Đại học Hoa Sen

Thế giới khác của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Lần đầu tiên được xem sự đổi màu kỳ diệu từ hoa đậu biếc sấy khô và bột nở (baking soda) hay bìa các tông có thể làm nên cánh tay độc đáo, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được sống trong một thế giới khác.

Các em có hoàn cảnh đặc biệt được trải nghiệm khoa học với gian hàng chế biến nước rửa tay /// Ảnh Chìa Quang Lý

​Các em có hoàn cảnh đặc biệt được trải nghiệm khoa học với gian hàng chế biến nước rửa tay

ẢNH CHÌA QUANG LÝ

Đó là những hoạt động tại hội chợ khoa học và nghệ thuật vừa kết thúc tại Trường ĐH Hoa Sen, Q.1, TP.HCM, chiều 26.7. Tham gia hội chợ là 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đến từ Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn và Chi hội bảo trợ trẻ em Hóc Môn (CEPORER Hóc Môn).

Trong không gian sáng tạo, 50 em nhỏ khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trải nghiệm nhiều hoạt động sáng tạo. Nhiều em nhỏ cho biết, đây là lần đầu tiên em được sống trong không gian đặc biệt và thú vị như thế này. Được các thầy cô, anh chị sinh viên hướng dẫn tô màu sáng tạo, các em nhỏ cũng được trang trí túi vải. Trong trải nghiệm này, các em nhỏ được hướng dẫn pha màu, phối màu và sử dụng màu để trang trí túi vải theo sở thích và phong cách cá nhân.

Thế giới khác của trẻ hoàn cảnh đặc biệt - ảnh 1

Thế giới khác của trẻ hoàn cảnh đặc biệt - ảnh 2

Thế giới khác của trẻ hoàn cảnh đặc biệt - ảnh 3

Túi vải do các em nhỏ trang trí 

ẢNH CHÌA QUANG LÝ

Bên cạnh đó, các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt được trải nghiệm Cánh tay toàn năng, mô hình do sinh viên khoa du lịch thiết kế hay khám phá khoa học với gian hàng chế biến nước rửa tay, khám phá 5 cấp bậc phép tính tư duy…

Hà Minh Tuấn, 16 tuổi, CEPORER Hóc Môn, chia sẻ, đây là lần đầu tiên tham gia hội chợ khoa học và nghệ thuật và mang tới mô hình núi lửa phun trào, có sử dụng baking soda để tạo phản ứng phun trào. “Các bạn anh chị sinh viên rất ít người biết mô hình này nên mọi người thích thú với mô hình của tụi con. Gian hàng nấc thang toán học là gian hàng con thích nhất, giúp con tập trung, động não để giải toán, biết cách tính nhẩm nhanh”, Tuấn nói.

Thế giới khác của trẻ hoàn cảnh đặc biệt - ảnh 4

Thế giới khác của trẻ hoàn cảnh đặc biệt - ảnh 5

Thế giới khác của trẻ hoàn cảnh đặc biệt - ảnh 6

Trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt lần đầu được trải nghiệm sự đổi màu từ hoa đậu biếc khô, baking soda…

ẢNH CHÌA QUANG LÝ

Tạ Minh Đạt, 14 tuổi, CEPORER Hóc Môn, hào hứng: “Con rất thích hội chợ ngày hôm nay. Gian hàng con thích nhất là khoa học đổi màu, ở đây có dùng hoa đậu biếc sấy khô và baking soda làm thành các phản ứng”.

Chia sẻ tại chương trình, Tiến sĩ Giang Thúy Minh, Phó Trưởng Phòng quản lý nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường ĐH Hoa Sen cho hay, sự hài hòa giữa khoa học và nghệ thuật là nền tảng để xây dựng khả năng sáng tạo cho người học. Trường tin rằng, đây chính là cách giáo dục tiên phong trong kỷ nguyên mới. 

Giáo dục STEM kết hợp Arts (STEAM) là phương pháp hướng đến sự phát triển hài hòa và toàn diện của một cá nhân, từ năng lực “hiểu, ứng dụng, phân tích, đánh giá” đến mức cao nhất là “sáng tạo” .

Hội chợ khoa học và nghệ thuật cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nằm trong dự án “Connecting with the World through STEAM”, do Trung tâm Service-learning triển khai và giám sát thực hiện, với sự tài trợ của LIN – Quỹ rút ngắn khoảng cách.

Thế giới khác của trẻ hoàn cảnh đặc biệt - ảnh 7

Các em cùng tô màu sáng tạo

ẢNH CHÌA QUANG LÝ

Đáng chú ý, sinh viên của trường là nhân sự chủ lực của dự án, từ đánh giá nhu cầu, thiết kế và tổ chức triển khai 20 hoạt động phù hợp với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Các bạn trẻ cho hay, với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, việc tiếp cận phương pháp giáo dục STEAM này còn nhiều hạn chế, một phần do phụ huynh không đủ nguồn lực tài chính.

Nguồn bài viết: Báo Thanh Niên

Bài: Thúy Hằng

Hình ảnh: Chìa Quang Lý

Facebook Youtube Tiktok Zalo