Phòng chống tham nhũng thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội
Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng đang diễn ra với khí thế chưa từng có. Có thể ghi nhận điều này từ bầu không khí Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.
Trong hơn 7 năm kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt, có chiều sâu và đạt được thành quả rất tốt. Nhiều vụ tham nhũng có tổ chức, quy mô lớn và tinh vi bị phanh phui. Nhiều cán bộ tham nhũng ở cấp cao bị bắt, bị cáo buộc phạm tội ở mức độ rất nghiêm trọng, phải nhận những bản án nghiêm khắc. Một lượng lớn công sản bị thất thoát được thu hồi.
Thành quả lớn nhất thu được từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là sự khôi phục, củng cố lòng tin của người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý của Nhà nước. Người dân thật sự phấn khởi trước quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, thể hiện qua sự tuân thủ triệt để nguyên tắc xử lý không khoan nhượng và không có vùng cấm.
Ai cũng hiểu tệ nạn tham nhũng gắn chặt với sự tồn tại của Nhà nước, của quyền lực. Trong nội tâm mỗi con người luôn diễn ra sự giằng xé giữa thiện và ác, giữa xấu và tốt. Cán bộ, công chức không thoát khỏi sự chi phối của quy luật này. Trong điều kiện việc nắm giữ quyền lực cho phép chi phối cuộc sống, lợi ích vật chất của người này, người nọ, cán bộ, công chức thường xuyên đứng trước cám dỗ, nếu không tỉnh táo, vững vàng thì nguy cơ sa ngã là khó tránh.
Bởi vậy, chừng nào còn quyền lực, còn Nhà nước thì còn tham nhũng. Vấn đề là làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất có thể sự hoành hành của tham nhũng để Nhà nước vận hành có hiệu quả, hướng đến các mục tiêu phục vụ tốt cho người dân và thúc đẩy phát triển, tiến bộ xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, xử lý cán bộ, công chức sai phạm quá mạnh tay có thể dẫn đến sự phổ biến của thái độ dè dặt, không dám đột phá trong công tác chuyên môn; hệ quả là bộ máy công quyền trở nên chậm chạp, nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, đến đời sống xã hội nói chung.
Tuy nhiên, thực tiễn phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã cho thấy sự nghiêm minh trong xử lý sai phạm có tác dụng răn đe, khiến những người muốn tham nhũng phải chùn bước, không dám thực hiện, thậm chí là toan tính. Mặt khác, những người thực sự có tài, có tâm, có tinh thần trách nhiệm cao có được môi trường làm việc ngày càng thuận lợi để phát huy tài năng và cống hiến, tạo thành những tấm gương sáng có sức lan tỏa rộng rãi. Sự thành công rực rỡ của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vừa diễn ra là một minh chứng.
Các thế lực thù địch cho rằng phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu bài, là phương tiện để các phe nhóm tiến hành đấu đá, loại trừ nhau trong cuộc tranh giành quyền lực. Thế nhưng thực tế cho thấy các thành quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang trở thành nguồn động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; có tác dụng siết chặt khối đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen)
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 14/12/2020. >>CHI TIẾT)