Những đổ vỡ và cơ hội từ Charlie
Hệ lụy khủng khiếp mà cuộc tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo tuần qua mang lại trước tiên đương nhiên là mạng người, kể cả vô tội lẫn có tội (tùy theo quan điểm của từng người). Nhìn ở một góc độ sâu xa hơn, đây là đòn đánh thẳng vào một trong những giá trị cơ bản nhất của văn hóa Pháp.
Quyền tự do ngôn luận được chính thức xuất hiện dưới văn bản pháp lý từ thế kỷ thứ 17 ở Anh (Bill of Right) và thế kỷ thứ 18 trong thời cách mạng Pháp (Right of Man). Người Pháp nổi tiếng bởi tính cách thích tranh luận, mổ xẻ, soi xét xuôi ngược hoặc đưa ra các ý kiến trái chiều để nhìn sự việc dưới góc độ thấu đáo nhất có thể. Có lẽ chính vì vậy mà nước Pháp sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc.
Tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do thể hiện quyền dân chủ trở thành nền tảng cho một tính cách dân tộc và danh tính văn hoá. Cuộc tấn công vào Charlie chính vì vậy được nhìn nhận như thể một cuộc tấn công vào quyền được là người Pháp trên đất Pháp.
Nhưng Charlie cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại những quan điểm cũng như sự ngộ nhận đã âm ỉ từ nhiều năm qua:
Xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây?
Em trai viên cảnh sát bị giết Ahmed Merabet nói những kẻ giết người
không phải là người Hồi mà chỉ là những phần tử khủng bố
Xin lưu ý ngay từ đầu là hai trong số những nạn nhân trong cuộc tấn công là người Hồi. Ông Mustapha Ourrad là biên tập viên tranh biếm hoạ và viên cảnh sát Ahmed Merabet. Những tuyên bố phản đối cuộc tàn sát đầu tiên thuộc về các lãnh tụ Hồi giáo. Không thể đếm được con số tín đồ Hồi nguyền rủa những kẻ sát nhân, và đương nhiên không thể đếm được những người Hồi dành cả ngày chủ nhật vừa qua để tham gia vào cuộc tuần hành phản đối, không những ở khắp châu Âu mà thậm chí ở Ramallah (Palestine).
Nói một cách ngắn gọn, người Hồi ở cả hai bên chiến tuyến. Trong thực tế, số người Hồi là nạn nhân của Hồi giáo cực đoan nhiều gấp 8 lần số nạn nhân không phải là người Hồi giáo. Thủ lĩnh Hồi giáo Hezbollah tuyên bố vụ tấn công vào Charlie là hành động phỉ báng Hồi giáo gấp nhiều lần những bức biếm họa.
Chính vì vậy, bất kỳ một tuyên bố nào cho rằng đây là biểu trưng của sự xung đột giá trị giữa Hồi giáo và phương Tây không những là nhận định sai lầm mà còn hết sức nguy hiểm. Nó phủ nhận những giá trị chung của con người mà người Hồi, người Thiên Chúa, Do Thái, Phật giáo hay bất kỳ ai khác đều xứng đáng được hưởng.
……………………
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai
(Nguồn: BBC Việt Nam, ngày 14/01/2015)