PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy: “Bình thường mới” là thời điểm vàng để phục hồi nền du lịch”
Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động đối mặt và xử lý các rủi ro trong kinh doanh du lịch, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành cho các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, ngày 5/1, Sở Du lịch phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen (HSU) tổ chức Tọa đàm chuyên đề: “Quản trị rủi ro kinh doanh du lịch – Chiến lược phục hồi trong giai đoạn mới”. Là 1 trong 3 diễn giả của tọa đàm, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen đã có những nhận định khách quan, đánh giá thực trạng hiện tại, và đưa ra những gợi ý để đưa ngành du lịch sớm quay trở lại với du khách với chủ đề “Hành vi của du khách và Quản trị tinh gọn”.
Du lịch không thể phục hồi nếu không quản trị rủi ro tốt
Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn cầu, trong đó ngành dịch vụ du lịch. Trước sự diễn biến phức tạp và kéo dài của bệnh, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, các hãng hàng không cắt giảm phần lớn chuyến bay, khách sạn, nhà hàng ngưng hoạt động hàng tháng trời… Số liệu thống kê cho thấy rằng, dịch Covid-19 diễn ra trong 2 năm, nhưng ước tính số lượng khách du lịch mất đi tương đương 5 đến 7 năm. Do đó, nếu chờ đợi để du lịch phục hồi có thể mất 5-7 năm hoặc lâu hơn nữa.
Bên cạnh những con số đáng báo động về ngành du lịch, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cũng phân tích những mặt sáng của ngành du lịch đến thời điểm hiện tại để cho thấy rằng, du khách đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn du lịch thời kỳ “bình thường mới.
“Một trong những tín hiệu đáng mừng là số lượng du khách đặt chỗ và đang chờ đợi để được action (đi du lịch ngay) là rất lớn. Do đó, đây là thời điểm vàng để chúng ta nghĩ đến câu chuyện phục hồi về du lịch”, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cho biết.
Đầu tư thấu hiểu tâm lý khách du lịch
Khách hàng là cốt lõi của dịch vụ du lịch, nắm bắt tâm lý khách hàng, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp để phục hồi nền du lịch và doanh thu. Đặc biệt trong khi dịch Covid-19 bùng phát, tâm lý du lịch của con người cũng thay đổi. Thay vì quan tâm đến giá cả, ưu đãi, tính hấp dẫn, khách du lịch sẽ ưu tiên yếu tố an toàn hàng đầu.
“Nếu không hiểu rõ được hành vi của du khách, chúng ta sẽ không thể tạo ra một sản phẩm phù hợp và hiệu quả ở thời điểm hiện tại. Sai lầm của doanh nghiệp là deal giá quá thấp vì nghĩ khách hàng chỉ quan tâm về giá, dẫn đến chất lượng dịch vụ đi xuống. Theo thống kê có, có 72,8% ưu tiên yếu tố sức khỏe, an toàn cho các chuyến đi. Do đó, “giá” không còn là yếu tố quyết định hoàn toàn mà chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng” cô Thúy chia sẻ.
Khi hiểu được nhu cầu của du khách là an toàn, doanh nghiệp và các cơ sở du lịch cần chú trọng yếu tố “sạch”. Đồng thời kết hợp số hóa thông qua các ứng dụng để tạo ra trải nghiệm “du lịch không chạm”. PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cũng chỉ ra rằng, khách hàng sẽ không hài lòng nếu phải làm quá nhiều thủ tục để đảm bảo an toàn khi du lịch, thay vào đó, doanh nghiệp hãy tạo ra một hành trình trải nghiệm thú vị mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc chống dịch thay vì “ép” du khách “phải” tuân theo. Một khi doanh nghiệp thấu hiểu những lo âu, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ trở thành khách hàng trung thành và thậm chí có thể mang đến nhiều nguồn khách du lịch mới.
Biến thách thức thành cơ hội
Bên cạnh việc linh hoạt và đổi mới trong dịch vụ chăm sóc khách du lịch, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cũng cho rằng, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố tiên quyết để đưa nền du lịch quay trở lại. Dịch bệnh đã khiến nhiều nhân lực trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc, chi phí dành cho nguồn nhân lực cũng hạn hẹp. Từ những thách thức này, doanh nghiệp cần linh hoạt, chuyển mình để biến “bình thường mới” thành một cơ hội để “dậy thì lần 2”. Việc thiết lập “cơ cấu tổ chức dẻo” là một giải pháp để đổi mới, đồng thời là xu thế trong thị trường lao động hiện nay.
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy phân tích rằng, cơ cấu tổ chức dẻo là một tổ chức linh động, có thể biến đổi khi xảy ra rủi ro, tinh gọn với những nhân sự đa năng, một người có thể kiêm nhiệm nhiều công việc và lao động mang lại năng suất cao. Để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đó, doanh nghiệp cần tái cấu trúc, chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực của mình.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch cũng cần linh hoạt trong quản lý và quảng bá du lịch và kịch bản để xử lý rủi ro, thực hiện những “vai trò” mà doanh nghiệp chưa thực hiện được như: Triển khai app PC Covid, miễn lệ phí, hỗ trợ nhân sự trong ngành du lịch…
Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý du lịch sẽ mang đến những trải nghiệm an toàn, tiện lợi cho du khách, từ đó, tạo một “cú hích” để đưa ngành du lịch trở lại với Việt Nam cũng như toàn thế giới.