Sinh viên Thiết kế thời trang HSU tổ chức Triển lãm cửa hàng pop-up giả lập để kết thúc môn học
Tháng 8 vừa qua, sinh viên chuyên ngành Kinh doanh Thời trang HSU đã có buổi báo cáo đề án môn học. Tuy nhiên, thay vì tổ chức báo cáo và thuyết trình thông thường, các bạn sinh viên đã tổ chức buổi triển lãm L’EXPO 93 để trình bày bài thi và giới thiệu đến người tham dự các mô hình cửa hàng Pop-up giả lập.
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ cũng như nhiều doanh nghiệp thời trang, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ và marketing thời trang.
L’Expo 93- Mở cửa cho nhiều kết nối doanh nghiệp
Với đề án này, các bạn sinh viên HSU đã hợp tác cùng các thương hiệu nội địa Việt Nam để sử dụng các sản phẩm, trang phục làm chất liệu cho bài tập. Đề bài đặt ra là các sinh viên sẽ phân tích, nghiên cứu các thương hiệu được giao để đưa ra các đề xuất, giải pháp với mục tiêu phát triển nhận diện thương hiệu- chiến lược truyền thông marketing cho các thương hiệu nghiên cứu. Sinh viên cũng đồng thời báo cáo về chiến lược kinh doanh và phân phối cho Bộ sưu tập đang làm việc (Dự báo doanh số trong 6 tháng, phân tích và kế hoạch tìm kiếm khách hàng mục tiêu, chiến lược chọn kênh bán hàng, etc).
Một số Local brand đã đồng hành cùng sinh viên Kinh doanh Thời trang HSU cho đề án L’Expo 93 như: DVRK, Môi Điên, Eyes of the storm, 67%, ETU handcraft. Đây là các thương hiệu thời trang tại Việt Nam được nhiều quan tâm của giới trẻ vì có bản sắc thương hiệu độc đáo, rõ nét.
Trong buổi báo cáo, sinh viên đã thuyết trình về đề án của mình trước các doanh nghiệp là giám đốc, trưởng bộ phận của các công ty thời trang đang có mặt tại Việt Nam như: Bà Nguyễn Thi Ressly (Group brand director Maison); Ông Tống Đức Dũng (Former Vice President Ju Clothing); Bà Aivy Xuân Trần (Visual merchandising manager Mango); ÔngTom Trandt (Founder Moi Dien- Creative director Hanoia); Bà Phùng Ngọc Minh ( Founder EFK Vietnam, Former Operation manager Mothercare); Bà Windy Uyên Lê (Co-Founder D2N concept); Bà Hà Võ (Fashion startup). Các khách mời đã đặt câu hỏi và đưa ra nhiều góc nhìn cho sinh viên về các vấn đề như: Trưng bày cửa hàng, Chiến lược sản phẩm Thời trang, chiến lược phân phối kênh bán hàng, chiến lược định vị và tìm kiếm khách hàng mục tiêu.
Bên cạnh các chiến lược thương hiệu đề xuất, các sinh viên sẽ thiết kế và dựng mô hình cửa hàng POP-UP cho thương hiệu. Trên thực tế, cửa hàng POP-UP là một cửa hàng ngắn hạn, được thương hiệu đặt tạm thời tại một địa điểm đi theo concept nhất định, với những thiết kế và trải nghiệm độc đáo thôi thúc khách hàng tìm hiểu và tương tác với sản phẩm, với thương hiệu.
Đề án môn học đã tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi những kinh nghiệm thực chiến từ các doanh nghiệp, có cơ hội kết nối với các nhà tuyển dụng, nhà đầu tư và tài trợ cho các dự án thời trang trong tương lai gần. Đối với sinh viên kinh doanh, việc tạo điều kiện cho các em tiếp cận sớm với môi trường doanh nghiệp và mở rộng quan hệ với các đối tác là điều cần thiết.
Chương trình hân hạnh nhận được sự tài trợ địa điểm từ bà Chu Thị Hồng Anh cùng với thương hiệu Thời trang Chu Gallery và Chu Artspace. Chu Artspace là không gian nghệ thuật đề chào đón và kết nối với cộng động nghệ thuật tại Việt Nam.
Workshop “ THIỀN THÊU”
Trong khuôn khổ đề án kết thúc môn học, các bạn sinh viên còn được tham gia workshop “Thiền thêu” diễn ra vào ngày 18/08/2023. Sự kiện được thực hiện bởi ông Thanh Phúc- Co-Founder ETU Handcraft: Người tham dự sẽ được hướng dẫn đan sợi cotton để tạo ra chiếc móc khóa có hình dáng những chữ cái in hoa.
Talkshow “Fashion retail career orientation”
Talkshow “Fashion retail career orientation” là buổi chia sẻ từ các doanh nghiệp về nghề nghiệp trong lĩnh vực business- marketing thời trang, đặc biệt là ở lĩnh vực thời trang bán lẻ. Người tham dự sẽ có cơ hội hiểu hơn về nhu cầu lao động của các công ty thời trang, những vị trí đang được tìm kiếm nhiều trên thị trường cũng như mong đợi từ các doanh nghiệp.
Tại buổi trò chuyện, các khách mời đã chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của sinh viên cũng như các bạn trẻ tham dự về nhu cầu của thị trường lao động tại Việt Nam cũng như tìm hiểu về các vị trí công việc ở lĩnh vực Fashion retail. Các bạn trẻ cũng có buổi thảo luận để hiểu về về thuận lợi cũng như thách thức khi việc ở môi trường các tập đoàn thời trang quốc tế, và sự khác nhau khi làm việc ở một doanh nghiệp nội địa (Local brand). Điều cuối cùng, thông qua chia sẻ với các em về những mong đợi của các doanh nghiệp thời trang khi tuyển dụng, đại diện các doanh nghiệp cho thấy một nhu cầu lớn về tuyển dụng ở lĩnh vực Kinh doanh Thời trang.
Tuy nhiên các tập đoàn Thời trang cho thấy sự kỳ vọng về một lực lượng lao động có hiểu biết chuyên môn, kiến thức thời trang và rất mong đợi vào sự đóng góp của các sinh viên cho ngành công nghiệp thời trang trong tương lai.
Thông qua việc thực hiện đề án môn học, L’Expo 93 đã mang lại nhiều trải nghiệm học thuật thực tế và tạo cho các bạn kết nối nhiều hơn với các cộng đồng nghệ thuật và doanh nghiệp.
Chuyên ngành Kinh doanh Thời trang được mở ra từ khoá TK20, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Thời trang. Chương trình có hợp tác sư phạm với Ecole Conte- College de Paris. Sinh viên sau khi Tốt nghiệp sẽ được nhận bằng Cử nhân Thiết kế Thời trang của Đại học Hoa Sen cùng chứng chỉ hoàn thành chương trình chuyên ngành Kinh doanh Thời trang do College de Paris cấp. Các môn học hợp tác đào tạo với College de Paris thuộc chương trình Master Fashion and Luxury management của College de Paris. Sinh viên sẽ được miễn trừ các học phần đã học tại Đại học Hoa Sen trong chương trình Kinh doanh Thời trang nếu tiếp tục theo học chương trình Master của College de Paris.
Cùng xem lại một số hình ảnh của sự kiện.