Phạt bán hàng xách tay, ép uống bia rượu: Hội nhập từ hoàn cảnh đặc thù
Một loạt các quy định về chế tài hành chính đối với các hành vi ứng xử gây bức xúc cho xã hội sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Đây được cho là các nỗ lực của nhà chức trách nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh.
Đáng nói là bên cạnh những quy tắc có thể được tìm thấy trong luật của các nước tiên tiến, như quy định chế tài đối với việc gửi tin nhắn quảng cáo mang tính quấy nhiễu, cũng có những quy tắc xử lý những vấn đề rất đặc thù của Việt Nam.
Chẳng hạn, có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán hàng nhập khẩu dưới dạng hành lý của người nhập cảnh, được gọi nôm na là hàng xách tay. Tiếp cận quy tắc này từ góc độ người am hiểu luật của các nước tiên tiến, người ta sẽ rất ngạc nhiên và tự hỏi tại sao lại cần có một quy tắc như thế. Lý do là kiểu buôn lậu “vặt” này không tồn tại như một hiện tượng tràn lan ở các xứ sở đó.
Cũng tương tự, nếu đọc quy định chế tài đối với hành vi ép người khác uống rượu bia: trong hoàn cảnh nào mà ép nhau uống rượu bia lại trở thành tệ nạn phổ biến đến nỗi người làm luật phải ra tay can thiệp?
Xã hội đã quen thấy cảnh trả hành lý ký gửi theo các chuyến bay từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật… về Việt Nam rất đặc trưng ở sân bay: trên băng chuyền, số lượng các thùng cactông dán băng keo kín mít hoàn toàn áp đảo so với số vali đựng quần áo, vật dụng cá nhân. Hàng hóa trong các thùng được giải thích là để dùng cho sinh hoạt cá nhân, gia đình; để biếu cho bạn bè, người thân. Nhưng trên thực tế gần như toàn bộ số hàng này được đem bán cho các sạp, cửa hàng.
Theo sự gia tăng về số lượng chuyến bay giữa Việt Nam và các nước, hàng xách tay chiếm một khối lượng đáng kể trên thị trường hàng hóa. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước mất một số tiền thuế không nhỏ; còn nhà sản xuất nội địa phải chịu sự cạnh tranh của đội quân xách tay hùng hậu trong một cuộc chiến không cân sức.
Mời rượu, bia bằng cách ép uống thì từ lâu đã được coi như một cách thể hiện tình thân hữu. Về phần mình, người bị ép phải uống cho cạn ly thì mới được thừa nhận là có sự tôn trọng đối với người mời; bản thân người này cũng phải đi tìm kiếm người khác để ép uống nhằm cho thấy mình cũng thân thiện, gần gũi chẳng kém. Hậu quả là các tiệc liên hoan thường có bầu không khí “quyết đấu” sôi động đến căng thẳng; nhiều người ra về khi tan cuộc với bộ dạng liêu xiêu, luộm thuộm, thậm chí chẳng nhớ nổi đường về nhà.
Rất nhiều kiểu ứng xử đặc trưng cho một xã hội có trình độ phát triển thấp về kinh tế, văn hóa đã và đang trở thành lực cản đối với sự hội nhập, sự tiến bộ, thậm chí là tác nhân gây thiệt hại vật chất to lớn cho xã hội.
Vận động các thành viên xã hội, cộng đồng quay lưng tẩy chay các hành vi xấu là một cách làm cần thiết. Nhưng trong điều kiện hành vi được thực hiện tràn lan trên diện rộng, thành một xu hướng, một thói quen thì ra quy định nhằm xử phạt bằng tiền có thể được coi là trị bệnh bằng liều thuốc mạnh.
Và như thế, có thể trong các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, có những quy định được đề ra trong luật Việt Nam mà không tìm thấy trong luật của các nước tiên tiến. Nhưng đó là quy định cần thiết nhằm điều chỉnh, uốn nắn kiểu ứng xử đặc thù, không giống ai.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen
Bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ Online ngày 2/10/2020. >> CHI TIẾT