Sách và những người trẻ tử tế
Nhiều người được cho là “người lớn”, có mua sách để đọc, thường đặt mình ở một thế cao để nhìn xuống chê bai rằng người trẻ đọc sách quá ít, văn hóa đọc không có, than phiền tỷ lệ đọc sách ở Việt Nam là chưa đến 1 quyển/người/năm…
Và những “người lớn” ấy vẫn chưa làm gì để lan tỏa việc đọc sách, văn hóa đọc ra cộng đồng. Nhưng đâu đó vẫn có nhiều gương trẻ âm thầm đem sách đến cho cộng đồng. Đó là Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Trần Hoàng Việt, Lê Thị Xuân Mai và nhiều bạn trẻ khác… Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các bạn, những người trẻ tử tế, các bạn đã giúp nhiều người nhận ra rằng cuộc đời này còn những sắc hồng.
Ước mơ “sách hóa nông thôn”
Khởi hành chuyến đi xuyên Việt từ mùng 1 Tết Ất Mùi (19-2-2015), chọn cách đi bộ và dùng Facebook như một cuốn nhật ký điện tử, đến nay Nguyễn Quang Thạch, người thanh niên sinh năm 1975 với thân hình gầy gò, gương mặt sạm đi bởi sương gió bụi đường, đã hoàn thành được 1/6 chặng đường xuyên Việt hiện thực ước mơ “Sách hóa nông thôn” của mình.
Nguyễn Quang Thạch
Từng dành ra 10 năm nghiên cứu lý thuyết và lập ra đề án cho mô hình thư viện ở nông thôn, 8 năm bắt tay vào thực hiện, Nguyễn Quang Thạch ước mơ năm 2017 sẽ xây dựng hơn 300.000 tủ sách cho các vùng nông thôn, giúp hơn 10 triệu trẻ em nghèo có sách đọc bằng với trẻ Hà Nội, TPHCM hay các đô thị lớn. Ai cũng đều sẽ có cơ hội đọc sách.
Nguyễn Quang Thạch chia sẻ: “Tôi từng khảo sát 530 phiếu phỏng vấn, trong đó 253 phiếu dành cho nông dân thì câu trả lời về số lượng sách đọc là 0. Với trẻ ở các thị trấn, tỷ lệ đọc đã thấp, trẻ em nông thôn, số liệu khảo sát còn cho con số tệ hại hơn. Trẻ thị trấn đọc 5 cuốn/năm (ngoài sách giáo khoa), trẻ ở vùng thuần nông chỉ đọc 0,2-0,8 cuốn/năm”.
Đó chưa phải là hầu hết những câu chuyện đáng buồn, chỉ khi đi thực tế Thạch mới thấy: “Tầng lớp dẫn dắt cộng đồng nông thôn là giáo viên nhưng không ít người không hiểu hoặc cố tình không hiểu vai trò của sách đối với giáo dục. Sau này, dù có tủ sách trong lớp học nhưng học sinh vẫn không được mượn sách về nhà. Nhiều phụ huynh không có thói quen đọc sách, thậm chí nhiều người còn cản không cho con đọc, bảo rằng đọc sách mất thời gian, bắt con em đi làm thêm phụ giúp gia đình… Chính vì sự đọc ít ỏi mà số người nghiện ma túy, game, cờ bạc, rượu, nạn trộm cắp… ở nông thôn nhiều vô kể, thậm chí có xã có hơn 300 con nghiện”.
Để có thể xuyên Việt quyên góp sách cho trẻ nghèo, ngoài một tấm lòng đẹp, hẳn ai cũng nghĩ Thạch là một người giàu sức khỏe thế nhưng anh không phải là người như vậy. Anh thường xuyên bị những cơn đau buốt bởi gai cột sống hành hạ, mắt trái bị bong võng mạc nay đã mù hoàn toàn, mắt phải cũng rất yếu… Với cường độ làm việc cao, nỗi vất vả đường dài mỗi ngày lại làm tăng cơn đau thân thể, nhưng càng đi, càng đến nhiều nơi, Thạch càng thấy cần thiết hơn cả việc chăm lo sức khỏe bản thân là việc góp phần bồi đắp ánh sáng văn hóa cho những vùng quê còn nghèo cái ăn, nghèo cái chữ và việc đọc là xa xỉ. Thạch vì thế luôn nhủ rằng mình phải hoàn thành kế hoạch, phải càng nỗ lực hơn nữa.
Trong chuyến đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TPHCM khoảng 1.800km, Thạch ra mục tiêu kêu gọi 500.000 người Việt góp 240.000 đồng/người/năm cho chương trình “Sách hóa nông thôn”. Trên hành trình cơm bụi ngủ bụi quyên góp sách, Thạch đã gặp rất nhiều bạn bè từ nhiều vùng miền, cùng kết nối đi thăm các thư viện, vận động phụ huynh và chính quyền các địa phương tự làm tủ sách cho con em. “Sách hóa nông thôn” được xem là phép thử cho tinh thần tự lực của người Việt trẻ khi Nguyễn Quang Thạch luôn trung thành với 2 nguyên tắc thực hiện mô hình này: hạn chế nhận tiền của người nước ngoài và hạn chế nhận quá nhiều tiền của một người. Người sáng lập “Sách hóa nông thôn” cho rằng, anh không bao giờ muốn dùng hình ảnh trẻ em nghèo để kêu gọi tiền bạc cho chương trình bởi điều anh mong muốn là người Việt cần lập tủ sách và đọc sách vì chính họ và con em họ đồng thời tự nguyện chia sẻ trách nhiệm với xã hội, chứ không phải bỏ tiền chỉ vì lòng thương hại. Hiện nay, Nguyễn Quang Thạch đã đi đến Cà Ná, xây dựng trên 3.800 tủ sách, một số nơi đã chủ động liên lạc với Thạch để được anh hướng dẫn nhân rộng mô hình. Đây cũng là một trong những động lực giúp anh cố gắng hơn từng ngày.
