Nhật bịt được lỗ thủng lò phản ứng bằng hợp chất
Các kỹ sư Nhật đêm qua đạt được bước đột phá khi bịt lỗ rò rỉ nước phóng xạ từ một lò phản ứng ở nhà máy Fukushima I ra biển, bằng cách dùng hỗn hợp mùn cưa, giấy báo, bê tông và thuỷ tinh lỏng.
Đây là bước ngoặt quan trọng của các kỹ sư đang vật lộn để kiểm soát cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sau sóng thần động đất. Thành công của họ đã chặn được dòng nước nhiễm xạ cao từ một lò phản ứng bị nổ trong nhà máy thoát ra ngoài đại dương.
Hỗn hợp những thứ đơn giản như mùn cưa, giấy báo, bê tông và thủy tinh lỏng tỏ ra thành công hơn hẳn so với nỗ lực vá lỗ thủng trước đó bằng xi măng, polimer hút nước. Những chỗ rò rỉ nước phóng xạ này mới được phát hiện hôm thứ bảy tuần trước, đẩy cuộc khủng hoảng tại đây thêm trầm trọng vì nước biển bên ngoài nhà máy đã bị nhiễm xạ cao hơn 7,5 triệu lần mức cho phép.
Công ty điện lực Tokyo quản lý nhà máy Fukushima I hôm thứ hai cũng buộc phải phá quy định của chính mình bằng cách bơm 11.500 tấn nước nhiễm xạ nhẹ ra đại dương, lấy chỗ chứa cho số nước nhiễm xạ cao hơn đang rò rỉ không thể kiểm soát. Công việc này sẽ phải kéo dài tới thứ sáu tới.
Trong khi đó, các công nhân vẫn tìm cách nối lại hệ thống làm mát cho 4 lò phản ứng gặp sự cố trong nhà máy. Nếu hệ thống này làm việc chúng sẽ tái sử dụng nguồn nước, tránh tình trạng rò rỉ nước nhiễm xạ ra ngoài. Khi chưa có sự phục vụ của hệ thống khép kín này, các công nhân vẫn phải bơm nước từ bên ngoài vào lò phản ứng nhằm ngăn nguy cơ tan chảy hạt nhân, dẫn đến việc nước nhiễm xạ phải thải ra ngoài ngày càng nhiều.
Nhật cũng đã đề nghị thuê nhà máy xử lý nước thải phóng xạ nổi khổng lồ của Nga là Landysh hỗ trợ. Đây là một nhà máy nổi được hoán chuyển từ tàu ngầm hạt nhân đã hết hạn sử dụng đặt tại cảng Vladivostok, chuyên xử lý nước thải phóng xạ bằng hoá chất.
Theo Telegraph, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc lần đầu tiên hạn chế sử dụng hải sản vì phát hiện có cá nhiễm xạ. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ mọi khu vực của Nhật Bản do lo ngại về phóng xạ.
Trận động đất mạnh 9.0 độ Richter dẫn đến sóng thần hôm 11/3 tại vùng đông bắc Nhật Bản đã khiến 28.000 người chết và mất tích. Thảm họa đã tàn phá nhà máy điện nguyên tử Fukushima I nằm trong vùng động đất tạo ra cuộc khủng hoảng hạt nhân trầm trọng.
(Nguồn: VnExpress)