dáng thiết kế và thời kì của Logomania đã tiến tới giai đoạn thoái trào. Thì ở Việt Nam vẫn yêu thích những thứ đồ có Big Logo và sự Flex hơn là những “Artwork” hoặc những thiết kế có ý nghĩa và chiều sâu tư tưởng.

Cách li về Nội – Ngoại

Khá nhiều bạn trẻ Việt Nam có xu hướng chuộng hàng ngoại quốc. Hầu hết vẫn chỉ bằng lòng bỏ ra từ 500.000 đến 800.000 VND cho một sản phẩm của người Việt làm. Nếu hàng nội địa có giá quá cao, đa số sẽ nghĩ “thà mua đồ ngoại còn hơn”. Điều này không sai, nhưng nếu nhìn rộng ra một chút, ta sẽ thấy rất nhiều đồ “Made in Vietnam” bởi những con người tài hoa và chất lượng của chúng ngang bằng thậm chí có khi hơn về thiết kế trong mảng thời trang đường phố. Mình đảm bảo chúng còn tốt hơn rất nhiều so với các sản phẩm ngoại đồng giá.

Cách li về Tư Tưởng

Bị ảnh hưởng mạnh bởi các Youtuber và Vlogger, khá đông những bạn trẻ Gen Z đã tự “cách li bản thân” về thời trang. Điều này có nghĩa là chính chúng ta bị “cách li” trong gu thẩm mĩ hay thời trang của người có sức ảnh hưởng. Việc hâm mộ thái quá và copy thời trang 100% vô tình khiến chúng ta không thể nào “mở lòng” đối với những phong cách thời trang khác vì đối với họ, thế mới là thời trang, thế mới là thời thượng. Thần tượng một ai đó là không sai và là quyền tự do của mỗi người, nhưng hãy suy nghĩ một cách logic như này: thời trang của một cá nhân, một Youtuber, một Vlogger nào đấy sẽ chỉ gói gọn trong thế giới quan của chính họ, nếu chúng ta copycat theo, chẳng phải chúng ta đã tự nhốt bảnthân trong thế giới quan của người khác hay sao.

Sau cùng thì bài viết này chỉ nhằm giúp các HSU-er nói riêng cũng như những ai yêu thích thời trang đường phố nói chung có được một cái nhìn khách quan và nhiều chiều sâu hơn. Mong rằng đại dịch này qua đi và chúng ta sẽ không còn “Cách li” kể cả cộng đồng cũng như trong nền thời trang đường phố.

Trí Minh Lê 

Facebook Youtube Tiktok Zalo