Đại học Hoa Sen – HSU

Những bài học đầu tiên của Tân sinh viên Hoa Sen

Bài giảng đầu năm dành cho Tân sinh viên do TS.Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen và GS. Chu Hảo – thành viên Hội đồng cố vấn Nhà trường thực hiện đã diễn ra vào ngày 11/10, tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng. 

Trước tiên, hãy học làm người tử tế!

Mở đầu bài giảng của mình, TS.Bùi Trân Phượng đưa ra một số “qui ước”: Đây không phải là một buổi thuyết trình, càng không phải là một buổi học chỉ “thầy nói – trò nghe” mà là một buổi trao đổi, và học là hỏi, không hỏi thì không học được gì; hỏi không chỉ để người khác trả lời, mà trước hết là tự hỏi; hỏi cũng là suy nghĩ…

TS Bui Tran Phuong chia se voi sinh vien Hoa Sen bai giang dau nam hoc

TS.Bùi Trân Phương khích lệ sinh viên đặt câu hỏi bởi “không có câu hỏi ngớ ngẩn, chỉ có người nghe có khi “ngớ ngẩn” chưa hiểu câu hỏi…”

Tiếp đến, cô giới thiệu chặng đường phát triển với những dấu mốc đáng chú ý của trường Đại học Hoa Sen. Đặc biệt, năm học 2015-2016 là một năm đáng nhớ cho các thế hệ sinh viên Hoa Sen khi trường sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập với rất nhiều hoạt động sôi nổi. TS. Phượng cũng giải thích về chủ đề kỷ niệm 25 năm khẳng định một vị thế, một con đường: 

Trí thực học: gắn với thực tiễn; thực chất, liêm chính học thuật; Chí ra khơi: không có rào cản trong tư duy; hội nhập quốc tế; bình tâm vượt sóng ; Hồn khai phóng: năng lực chuyên môn; năng lực tổng quát; ngoại ngữ; trải nghiệm; đổi mới, sáng tạo.

25 năm khẳng định một vị thế: Trí thực học – Chí ra khơi – Hồn khai phóng.

Mượn lời đạo diễn Trần Văn Thủy trong phim Chuyện tử tế, TS. Phượng nhắn nhủ: “Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…” bởi: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn.” (Trần Văn Thủy, lời bình phim Chuyện tử tế, 1985-1987).

Đó cũng là một trong những lí do quan trọng mà trường Đại học Hoa Sen quyết định giữ nguyên chủ đề năm học “Sống tử tế, Học đàng hoàng, Kết nối năm châu” trong 3 năm liên tục.

Nội dung cơ bản của Giáo dục Vô vị lợi là Giáo dục Khai phóng

Song song với bài giảng của TS. Bùi Trân Phượng (tại lầu 10), GS. Chu Hảo (tại lầu 9) đã trò chuyện cùng tân sinh viên Đại học Hoa Sen chủ đề “Giáo dục khai phóng”. Nội dung trao đổi của GS. Chu Hảo giúp các em làm quen và hiểu rõ hơn các khái niệm: Giáo dục Khai phóng (GDKP) là gì? Vì sao cần có GDKP? Giải pháp thực hiện GDKP? Ông cũng nêu Đại học Hoa Sen và Đại học Phan Châu Trinh như  là những trường tiên phong thực hiện mô hình này.

GS. Chu Hảo giúp SV làm quen và hiểu hơn về nhiều khái niệm mới.

Xã hội hiện đại với quá nhiều biến động, các giá trị vật chất quá được đề cao đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng theo Martha C Nussbaum (2010) nhận định là tuy “thầm lặng” nhưng rất “nguy hiểm”: Càng ngày khuynh hướng giáo dục vị lợi (đào tạo con người như công cụ lao động cho phát triển kinh tế) càng lấn át khuynh hướng giáo dục vô vị lợi (vì sự phát triển con người tự do, trọng nhân cách và ý thức trách nhiệm xã hội). Trước trực trạng đáng báo động đó, nhiều nhà giáo dục và các trường đại học hàng đầu thế giới, thường là các trường vô vị lợi, đã xem xét lại định hướng giáo dục, cấu trúc chương trình và ngày càng đề cao vai trò của giáo dục khai phóng. Giáo dục khai phóng giúp mở rộng tầm nhìn, nâng cao nền tảng văn hóa chung, giúp xây dựng nhân sinh quan, thế giới quan riêng của mỗi người, tôn trọng giá trị cá nhân. Đồng thời, mỗi người biết rõ trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và cả nhân loại.

TS. Phạm Quốc Lộc- Phó Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen chia sẻ cùng tân sinh viên.

Nội dung cơ bản của giáo dục Vô vị lợi chính là GDKP. Tại Đại học Hoa Sen, GDKP đã được triển khai trong những năm gần đây thông qua Chương trình giáo dục tổng quát (gồm một nhóm các môn học tự chọn riêng) và lồng ghép vào các môn bắt buộc khác. Giáo dục tổng quát (Giáo dục đại cương) cũng nhằm giúp chuyển đổi người học từ vị thế một người học sinh cấp 3 trở thành một sinh viên chứ không phải học sinh cấp 4, là một công dân đi học với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân. 

Một trong những biểu hiện của giáo dục khai phóng là môi trường mở, khuyến khích sinh viên thảo luận, trao đổi, phản biện thầy cô giáo, khuyến khích xưng tôi để tạo sự bình đẳng, giúp gia tăng sự tự tin.

Tiếp lời GS. Chu Hảo, TS. Phạm Quốc Lộc- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ: Văn hóa Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung có thể làm các em cảm thấy ngại việc xưng “tôi”, khi chỉ trao đổi riêng với thầy thì các em có thể gọi “thầy”, xưng “em” cho thân mật và thể hiện sự tôn trọng. Tuy nhiên, khi đứng trước số đông công chúng, như buổi hôm nay, hay khi thuyết trình trước lớp, tôi khuyến khích các em nên xưng “tôi” để phù hợp với nhiều người.

Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi của một Tân sinh viên, khép lại phần thảo luận sôi nổi ở cuối bài giảng đầu năm hữu ích và giàu ý nghĩa.

Bài giảng đầu năm là một truyền thống tại Đại học Hoa Sen trong nhiều năm qua, đó là dịp trao đổi thân mật giữa sinh viên nhà trường cùng đại diện Ban giám hiệu cũng như các học giả chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong các năm qua, trường đã mời được những học giả, các trí thức Việt Nam trong và ngoài nước như: TS. Vũ Minh Khương, TS. Nguyễn Xuân Xanh, GS.Trần Văn Thọ, TS. Giáp Văn Dương ….đến và chia sẻ với các em tân sinh viên về những đề tài khác nhau, nhằm giúp các em mở rộng chân trời tri thức.

Linh Đan

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo