Nói phải đi đôi với làm
Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, nhà lý luận vĩ đại, nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, là anh hùng của dân tộc Việt Nam. Bác là tấm gương sáng về những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần anh dũng, sự giản dị…
Một trong những điều mà tôi tâm đắc nhất ở Bác là nguyên tắc xây dựng đạo đức mới: Nói phải đi đôi với làm, phải noi gương đạo đức.
Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ là ở chỗ, dù việc lớn hay nhỏ, đối với Bác bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”… “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”… , Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng nói và làm là tự bản thân mỗi người, bản thân người được nói để người khác nghe theo thì phải là con người có lòng dạ trong sáng.
Theo tôi nguyên tắc này cần lắm cho sự nghiệp “ trồng người” của mỗi giảng viên, nhân viên đặc biệt là các cấp lãnh đạo trong nhà trường chúng ta, Mỗi người chúng ta không nên xem đây là một phong trào viết lách xuông, cần phải có hành động cụ thể trong từng công việc của từng bộ phận mình.
Tôi và các bạn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất : Người giáo viên nghiêm túc thực hiện nội quy, không đi trễ, về sớm, chuyên tâm nghiên cứu tìm tòi những cái hay, cái mới hướng dẫn cho sinh viên để làm tấm gương sáng cho sinh viên noi theo; Các cấp lãnh đạo phải nghiêm túc nhìn lại mình xem bản thân đã nghiêm túc thực hiện những nội quy đề ra cho nhân viên chưa? Bạn muốn nhân viên bạn không đi trễ về sớm bạn đã làm được như vậy chưa? Bạn đề ra chính sách tiết kiệm, bản thân bạn đã tiết kiệm chưa? Bạn đã biết lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân viên và khách quan khi đánh giá nhân viên của mình chưa? ; Là nhân viên bạn đã nghiêm túc thực hiện các công việc nội quy của nhà trường đề ra chưa? Bạn đã có thái độ hòa nhã với sinh viên, với mọi người khi giải quyết công việc chưa? Bạn đã biết nhận khuyết điểm và sửa chữa sai lầm chưa hay đùn đẫy trách nhiệm cho người khác?…
Nếu chúng ta còn nhìn nhận là chưa, thì mỗi người chúng ta phải tự đặt ra phương hướng hành động cụ thể để sửa chữa khuyết điểm sai lầm của chính mình. Theo quan điểm của Bác thì mỗi con người đều có cái tốt, cái xấu, vấn đề là không tự lừa dối mình mà nhìn thẳng vào mình thấy rõ cái tốt, cái thiện để phát huy, thấy cái xấu, cái ác để khắc phục. Vì vậy việc tu dưỡng rèn luyện phải được thực hiện thường xuyên trong hoạt động thực tiễn.
Bác Hồ là một tấm gương suốt đời tự rèn luyện và trở thành tấm gương tuyệt vời về con người mới. Những đức tính quý báu của người không phải là bẩm sinh có được mà do quá trình tu dưỡng rèn luyện học tập, từng bước hấp thụ tinh hoa đạo đức dân tộc và nhân loại mà đã trở thành tư tưởng bất tử.
Chúng ta hãy noi theo gương Bác rèn luyện và trau dồi đạo đức của mình hằng ngày. Mỗi ngày hãy xét lại xem những điều gì mình còn làm chưa tốt, cố gắng sửa chữa cho tốt hơn, phát huy những việc đã làm tốt, những điều hay của bản thân để cho bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên học tập, noi theo.
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ: Đi làm đúng giờ, giải đáp thắc mắc cho sinh viên một cách tận tình với một thái độ hòa nhã, hỗ trợ các đồng nghiệp một cách tận tâm, hoàn thành các công việc được giao đúng hạn và có chất lượng…
Khẩu hiệu của trường ta năm 2012- 2015 là” Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu” Mỗi người chúng ta hãy cố gắng phấn đấu, tự rèn luyện bản thân hằng ngày, để trở thành một con người tử tế theo đúng nghĩa của nó, tử tế với tất cả mọi người: Với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, với tất cả những người xung quanh.
“Có câu ngọc càng mài càng sáng vàng càng luyện càng trong” Tôi hy vọng qua phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta sẽ là một viên ngọc sáng hơn lên mỗi ngày.
Phạm Thị Kim Phương
Trung tâm đào tạo- Chi nhánh Bình Thạnh