Những “bông hoa” ngát hương trong vườn Bác
Nhân dịp trường phát động cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi đã tìm và đọc được bài “Yêu thương con người – nét đẹp vĩnh hằng trong chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh”, (nguồn: http://phuly.edu.vn/bacho/hoctap4.htm). Bài viết này đã giúp tôi đã hiểu thêm nhiều về Hồ Chủ tịch, Người không chỉ là vị lãnh tụ tài ba, lỗi lạc mà điều đáng để vạn dân kính trọng chính là Người còn có trái tim vô cùng nhân hậu.
Tôi xin trích lược một số ý mà tôi lấy làm tâm đắc về tính nhân văn trong tư tưởng của Người: ““Yêu thương con người là một trong bốn chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Các nhà đạo đức học, các nhà khoa học nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thuận như vậy. Trong 4 chuẩn mực ấy, trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng, không chuẩn mực nào có thể xem nhẹ, vì cả bốn chuẩn mực ấy là tiêu chí để đánh giá con người mới, con người mang dấu ấn đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo Bác, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Bác nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được“.
Là những người con của Bác thì càng cố gắng thiết thực làm theo lời Bác dạy. Mọi người, mọi nhà, mọi cấp, mọi ngành ai ai cũng khuyến khích cho sự nẩy nở phần thiện vốn có ở mỗi con người và chung tay đẩy lùi phần ác cũng luôn rình rập quanh ta – đó chính là thực hiện chuẩn mực yêu thương con người – nét đẹp vĩnh hằng của đạo đức Hồ Chí Minh.
Hiểu tư tưởng của Người để nhìn lại mình và các đồng nghiệp xung quanh qua những sự việc xảy ra, tôi mới chợt nhận ra trên đời còn có biết bao người tử tế và nhân hậu. Những lúc này tôi mới thấy “phần thiện” đã chiếm ưu thế và “nẩy nở” thế nào.
Tôi muốn nói về một sự việc xảy ra trong năm nay mà tôi tạm gọi là “biến cố”. Tôi xin phép gọi như vậy vì sự ra đi của anh không đơn giản chỉ là chỉ là sự mất mát đối với riêng ai đã yêu mến anh mà đó là sự ra đi của một người thầy tuyệt vời. Sự ra đi này quả thực là sự tổn thất đáng kể đối với Trường Hoa Sen. Tôi muốn nói đến anh Đặng Văn Ngọc – giảng viên Khoa Đào tạo Chuyên nghiệp và Trung tâm Đào tạo.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi mong muốn nêu lên một số gương sáng điển hình về tình người và lòng nhân hậu, đây là những người đã hết lòng với anh, ngày đêm túc trực bên anh, hồi hộp với nỗi lo âu, phập phồng cùng biểu đồ hơi thở của anh trong suốt quãng thời gian dài điều trị.
Tôi muốn nói lời tri ân đến cô Phạm Thị Thủy – đại diện cho Ban Giám hiệu nhà trường, cô Bùi Trân Thúy – đại diện Công đoàn, cô Đào Thị Hải – Phó trưởng Khoa Đào tạo chuyên nghiệp, anh Mai Ngọc Hòa và chị Đào Thị Tuyết Hồng – Trung tâm Đào tạo Cao Thắng, đại diện cho đơn vị chủ quản của anh. Có thể nói đây là các thành viên chủ chốt, đã phối hợp chặt chẽ với người thân trong gia đình anh trong suốt thời gian điều trị và cả những chuyện sau đó. Trong đó, cô Thủy , cô Thúy và cô Hải là “bộ ba” giữ vai trò chỉ đạo chung và thường xuyên có những cuộc họp khẩn để ra quyết định kịp thời trong mọi tình huống bất kể không gian và thời gian.
