Nhật sẽ phế bỏ 4 lò phản ứng hạt nhân
Nhật Bản sẽ phế bỏ bốn lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sau hàng loạt sự cố vì động đất và sóng thần, sau ba tuần không kiểm soát được các lò này.
Lò phản ứng số 1 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ảnh: AFP.
Công ty điện lực Tokyo (Tepco) đưa ra thông báo trên sau ba tuần nỗ lực bơm nước làm mát với hy vọng kiểm soát được tình ình các lò số 1,2,3 và 4, BBC đưa tin.
Nhà máy điện Fukushima I có tổng cộng 6 lò phản ứng. Dự kiến giới chức sẽ tham vấn ý kiến của các bên và công chúng về hướng xử lý hai lò 5 và 6, hai lò này tự động ngừng hoạt động khi động đất xảy ra.
Trong khi đó, AFP hôm nay dẫn tin từ báo Nhật cho biết giới chức nước này đang tính chuyện sẽ che phủ các lò phản ứng ở Fukushima I để hạn chế phóng xạ rò rỉ ra không khí và bơm nước đã bị nhiễm xạ vào thùng chứa riêng.
Sau trận động đất, sóng thần hôm 11/3, bốn lò của nhà máy này liên tục xảy ra sự cố do hệ thống làm lạnh ngừng hoạt động. Các kỹ sư nỗ lực làm việc để làm lạnh các lò phản ứng song không ngăn được phóng xạ rò rỉ.
Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ chất phóng xạ iốt (I-131) trong nước biển gần lò phản ứng số 1 của nhà máy điện cao gấp 3.355 lần mức cho phép. Trong các đợt kiểm tra trước, nồng độ I-131 trong nước biển gần lò số 1 vượt 1.850 lần mức cho phép.
Trước đó, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Nhật cho rằng Tokyo sẽ phải mất tới ba thập kỷ để bất hoạt những lò phản ứng trên. Chi phí cho quá trình này sẽ lên tới 12 tỷ USD.
Nhật cũng vừa phát hiện chất phóng xạ plutonium trong đất quanh nhà máy hạt nhân. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Edano Yukio nói rằng, việc phát hiện plutonium trong đất tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 là cực kỳ nghiêm trọng, truyền hình Nhật NHK cho hay.
Trong cuộc họp báo hôm 29/3, ông Edano đã nói tới việc Công ty Điện lực Tokyo lấy 5 mẫu đất xung quanh nhà máy trong khoảng thời gian từ 21 tháng 3 đến 22 tháng 3, và đã phát hiện có hai mẫu nhiễm plutonium.
Plutonium là sản phẩm phụ trong quá trình phát điện hạt nhân. Có thể chặn được phóng xạ của plutonium chỉ bằng một tờ giấy. Nhưng phóng xạ lại có thể tồn tại trong nội tạng, như phổi, và gây ra nhiều tác hại về lâu về dài, trong đó có bệnh ung thư.
Xem thêm: Tác hại của plutoni với con người
Ông Edano nói, dấu vết của plutonium, cộng với việc phát hiện nước nhiễm phóng xạ cao, càng cho thấy là các thanh nhiên liệu hạt nhân đã bị nóng chảy một phần.
Ông Edano yêu cầu theo dõi số liệu chặt chẽ hơn và nói rằng, nếu nồng độ plutomium tìm thấy tăng lên cao thì chính phủ sẽ phải có biện pháp.
Hơn 11.000 người được cho là đã thiệt mạng và hơn 16.000 người mất tích trong trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 11/3 ở vùng đông bắc Nhật.
(Nguồn: VnExpress)