Sinh viên HSU hiến kế giải pháp ngăn chặn nạn quấy rối tình dục khi tham gia giao thông công cộng*
(PL)- Hầu hết phụ nữ, nhất là học sinh, sinh viên nữ ở TP.HCM từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt và những nơi công cộng khác.
NTA, sinh viên (SV) ĐH Hoa Sen, chia sẻ câu chuyện của cô bạn thân bị hoảng loạn vì bị quấy rối tình dục ở bến xe buýt. Trước đó, trong một lần chờ xe buýt lúc chiều tối, cô đã bị một người nam bất ngờ nắm tay và cởi đồ khoe cơ thể. Cô sợ hãi bỏ chạy. Khi về đến nhà, cô kể với phụ huynh thì phụ huynh nói: “Lần sau cẩn thận, coi như bị xui thôi”. Sau đó cô vẫn phải bắt xe buýt đi học vì phụ huynh không thấy đó là vấn đề nghiêm trọng. Mỗi khi lên xe buýt là cô lại bị ám ảnh, sợ hãi.
Đây chỉ là một trong những trải nghiệm thực tế được các bạn SV chia sẻ tại hội thảo về thực trạng và giải pháp an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái khi tham gia giao thông công cộng sáng 25-12. Hội thảo do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM phối hợp với ĐH Hoa Sen tổ chức.
Quấy rối tình dục chưa được nhìn nhận đúng
NVB, SV nam của ĐH Hoa Sen, chia sẻ kinh nghiệm của mình trước nạn quấy rối tình dục: “Lúc tôi học cấp III, có một kẻ quấy rối hay chờ gần trường học để chọc ghẹo, đụng chạm học sinh. Chúng tôi đã báo cáo với các thầy cô và được khuyên… cẩn thận. Chỉ khi một cô giáo bị quấy rối thì nhà trường mới nhìn nhận vấn đề đó nghiêm trọng, mới báo công an”. Cũng từ kinh nghiệm đó mà anh đề nghị các bạn bè SV của mình lên tiếng mạnh mẽ để vấn nạn quấy rối tình dục được nhìn nhận đúng mức.
Các sinh viên thảo luận, hiến kế để ngăn chặn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng. Ảnh: H.MINH
Từ một cuộc khảo sát phối hợp giữa UNI Women (Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam) và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, 11,7% nam giới khi được phỏng vấn thừa nhận đã từng quấy rối tình dục đối với người khác. Trong số đó có tới 29% là nam SV. Giải thích cho hành vi của mình, một nhóm nam giới cho rằng “phụ nữ đi chơi một mình buổi tối chắc là không đàng hoàng”.
Dẫn chứng cuộc khảo sát này, ThS Nguyễn Thị Oanh, Trưởng khoa Công tác xã hội, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM, nói: “Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân là rất phổ biến. Cũng chính vì vậy mà nhiều nạn nhân bị quấy rối đã không dám lên tiếng vì sợ bị đánh giá”.
Hiến kế chống quấy rối tình dục
Một nhóm SV đã kiến nghị những xe khách có giường nằm nên chia khu vực nam và nữ riêng biệt. Bởi có nhiều nam hành khách lợi dụng hành khách nữ mệt, ngủ say trên xe để sờ soạng, quấy rối. Các bạn SV này cũng kiến nghị phải lắp đèn chiếu sáng ở các nhà chờ xe buýt, lắp đặt các nút bấm khẩn cấp trên xe buýt và ở nhà chờ khi hành khách bị quấy rối.
Một nhóm SV khác cho rằng phải có giải pháp để nam giới tham gia các chương trình học tập về quyền lợi của phụ nữ, vì định kiến giới ở TP.HCM vẫn còn nặng nề. Quỳnh Anh, SV ĐH Hoa Sen, nói: “Phương châm của chúng tôi là đừng lặng im. Nạn nhân phải lên tiếng và mỗi chúng ta cũng phải lên tiếng”.
Theo khảo sát của UNI Women, gần 1/2 số phụ nữ và trẻ em ở TP.HCM khi bị quấy rối tình dục đã không bao giờ báo vụ việc cho các cơ quan chức năng vì nhiều lý do: sợ bị đổ lỗi, sợ xấu hổ, không tin tưởng các cơ quan chức năng có thể giúp… |
Bài và ảnh: HỒNG MINH
*Tựa đề do TT Service-learning đặt lại.
** Bài viết của tác giả Hồng Minh, đăng trên báo Pháp Luật, với tiêu đề “Cha mẹ còn thờ ơ khi con cái bị quấy rối trên xe buýt”, thứ Tư, ngày 26/12/2018 lúc 01:40
***Bài báo mô tả lại hội thảo “Thực trạng và giải pháp an toàn dành cho phụ nữ và trẻ em gái khi tham gia giao thông công cộng” – được tổ chức vào lúc 8:30-12:00 ngày 25/12/2018 tại khách sạn Hoàng Ngân. Đây là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ hợp tác giữa TT Service-learning (HSU) và TT Quản lý giao thông công cộng TP.HCM được UN Women tài trợ.