Hẳn ai cũng đồng tình rằng thời gian đối với mọi người đều quý, nhưng càng quý hơn đối với một lãnh đạo nhà trường như cô Thủy. Ngay khi nghe tin anh nhập viện, cô Thủy cùng mọi người tất tả đến bệnh. Cô đã dành trọn gần một ngày cuối tuần ở lại bệnh viện để theo dõi kết quả chụp cắt lớp và hội chẩn của bác sĩ. Những ngày tiếp theo, cô thường xuyên vào bệnh viện để thăm và động viên tinh thần bệnh nhân vừa đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Và như đã nói ở trên, cô cũng đã nhiều lần chung tay cùng mọi người giải quyết công việc không kể giờ giấc. Đến ngày anh mất, cô cũng có mặt ở lễ tang như một người thân trong gia đình; và chính cô cũng như Ban Giám hiệu nhà trường, đã có cách giải quyết linh hoạt để phần nào tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính lúc ban đầu.
Cô Thúy vốn tính hay lo nên khi chuyện xảy ra, có lẽ cô đã không ít lần mất ngủ. Cô lo cho anh như người chị lo cho em, lòng cô bất an kể cả ngày nghỉ phép vì cô không biết những cuộc gọi khẩn, những hung tin sẽ đến bất cứ lúc nào. Là đại diện Công đoàn nên cô là người thường xuyên đưa tin về diễn biến bệnh của anh, viết thư kêu gọi đóng góp, “vận động hành lang”. Cô nhiều lần ngần ngại khi đặt bút viết thư kêu gọi đóng góp cho lần tiếp theo, nhưng cuối cùng những lá thư đó cũng đã được viết và được gửi đi. Nhờ vậy, ngay sau đó, ban tổ chức đã tiếp tục nhận được đóng góp từ những tấm lòng hảo tâm. Vì hơn ai hết, cô biết với bệnh tình ngày càng diễn biến phức tạp của anh, nguồn quỹ cũng sẽ nhanh cạn, mà sự đóng góp của mọi người cho dù lớn thế nào cũng có giới hạn. Trong bài viết về anh nhân dịp sinh nhật lần thứ 45 mà tôi có dịp đọc, cô cũng đã trải lòng khi nói về anh. Tình cảm cô dành cho anh là như thế!
Cô Đào Thị Hải với lợi thế là chủ nhiệm ngành Thư ký Y khoa và thông thạo tiếng Pháp nên cô giữ nhiệm vụ quan trọng là trao đổi, thường xuyên làm việc với bác sĩ về tình hình bệnh của anh Ngọc. Cô cũng là người được ưu tiên vào thăm bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt vào bất cứ lúc nào, vì vậy mà cô cũng là người gặp mặt, nói chuyện với bệnh nhân thường xuyên giúp bệnh nhân thêm ấm lòng. Với chút thời gian quý báu (vì bệnh nhân cũng cần nghỉ mệt), cô điểm qua một số tin quan trọng được đăng trong ngày, kể chuyện vui, động viên tinh thần giúp bệnh nhân thêm ý chí, nghị lực vượt qua bệnh tật… Ở vị trí của cô, tôi cho rằng cô đã bị nhiều áp lực vì phải thật khéo léo khi nói về bệnh với bệnh nhân, huống chi những chuyện quan trọng mà bệnh nhân sắp phải đối mặt, cần sự hợp tác cao độ với bác sĩ.
Anh Mai Ngọc Hòa hầu như sát cánh mọi lúc để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của bệnh nhân từ việc ăn uống đến việc vệ sinh cá nhân và trao đổi những việc gia đình. Bất cứ lúc nào bệnh nhân thèm ăn gì, anh đều cố gắng tìm cho bằng được. Hẳn có một thời gian, bệnh viện như nơi đi chốn về của anh. Nghĩa cử này, theo tôi, không phải ai cũng có thể làm được.
Chị Đào Thị Tuyết Hồng được đánh giá là thủ quỹ giải quyết Công việc nhanh nhẹn, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc. Chị Hồng sẵn sàng có mặt tại bệnh viên vào bất cứ lúc nào khi bệnh viện có yêu cầu đóng viện phí. Ngoài việc quản lý thu chi, lưu trữ chứng từ, chị Hồng là cầu nối đắc lực giữa gia đình, nhà trường và bệnh viện để giải quyết mọi việc được diễn ra suôn sẻ. Chị lo cho bệnh nhân từ những việc nhỏ như mua vật dụng cần thiết trong bệnh viện cho đến việc sắp xếp, theo dõi lịch trực, quà tặng bác sĩ … Có thể nói khó kể ra hết số đầu việc mà chị Hồng đảm nhận từ lúc bệnh nhân nhập viện đến giờ.
