Phim về đề tài chuyển giới gây xúc động tại Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần 7
Nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và chống kỳ thị trong nghệ thuật và văn hóa đại chúng, Đại sứ Quán Israel tại Việt Nam mang đến khán giả Việt bộ phim về đề tài chuyển giới của nữ đạo diễn Shirly Berkovitzis mang tên “Đứa con ngoan” trong khuôn khổ “Liên hoan Phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 7”. Bộ phim công chiếu tối 13/6 vừa qua tại trường Đại học Hoa Sen.
“Đứa con ngoan” là câu chuyện đáng kinh ngạc về Or – chàng trai Israel vừa tròn 22 tuổi. Or thuyết phục cha mẹ cho vay 12,000USD để theo học tại Oxford nhưng thực chất cậu lén sang Thái Lan chuyển giới trong cô đơn và cảm giác tội lỗi. Đạo diễn Shirly Berkovitz ghi lại diễn biến tâm lý phức tạp của Or tại Bangkok từ những cảnh quay ở sân bay nơi Or bước những bước đầu tiên đến gần hơn với con người thực của mình. Người xem được chứng kiến Or hồi phục sau phẫu thuật, làm quen với hình dạng mới, hòa nhập với xã hội với tư cách là một người phụ nữ. Đặc biệt, nổi bật hơn cả trong suốt quá trình đó là nỗi lo sợ khi quay về đối mặt với gia đình. Đây là câu chuyện thú vị về nỗi sợ hãi, ý chí tinh thần, cũng như giá trị của gia đình và cái tôi đích thực.
Một cảnh trong phim Đứa con ngoan – Chàng Or sau ca phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan
Đạo diễn Shirly Berkovitzis tốt nghiệp khoa Phim Ảnh tại trường Nghệ thuật Beit Berl. Cô nổi tiếng với phong cách làm phim độc đáo và vô cùng cuốn hút. Shirly Berkovitzis bộc lộ tính cách nhân vật thông qua diễn biến nội tâm sâu sắc, từ đó mang những vấn đề xã hội đang được công chúng chú ý vào những thước phim của mình một cách tinh tế, ý nghĩa.
Trước khi buổi chiếu phim bắt đầu, nữ đạo diễn dành thời gian chia sẻ về bộ phim cũng như quan điểm của cô về phim tài liệu. Với Shirly Berkovitz, làm phim đôi khi cần phải… “điên rồ”. “Điên” ở đây là dám hành động theo đam mê và tiếng gọi trái tim. 38 tuổi, bỏ ngoài tai nhiều đàm tiếu, Shirly đã bán nhà, bán xe để lấy kinh phí thực hiện bộ phim tài liệu đề tài chuyển giới – một điều còn rất mới ở Isarel.
Đạo diễn Shirly Berkovitzis
Shirly kể lại, chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận được cuộc điện thoại của Or, cô đã đồng ý giúp anh kể lại câu chuyện đời mình bằng phim và theo sát anh trong khoảng thời gian 4 năm ròng rã. “Khi làm phim tài liệu, chúng ta không thể kiểm soát được những gì xảy ra với nhân vật, tất cả bạn có được chỉ là một chiếc wireless gắn vào nhân vật và một earphone từ xa để nghe đoạn hội thoại”. Cô cũng chia sẻ, có những cảnh phải quay đi quay lại rất nhiều lần vì khi Or gặp ai đó mà cách hành xử hay giao tiếp của họ chưa đúng theo ý đồ của đạo diễn thì cả ekip phải theo chân nhân vật đi gặp gỡ tiếp những người khác, cho đến khi mọi thứ ổn thỏa mới thôi.
Thông qua bộ phim, thông điệp lớn nhất mà nữ đạo diễn gửi gắm là cái tôi chân chính luôn nằm sâu trong trái tim mỗi người. Khi chúng ta dám ước mơ, dám theo đuổi mơ ước đến cùng, mọi thứ sẽ được đền đáp xứng đáng.
Gần 22g, khán phòng 204 của Đại Học Hoa Sen vẫn còn rất đông khán giả. Họ nán lại lắng nghe tâm sự của Shirly. Ai nấy cảm phục sự kiên trì, quyết đoán và cống hiến hết mình vì nghệ thuật của nữ đạo diễn. Đồng thời, hình ảnh Or vượt mọi khó khăn để chiến thắng chính mình, được sống thật là mình cũng in sâu trong lòng khán giả.
Lần thứ 7 tổ chức, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam tiếp tục là sự kiện thường niên không thể bỏ qua đối với những người yêu phim tài liệu. Các bộ phim dự liên hoan được trình chiếu miến phí tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, Hà Nội (10-19/6) và tại ĐH Hoa Sen, TPHCM (11-20/6). |
Minh Tuấn – Hà An
Tham khảo thêm
Lịch chiếu phim tại Tp.HCM