Đại học Hoa Sen – HSU

Nhật ký Đặng Thùy Trâm: Giá trị và những bài học xuyên biên giới

Trong hai ngày 18 và 19/07/2011, trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức thành công buổi giao lưu và trao đổi kinh nghiệm giữa 36 sinh viên Hoa Sen và sinh viên trường Cao đẳng De Anza (California – Mỹ) về Nhật ký Đặng Thùy Trâm (phiên bản tiếng Anh “Last night, I dreamed of peace” của dịch giả Andrew Xuân Phạm) dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của Giáo sư John Swensson cùng đại diện giảng viên của nhà trường.

Tác phẩm Nhật Ký Đặng Thùy Trâm thật sự là một thông điệp ý nghĩa và sự cố gắng gìn giữ thông điệp ấy trong hơn 35 năm của ông Fred Whitehurst – người cựu binh Mỹ đã giữ di vật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Và chính những nỗ lực đầy giá trị đó đã mang 18 sinh viên Mỹ cùng 18 sinh viên Việt ngồi lại với nhau, cùng nhau học tập, chia sẻ và lắng nghe tiếng nói đầy hòa bình từ cả hai phía…

John Swensson – Trái tim người Mỹ thuần hậu

Đã từng tham chiến tại Việt Nam, Giáo sư John có nhiều tình cảm sâu nặng và ấn tượng về con người và đất nước Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Củ Chi, nơi ông từng gọi bằng cái tên thân thương là “my hometown”. Với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu sâu sắc về nền văn hóa và văn học, trong những chuyến công tác đến Việt Nam, Giáo sư đã đem đến cho các bạn sinh viên De Anza và sinh viên Việt Nam, đặc biệt là các bạn trường ĐH Hoa Sen, những cái nhìn thuần khiết và sự thấu hiểu sâu sắc về tư tưởng nữ quyền, giá trị nhân văn của những tác phẩm văn học từng “vang bóng một thời” trên văn đàn Việt Nam như “Truyện Kiều” (năm 2008) và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (năm 2011).

Ngoài vai trò là người thầy trực tiếp giảng dạy, John Swensson còn được các học trò nhỏ của mình đánh giá là một người nhân hậu, dành rất nhiều thời gian và tâm huyết của mình cho Việt Nam – một đất nước không phải là quê hương của ông. Giáo sư đã dành bao công sức để “truyền lửa”, khơi gợi và thắp sáng những nét văn hóa thuần Việt cho các bạn sinh viên De Anza bởi lẽ theo ông, hiện nay tại trường De Anza có khoảng 2.400 sinh viên Mỹ gốc Việt, nên những hoạt động trao đổi văn hóa và học thuật thường niên kể trên sẽ giúp cho các bạn không lãng quên giá trị truyền thống.

Ước mơ Đặng Thùy Trâm và tuổi trẻ ngày nay

Tìm hiểu về “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” phiên bản tiếng Anh “Last night, I dreamed of peace” của dịch giả Andrew Xuân Phạm là một trong những hoạt động trao đổi thường niên của ĐH Hoa Sen và trường Cao đẳng De Anza. Tham dự khóa học trong hai ngày 18 và 19/07, sinh viên ĐH Hoa Sen cần hoàn thành các thủ tục đăng ký và tham gia trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh về sự hiểu biết của mình về tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Và đã có 18 sinh viên Hoa Sen đến từ nhiều ngành học khác nhau đã vượt qua vòng sơ khảo để tiếp tục tham dự khóa học kéo dài hai ngày với các bạn sinh viên De Anza.

“Năng động, thân thiện, trách nhiệm, tự tin” là những từ ngữ khái quát rõ nét nhất về hoạt động trao đổi, thuyết trình theo sáu nhóm với từng chủ đề để làm rõ hơn ý nghĩa về chiến tranh, về tuổi trẻ Việt Nam trong thời chiến, về những bài học đậm giá trị nhân văn của tác phẩm “Last night, I dreamed or peace” mà các bạn sinh viên Hoa Sen và De Anza có được trong những giờ học thú vị dưới sự dẫn dắt của Giáo sư John và các giảng viên của ĐH Hoa Sen.

Khóa học khép lại trong không khí lưu luyến và đầy xúc cảm thân tình của các bạn sinh viên, và dường như những khác biệt về ngôn ngữ, dân tộc… đã không còn tồn tại. “Thay vào đó là những hình ảnh đẹp về ước mơ hòa bình, độc lập của tuổi trẻ mang tên Đặng Thùy Trâm, về sức mạnh của tình yêu thương con người, của hành động “truyền lửa” và sống hết mình với ước mơ của mỗi người…” – bạn Thu Trang, sinh viên năm nhất ngành Marketing của ĐH Hoa Sen, chia sẻ sau khi tham gia khóa học cùng những người bạn thân thiện của mình.

(Nguồn: giaoduc)

Thông tin liên quan:

>> Sinh viên các nước đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”: Hiểu thêm về một dân tộc yêu hòa bình

>> Giáo sư Mỹ giảng về Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Facebook Youtube Tiktok Zalo