Bên cạnh đó, thật thiếu sót nếu không ca ngợi những tấm gương là anh chị tự nguyện chăm sóc bệnh nhân tận tụy và chu đáo. Tôi muốn nhắc đến chị Nguyễn Thị Hà Ni (TTĐT chi nhánh Cao Thắng), anh Đặng Dương Hoàng Anh (Khoa Đào tạo Chuyên nghiệp).
Ở chị Hà Ni tôi đã nhận thấy sự tận tụy của một người thân như ruột thịt của bệnh nhân, chị tình nguyện trực bệnh viện một tuần 3-4 buổi, chăm sóc cẩn thận từng buổi ăn, giấc ngủ, chọc cười cho bệnh nhân có thêm nghị lực và niềm tin. Có thể tưởng tượng những ngày đầu chị Hà Ni còn lúng túng trong việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng càng về sau chị đã biểu hiện sự chủ động, nhanh nhẹn như một người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi bệnh. Điều này chỉ có thể có được từ sự tận tụy, lòng nhân hậu mà chị dành bệnh nhân.
Anh Hoàng Anh cùng anh Hòa là những thành viên nam thường xuyên trực đêm trong bệnh viện. Mỗi khi vào chăm sóc bệnh nhân, không cần ai bảo, anh dùng khăn nhúng nước ấm lau mình cho bệnh nhân, thật nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo. Sáng ra lại vào trường làm việc, cứ như vậy ngày này qua ngày khác, tôi nhìn thấy em sự xuống sắc, tiều tụy nhưng chưa hề nghe một tiếng than vãn từ em.
Ngoài ra, cô Phan Thị Nhi Hiếu, là thành viên Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã luôn sát cánh với bệnh nhân. Cô đã nhiệt tình phối hợp với ban tổ chức giới thiệu, bố trí, sắp xếp nhân sự trực bệnh viện. Đặc biệt hơn, cô là nữ giảng viên duy nhất xông xáo đăng ký trực ca đêm-sáng nhiều lần để được đích thân chăm sóc người em thân thương. Và đến lúc được tin người em của cô vừa nhắm mắt, cô cũng đã vội vàng rời khỏi sân bay sau một chuyến bay dài để kịp thời có mặt hỗ trợ lo việc hậu sự.
Thầy Ngô Hùng Dũng là người đã thay thế anh Ngọc tiếp nhận các lớp Thiết bị văn phòng mà anh Ngọc đang dạy dang dở. Thầy Dũng không những sẵn sàng tinh thần nghiên cứu dạy thêm môn học mới ngoài kế hoạch để kịp tiến độ và đảm bảo hoàn tất tốt công việc giảng dạy, mà thầy còn dùng hơn một nửa khoản thu nhập mà thầy nhận được từ thù lao phụ trội cho việc dạy thay để góp vào quỹ điều trị bệnh cho bệnh nhân. Với số tiền đóng góp này, tên thầy đã dẫn đầu trong danh sách quyên góp. Tôi thực sự cảm kích vì nghĩa cử cao đẹp cũng như cách hành xử vô cùng tử tế này của thầy.
