Giới thiệu mô hình Service-Learning của HSU tới giảng viên Xã hội học
Ngày 23/11/2019 vừa qua, Th.S Trương Nguyễn Bảo Trân đã chia sẻ mô hình Service-Learning (Học qua phục vụ cộng đồng) của trường Đại học Hoa Sen tại tọa đàm “Vai trò của học tập phục vụ cộng đồng trong nghiên cứu và giảng dạy Xã hội học” do Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức. Tham dự viên của tọa đàm là các giảng viên, nhà nghiên cứu Xã hội học từ trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM, trường đại học Mở TP.HCM, trường Đại học Lao Động Xã hội cơ sở 2, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Bình Dương, Phòng Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Học viện Hành chính Quốc gia.
Hình 1: Đại diện trung tâm Service-Learning chia sẻ mô hình Service-Learning của HSU
Tại buổi tọa đàm, Th.S Trương Nguyễn Bảo Trân đã giới thiệu các hình thức Service-Learning của trường Đại học Hoa Sen, gồm có:
- Đề án Service-Learning (SLA), là hình thức lồng ghép các bài tập Service-Learning trong môn học, giảng viên thay đổi phương pháp dạy học, cách đánh giá và dành thời gian cho sinh viên học và phục vụ tại cộng đồng. Ở hình thức này, sinh viên nhận được điểm từ giảng viên và đối tác cộng đồng;
- Môn học Service-Learning (SLC), với hình thức này, sinh viên khoảng 1/3 thời lượng môn học để phục vụ cộng đồng và 1/3 thời lượng để chuẩn bị, viết nhật ký cá nhân, thực hiện báo cáo nhóm, bài thuyết trình nhóm. Ở hình thức này, sinh viên nhận được điểm từ giảng viên, đối tác cộng đồng, từ việc viết nhật ký cá nhân và từ nhóm trưởng.
- Dự án Service-Learning (SLI), là các nhu cầu cộng đồng được khởi xướng thành dự án, qua đó sinh viên tích lũy thực tập nhận thức dưới hình thức tích lũy.
- Dự án Service-Learning quốc tế (ISL), là các dự án hợp tác với các trường đại học quốc tế, qua đó, sinh viên có cơ hội phục vụ cộng đồng, giao lưu văn hóa và học hỏi các giá trị từ bạn bè
- Dự án Service-Learning nước ngoài (OSL), là các dự án SL được thực hiện ở nước ngoài bởi sinh viên trường Đại học Hoa Sen.
Hình 2: Tham dự viên của tọa đàm
Bên cạnh đó, đại diện trung tâm Service-Learning cũng chia sẻ tới tham dự viên về đặc điểm môn học SL của HSU cũng như vai trò của trung tâm SL trong việc hỗ trợ giảng viên, sinh viên và đối tác cộng đồng thực hiện SL.
Hình 3: Tham dự viên của tọa đàm
Mô hình Service-Learning của HSU được giảng viên, nhà nghiên cứu Xã hội học quan tâm tìm hiểu và đặt nhiều câu hỏi để hiểu thêm mô hình này. Các nội dung mà đại diện trung tâm Service-Learning và tham dự viên đã trao đổi thêm tại tọa đàm như cách triển khai việc đánh giá, cách khảo sát nhu cầu cộng đồng và xây dựng mối quan hệ hợp tác với đối tác cộng đồng, việc ứng dụng phương pháp này trong các môn học 1 hoặc 2 tín chỉ.
Hình 4: Giảng viên Xã hội học đặt câu hỏi cho các diễn giả
Thông tin thêm
Đại học Hoa Sen là một trong những trường đại học đầu tiên của Việt Nam áp dụng phương pháp Service-Learning trong giảng dạy và cũng là trường đầu tiên thành lập trung tâm Service-Leanring vào năm 2015 để hỗ trợ giảng viên, sinh viên ứng dụng Service-Learning.
Mô hình Học thông qua phục vụ cộng đồng được định nghĩa là trải nghiệm giáo dục có tích lũy điểm tín chỉ học tập mà ở đó, sinh viên tham gia hoạt động có tổ chức nhằm phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đã được xác định của cộng đồng, nhờ đó có sự am hiểu hơn về nội dung môn học, phản hồi hoạt động phục vụ cộng đồng, qua đó có đánh giá bao quát hơn về chuyên ngành và gia tăng ý thức trách nhiệm công dân (Bringle & Hatcher, 1995). Ngoài ra, Service-learning còn được hiểu là cách học làm chủ và áp dụng kiến thức và kỹ năng học thuật trong tình huống thực tế, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng (Groh et al., 2011).
Tin: Trương Nguyễn Bảo Trân
Hình ảnh: Khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM