Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chú để Bác thuyết minh cho
Khi còn hoạt động ở chiến khu Việt Bắc, Bác thường xem phim cùng các đồng chí phục vụ trong cơ quan. Đó là những giờ phút Bác cháu thoải mái sau hàng tuần, hàng tháng làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn, căng thẳng.
Một lần, máy chiếu phim đã chạy đều đều, trên màn ảnh diễn ra những cảnh nối tiếp nhau, tiếng đối thoại của các nhân vật sôi nổi…, nhưng người xem không ai hiểu gì cả, vì đó là phim nước ngoài mà không có thuyết minh.
Như biết rõ yêu cầu mọi người, Bác hỏi đồng chí phụ trách chiếu phim:
– Sao chú không thuyết minh cho mọi người nghe?
Đồng chí phụ trách thưa với Bác là phim mới nhập về, không có bản thuyết minh kèm. Nhưng vì thực hiện lịch chiếu phim do cơ quan quy định nên cứ thực hiện chương trình…
Với nụ cười đôn hậu, Bác nói:
– Chú để Bác thuyết minh cho…
Bác cầm micrô, tóm tắt đoạn phim vừa chiếu và trực tiếp thuyết minh hết bộ phim. Mọi người càng thêm mến phục Bác.
Hòa bình lập lại, cơ quan của Bác chuyển về Hà Nội. Lịch chiếu phim trong cơ quan Bác vẫn được duy trì.
Thường vào tối thứ 7, tại phòng lớn ngôi nhà Phủ Chủ tịch có chương trình chiếu phim.
Tối ấy, nghe có phim hay, người xem khá đông.
Đúng giờ, Bác tới. Người ra hiệu cho mọi người ngừng vỗ tay rồi nhanh nhẹn ngồi vào ghế. Một số cháu nhỏ tíu tít ngồi quanh Bác.
Buổi chiếu phim: Hoàng tử Cóc bắt đầu. Mọi người trật tự theo dõi phim. Song lần này, đồng chí thuyết minh chưa xem trước, nên nhiều đoạn lời thuyết minh và hình ảnh không ăn nhập với nhau. Người xem khó theo dõi. Có người xì xào, phàn nàn… Nhiều người quay lại chỗ đặt máy chiếu có ý chờ đợi…
Hiểu rõ hoàn cảnh, Bác bảo đồng chí thuyết minh:
– Chú thuyết minh như vậy làm mất cả cái hay của bộ phim. Chú để Bác thuyết minh cho.
Nói rồi, Bác cầm micrô chăm chú theo dõi hình ảnh, lắng nghe đối thoại và thuyết minh trực tiếp bộ phim Pháp này. Mọi người chăm chú theo dõi. Có lúc Bác giải thích thêm. Lời thuyết minh rõ ràng, ngắn gọn. Giọng Bác ấm áp gợi cảm… Người xem hướng cả lên màn ảnh.
Cảnh cung điện huy hoàng của nhà vua… Hoàng tử bắn cung để chọn vợ. Mũi tên trúng một con Cóc. Cóc nói tiếng người. Nàng Cóc yêu cầu hoàng tử đưa mình về Cung.
Hoàng tử buồn bã vì phải sống chung với nàng Cóc. Song có điều lạ là, từ khi chung phòng với nàng Cóc, hoàng tử được ăn những bữa ăn ngon hơn yến tiệc trước đây, nhà cửa luôn luôn ngăn nắp sạch, đẹp. Hoàng tử bí mật theo dõi. Cuối cùng, nàng Cóc hiện nguyên hình là một cô gái đẹp, duyên dáng. Từ đó, hai người sống cuộc đời hạnh phúc…
Phim kết thúc. Như thường lệ, mọi người hướng về Bác chờ đợi một lời, một ý của Bác, Bác hỏi mọi người:
– Phim có hay không?
– Dạ, hay lắm ạ! Mọi người đồng thanh trả lời.
Bác lại hỏi:
– Hay vì sao? Và không đợi câu trả lời, Bác giải thích luôn:
Hay vì có nội dung tốt. Câu chuyện răn mọi người muốn có lứa đôi hạnh phúc, thì đừng quá lệ thuộc vào hình thức bên ngoài; cần phải có cái đẹp bên trong, cái đẹp bản chất, về phẩm giá con người. Các tài tử đóng khéo, màu sắc đẹp, tình tiết hấp dẫn…
Người xem hôm ấy hiểu thêm về nội dung phim, về Bác. Làm việc gì Bác cũng muốn đem lại điều bổ ích cho mọi người, phục vụ mọi người…
( Nguyên Lê)
Chú làm như thế là không được !
Vào khoảng năm 1947 bác sĩ Chánh được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Bác Hồ. Lần đầu tiên đến gặp Bác, bác sĩ thấy Bác đang nằm trên võng ở cửa đình Hồng Thái. Thấy bác sĩ đến, Bác ngồi dậy hỏi:
– Chú đi đâu đấy?
– Thưa Bác, cháu là bác sĩ được phân công sang phục vụ Bác.
– Bác không ốm đâu. Chú xuống văn phòng, chỗ chú Phan Mỹ mà ở và chăm sóc sức khỏe cho các chú ở dưới đó…
Ngày kháng chiến ở với Bác, đồng chí Chánh thấy Bác ít bị ốm đau. Lần Bác bị sốt rét, Bác mời bác sĩ Chánh lên thăm bệnh cho Bác. Khi thấy Bác bị sốt cao, bác sĩ đang tính xem nên dùng thuốc gì thì Bác đã bảo:
– Bác “ra lệnh” cho chú chữa hai hôm là phải hết sốt. Bác sĩ Chánh lo quá. Bác sốt cao như thế chữa hai ngày thì khỏi hẳn làm sao được. Sau khi bác sĩ tiêm cho Bác, cơn sốt hạ dần… Bác cười nói:
– Đấy, chú xem, Bác “ra lệnh” chữa hai ngày phải khỏi thế mà đúng như thế đấy!
Một lần, nghe tin vợ bác sĩ đến công tác ở vùng gần đấy. Bác cử bác sĩ đi công tác đến vùng vợ bác sĩ đang làm việc, có ý cho 2 vợ chồng gặp nhau. Vì thời gian gấp, xong công việc bác sĩ về ngay, không ghé vào thăm vợ.
Khi về tới cơ quan, bác sĩ Chánh gặp Bác, chưa kịp báo cáo công việc thì Bác đã hỏi ngay:
– Thím ấy có khỏe không?
Khi biết bác sĩ Chánh không gặp được vợ, Bác tỏ ý không vui, Người nói:
“Bác cử chú đi công tác là để cho cô chú gặp nhau. Đã tới đó mà không vào thăm và động viên thím ấy, chú làm như thế là không được!”.
(Minh Hiền)
Để Bác quạt
Năm ấy, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội.
Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại. Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi.
Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe thương binh bỗng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng bên Bác. Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón. Đồng chí thương binh ôm chầm lấy Bác nghẹn ngào “Bác ơi!” Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi.
Bác đến từng giường anh chị em thương binh nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm.
Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh. Có người định làm thay, Bác nói:
– Để Bác quạt.
Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui.
Và có lẽ vì thế mà khi cơ quan định lắp máy điều hòa nhiệt độ nơi Bác ở, Bác bảo đem ra cho các đồng chí thương binh.
(Nguyên Dung)
Liên hệ bản thân đã hoặc sẽ học tập làm theo như thế nào?
- Thông qua câu chuyện thứ nhất, chúng ta rút ra được bài học cho bản thân như sau: làm việc gì cũng phải có kế hoạch tỉ mỉ, chu toàn, không được phép qua loa. Mỗi việc ta làm phải có mục đích, và phải đem lại lợi ích cho người khác.
- Thông qua câu chuyện thứ hai, chúng ta rút ra được bài học cho bản thân như sau: Phàm làm việc gì cũng luôn quan tâm, lo nghĩ cho người khác trước, sau đó mới nghĩ tới lợi ích của bản thân mình.
- Thông qua câu chuyện thứ hai, chúng ta rút ra được bài học cho bản thân như sau: Phải nhớ ơn những người đi trước, đã hy sinh vì cuộc sống của nhân dân nước nhà. Bản thân mình không thể sống sung sướng mà quên đi sự hy sinh của những anh hùng thương binh liệt sĩ.
Nguồn tham khảo:
- http://www.dalat.gov.vn/web/tabid/537/Add/yes/ItemID/1133/categories/43/Default.aspx : trang thông tin điện tử Đà Lạt-Lâm Đồng.
Dương Tố Hương
Trung Tâm Đào Tạo – Chi nhánh Bình Thạnh