Bên cạnh những gương sáng đã nêu, còn nhiều nữa những tấm gương đáng trân trọng mà tôi chưa thể nói nhiều về họ trong giới hạn bài viết này như chị Huỳnh Thị Phi Ánh, chị Đặng Thị Huệ, anh Nguyễn Hữu Phát, chị Nguyễn Thị Mai, anh Trương Tấn Diệp, anh Nguyễn Đăng Khoa, anh Lê Hữu Sơn, Cô Phan Thị Duyên, chị Vũ Uyên Vy, chị Võ Thị Nga, anh Thái Nguyễn, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, chị Phan Thị Kim Tài, anh Ngô Phước Linh Giang, chị Bùi Thị Hương Thảo, anh Nguyễn Dạ Thu, anh Phạm Văn Huy, chị Nguyễn Thị Vân Châu, anh Trần Anh Dũng… và thậm chí là các bạn nam sinh viên chưa từng học với thầy Ngọc cũng xung phong tình nguyện trực bệnh viện để được chăm sóc thầy.
Chăm sóc anh tận tâm nhưng vẫn đảm bảo việc trường, việc nhà là điều tôi muốn nhấn mạnh và một lần nữa muốn ngợi ca những người con Hoa Sen. Nhiều năm qua làm việc tại trường, lần đầu tiên tôi mới thấy một việc làm thuộc về tập thể thắm đượm tình người thế này, ai cũng tự nguyện, đồng lòng, phối hợp nhịp nhàng không có chỗ cho sự đùn đẩy trách nhiệm. Tang lễ của anh được tổ chức tươm tất, trang trọng và ấm cúng. Chắc hẳn anh sẽ rất ấm lòng, nhắm mắt ra đi trong sự bình yên, trong lời nguyện cầu của những người đã hết lòng yêu quý anh.
Ngoài tình cảm mang giá trị tinh thần đong đầy dành cho đồng nghiệp không may, tấm lòng của mọi người được biểu hiện bằng vật chất với danh sách đóng góp ngày càng dài cũng đã thêm minh chứng về tình người. Với vị đồng nghiệp đặc biệt này, sự đóng góp không những đến từ các thành viên hiện tại đang làm việc, học tại Hoa Sen mà ban tổ chức còn nhận được sự đóng góp từ cựu sinh viên, cựu nhân viên trong và ngoài nước và kể cả người thân của nhân viên. Số tiền quyên góp lên đến mức kỷ lục.
Phải chăng, lúc sống anh đã cho đi quá nhiều?! Hẳn là vậy, trong tôi, hình ảnh của anh thật hồn nhiên, vui tính, yêu đời, tử tế, tốt bụng và đặc biệt là lòng hiếu thảo. Hiếm khi thấy một người nhiệt tình, hay giúp đỡ mọi người và cũng khó tìm được một thầy giáo tâm huyết và được tất cả học trò yêu quý như anh. Nhưng mấy ai biết “góc khuất” của cuộc đời anh: “… người sẵn sàng chia sẻ với người khác nhưng lại âm thầm chịu đựng những nghiệt ngã đời thường của chính bản thân” (trích lời Cô Thúy). Trong tôi, anh cũng chính là người con gương mẫu của Bác, mẫu người thầy, người con, anh, em tử tế điển hình mà chúng ta cần nhân rộng.
Qua sự việc này, tôi thực sự cảm kích vì tất cả mọi người đã chung tay làm cho cuộc sống tốt đẹp, mang tính nhân văn và đậm đà bản sắc văn hóa Hoa Sen hơn bao giờ hết. Các thành viên trong gia đình Hoa Sen thực sự đều xứng đáng là con cháu của Bác, mọi người đã thực hiện được một trong bốn chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đó là lòng yêu thương con người.
Xin cảm ơn những bông hoa của Bác, những bông hoa ngát hương trong vườn Bác.
Tôi mong sao nét đẹp văn hóa trong cách hành xử giữa con người với nhau này sẽ luôn được đề cao và nhân rộng trong toàn thể các thành viên đang học tập và làm việc dưới mái nhà Hoa Sen trong hôm nay và mãi về sau. Để những người con Hoa Sen đúng thực là những người sống tử tế, sống có ý nghĩa cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
(Trong giới hạn bài viết và sự hiểu biết của bản thân, chắc hẳn tôi sẽ khó tránh khỏi sơ sót khi tỏ lòng tri ân. Nếu có, xin quý vị hãy vui lòng bỏ qua.)
Ngày 18 tháng 9 năm 2012
Hồng Ngọc