“Cây tri thức” thử lòng tử tế
“Cây tri thức” của Nguyễn Trần Hoàng Việt (sinh năm 1993), sinh viên năm 4, Trường Đại học Hoa Sen, đang gây sốt. “Cây tri thức” ra đời đã được 6 tháng, Việt nhớ như in cảm xúc ngày đầu bắt tay thực hiện nó, vì ngay từ những ý tưởng đầu tiên Việt đã không nhận được bất cứ sự ủng hộ, hưởng ứng nào, thậm chí nhiều người còn cho rằng dự án này sẽ không thành công…
Nguyễn Trần Hoàng Việt
Việt chia sẻ: “Ngay chính tại cộng đồng, nơi mình đang học, các bạn sinh viên rất ít khi đọc sách, cho nên khi dự án được đưa ra mình có tham khảo ý kiến nhiều người thì thấy rằng họ không quan tâm lắm! Lúc đó, mình liều quyết định gặp cô Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng nói chuyện về dự án, may mắn là được cô hưởng ứng và quyết định giúp mình”.
Kế hoạch này được Việt lên ý tưởng từ tháng 10-2014 và tháng 12 thì bắt đầu thực hiện. Việt một mình mua dụng cụ, nguyên liệu để tự làm “cây tri thức”. Thời gian đầu, Việt đặt lên cây khoảng 40 cuốn sách, sau đó kêu gọi sự hỗ trợ của các thầy cô và các bạn sinh viên, số sách trên cây nhờ đó tăng lên 200 cuốn. “Cây tri thức” được đặt ngay sảnh chính của trường với lời nhắn “Chọn sách mà bạn thích, đọc trực tiếp hoặc mang về, tặng lại cho cây một cuốn sách của bạn”.
Thời gian đầu sách trên cây vơi dần và không có dấu hiệu được trả lại, một tuần mất hàng chục cuốn liên tục. Thấy vậy, Việt phải móc tiền túi mua sách “đắp” thêm để duy trì cây.
Được xem là một dự án dài hơi, nhằm xây dựng ý thức văn hóa cho các bạn sinh viên, nên cần có thời gian dài để thử nghiệm và đợi chờ kết quả. Thế nhưng, thay vì “lấy một quyển – để lại một quyển”, thì mọi người khéo léo đùa thành “lấy một quyển – bỏ cặp mang về”. Mỗi tháng Việt đều tự móc hầu bao mua sách cho cây, ít thì 200.000 đồng, nhiều thì 500.000 đồng mỗi lần mua sách, nhưng sách mất cứ mất, tiền vơi dần, lòng tin vơi dần qua chiếc phễu lọc mang tên “đạo đức cộng đồng”.
Nói về cảm xúc khi thực hiện mô hình “cây tri thức”, Việt tâm sự: “Trạng thái của mình như đồ thị hình sin vậy, bởi nó cứ lên xuống khó định. Trong khoảng thời gian gần Tết vừa rồi là lúc mình chịu hết nổi, bởi hơn 100 quyển sách đã “một đi không trở lại”, nên mình định sau Tết mới đặt sách lên cây tiếp. Lúc đó, một anh trong trường gọi điện thoại báo cây không còn cuốn sách nào, hỏi mình có muốn dẹp hay tiếp tục để sách lên… Mình nản lắm, chạy ào vào trường, nhưng lại thấy trên cây xuất hiện rất nhiều sách. Sau khi xem camera của trường thì biết là do một giảng viên của trường vẫn âm thầm tặng sách cho cây”.
Thời gian gần đây, sách vẫn mất nhưng không nhiều như trước, chỉ khoảng 6-7 cuốn/tuần. Thỉnh thoảng Việt còn nhận được những mẫu giấy nhỏ ghi lời cảm ơn gắn lên cây, ngày một nhiều lời động viên qua Facebook. Niềm tin trở lại, “cây tri thức” tiếp tục “nở hoa” dù tâm trạng của chủ nhân nó vẫn còn trồi sụt không yên bởi “phép thử” về sự văn minh, tử tế và đạo đức cộng đồng thể hiện qua văn hóa đọc chưa cho kết quả cuối cùng như mong muốn.
Mô hình “cây tri thức” của Nguyễn Trần Hoàng Việt tạo cảm hứng cho bạn Lê Thị Xuân Mai, sinh viên năm 2, khoa Nhân văn, Trường Đại học Tân Tạo, Long An, áp dụng tại trường mình. Ngày 16-4-2015, cây sách hoàn thành với tổng số sách được đặt lên là 60 quyển. Sau gần 1 tháng hoạt động, cây sách đã bị mất 35 quyển sách, nhưng có nhiều bạn đổi sách hoặc trả lại sách.
Lê Thị Xuân Mai chia sẻ: “Điều mình nhận được tới thời điểm này là làm bất cứ việc gì cũng cần phải có niềm tin. Những lời động viên của bạn bè rằng mình đừng bỏ cuộc, những tin nhắn góp ý về cây sách, những lời bình viết cho cây sách, sự giúp đỡ của thầy cô là động lực giúp mình cố gắng thực hiện và duy trì cây sách”.
……………………
Theo Thủy Ngân
(Nguồn: Sài gòn giải phóng, ngày 11/06/2015)