Đại học Hoa Sen – HSU

Ra trường làm lãnh đạo ngay

Chiều 3-5, ĐHQG TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ để giới thiệu các đề án đào tạo nhân lực mới nhất của đại học này.

Đó là đề án quốc gia về chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến quản trị hành chính công chuẩn quốc tế.

Bằng “3 trong 1”

20 tỉ đồng triển khai đề án

Theo lãnh đạo ĐHQG TP.HCM, dự kiến tháng 10-2012 sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên cho chương trình này. Chi phí ban đầu để triển khai đề án này là 20 tỉ đồng. Trong đó sẽ xây dựng trung tâm học liệu chuyên đề về các vấn đề liên quan đến nội dung đào tạo phục vụ học viên. Chi phí đào tạo của các học viên do địa phương hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng/học viên/năm, chưa tính chi phí thực tập trong thời gian sáu tháng ở nước ngoài.

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình – giám đốc ĐHQG TP.HCM, ĐH này có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho các tỉnh phía Nam. Trước nhu cầu về phát triển kinh tế – xã hội cùng với vị trí trọng yếu của khu vực và điều kiện thực tế của mình, ĐHQG TP.HCM vừa xây dựng dự án quốc gia về đào tạo cán bộ lãnh đạo trẻ địa phương trình độ quốc tế.

Theo đó, mục tiêu của đề án này nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn, có năng lực lãnh đạo, có kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng và có khả năng đảm nhận các vị trí lãnh đạo ở các địa phương từ cấp phó chủ tịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; chuẩn bị đội ngũ cho các địa phương nhiệm kỳ 2015-2020.

“Đây là đề án đào tạo cán bộ trẻ có trình độ quốc tế. Trọng tâm của đề án phục vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tính chất quan trọng nhất là đề án cấp quốc gia, nếu thành công chương trình sẽ được mở rộng” – PGS.TS Lê Quang Minh, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết.

Đề án đào tạo cán bộ trẻ này là chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến quản trị hành chính công chuẩn quốc tế chính quy, tập trung có thời gian đào tạo ba năm. Đối tượng tuyển sinh đầu vào là cán bộ lãnh đạo trẻ được đào tạo, dự kiến phục vụ ở các vị trí lãnh đạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Đáp ứng các tiêu chí không quá 35 tuổi, tốt nghiệp đại học loại khá ở bất kỳ ngành nào, đồng thời là đảng viên, đoàn viên ưu tú thuộc diện quy hoạch của địa phương. Mỗi tỉnh ở khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ sẽ cử năm học viên đi học/khóa.

Điểm đặc biệt của chương trình là học viên ra trường sẽ có bằng “3 trong 1”: cao cấp chính trị, ngoại ngữ, chuyên môn. Theo đó, học viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn cho vị trí lãnh đạo như kinh tế tài chính, chính trị xã hội, quy hoạch và hoạch định chiến lược, quản lý hành chính, kiến thức về địa phương và kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp.

Trong quá trình học tập tại Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM, học viên sẽ được thực tập tại các cơ quan hành chính sự nghiệp hoặc các công ty nhà nước và một học kỳ tại các trường đại học ở nước ngoài. ĐHQG Singapore cũng sẽ tham gia đào tạo trong chương trình này.

“Tốt nghiệp từ chương trình này ra sẽ có kiến thức nền vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp… để ra những quyết định sát hợp với điều kiện của địa phương. Sau khi ra trường, học viên sẽ có đủ trình độ để làm lãnh đạo ngay chứ không cần phải học thêm” – ông Phan Thanh Bình khẳng định.

Còn nhiều băn khoăn

Sau khi nghe trình bày đề án này, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều ủng hộ vì đây là chương trình hay, tính khả thi cao và rất cần thiết. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng: “Trước đây, do nhiều lý do anh em chúng ta chưa được đào tạo bài bản để quản lý. Chính vì vậy, chúng ta phải mạnh dạn, đột phá để đào tạo nguồn cán bộ quản lý trẻ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực quản lý chuyên nghiệp theo chiến lược phát triển nhân lực từ nay đến năm 2020”.

Ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đóng góp ý kiến trong buổi làm việc – Ảnh: Minh Đức

 

Ông Huỳnh Văn Nhị, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng cho rằng đây là ý tưởng hay, táo bạo, mang tính đột phá, gắn với nhu cầu bức thiết của các địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo trẻ. Tuy nhiên, ông Nhị cho rằng cần quy định cụ thể hơn điều kiện tuyển đầu vào là cán bộ công chức thuộc diện quy hoạch của các địa phương, có trình độ ngoại ngữ nhất định và đồng thời phải quy định tốt nghiệp chuyên ngành nào.

“Chương trình này đào tạo cán bộ lãnh đạo nên bố trí thực tập ở những cơ sở hành chính, không nên đưa đi thực tập tại các trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài” – ông Nhị đóng góp.

Dù rất hoan nghênh với đề án này nhưng ông Huỳnh Minh Đoàn, phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cũng lưu ý ban xây dựng đề án một số điểm thực tế, đó là: “Cần nghiên cứu và thống nhất kỹ về chương trình đào tạo, nhất là phần kỹ năng quản trị, quản lý hành chính. Ngoài ra, các tỉnh cũng nên bàn để thống nhất về ngân sách để chọn người đi học”.

Cùng với những góp ý này, đại diện nhiều tỉnh còn cho rằng đề án cần tính đến đầu ra như thế nào để tránh tình trạng “ra trường bơ vơ” như nhiều dự án trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cũng băn khoăn chọn người học chương trình này, ông cho rằng phải chọn người có trong danh sách cán bộ quy hoạch của các địa phương. “Chọn cán bộ đạt các tiêu chí của chương trình nhưng không có trong quy hoạch thì sẽ khó bố trí công tác cho họ”.

Ông Lê Thanh Hùng – phó chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu – cho rằng những tiêu chí tuyển đầu vào khóa đầu như vậy là khá cao, khó tuyển được người.

Theo TRẦN HUỲNH

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo